Việt Nam đáp ứng gần như hoàn hảo tất cả các tiêu chí về một nước chủ nhà cho kỳ hội nghị thượng đỉnh mà cả hai bên Hoa Kỳ và Triều Tiên có thể mong đợi.
Cả thế giới đang hướng về Việt Nam dõi theo cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày 27 và 28.2, với những kỳ vọng xác lập được bước đi cụ thể cho chương trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đặt nền móng cho nền hòa bình lâu dài trên bán đảo và khu vực, cũng như mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cho Triều Tiên.
Hà Nội - Việt Nam trở thành tâm điểm của giới truyền thông và quan sát quốc tế. Giới phóng viên báo chí trong và ngoài nước đổ tới đây, săn lùng bất cứ dòng tin, tấm ảnh nào liên quan tới các hoạt động của hội nghị.
Việt Nam là nơi cả hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp gỡ, thảo luận trong một sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu thế giới, nghe vừa thật "ngỡ ngàng", vừa thật tự hào. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội, mà Việt Nam đã được lựa chọn. Chúng ta đáp ứng gần như hoàn hảo tất cả các tiêu chí về một nước chủ nhà cho kỳ hội nghị thượng đỉnh mà cả hai bên Hoa Kỳ và Triều Tiên có thể mong đợi: Việt Nam có nền chính trị ổn định, môi trường an ninh cực kỳ bảo đảm, xua tan lo ngại về những bất ổn hay các cuộc tụ tập đông người có thể ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như hình ảnh về một hội nghị cấp cao quan trọng.
Trong những năm qua, cùng với vị thế ngày càng được ghi nhận trên trường quốc tế, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công, an toàn tuyệt đối các sự kiện hội nghị quốc tế tầm cỡ, trong đó có Hội nghị diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng năm 2017, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 năm 2017, Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ5 (ASEM 2010)... Nước ta cũng nằm trong số ít những quốc gia có mối quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và Triều Tiên, lại có vị trí địa lý thuận lợi cho đi lại của hai nhà lãnh đạo hai nước.
Và đặc biệt là, từ một quốc gia phải oằn mình đi qua các cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ nền độc lập, tự do, Việt Nam đã vươn lên, thực hiện một "phép màu" phát triển kinh tế - xã hội không phải bằng "chiếc đũa thần", mà bằng khối óc, bàn tay và ý chí. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, kiệt quệ sau chiến tranh, chúng ta đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế đạt những thành tựu ấn tượng nhờ cải cách táo bạo, tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới.
Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai đã khẳng định và góp phần nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy chúng ta là một đất nước có uy tín, được tôn trọng, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, là đối tác triển vọng của nhiều quốc gia, thậm chí những quốc gia có những nền chính trị khác biệt. Việt Nam từ một cái tên chỉ được biết đến qua các cuộc chiến tranh, đã trở thành quốc gia giành được sự tin cậy chiến lược, từ cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em đến các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển như Mỹ, các nước châu Âu. Việt Nam, từ một quốc gia từng nhận được sự hỗ trợ của bên thứ ba (Geneva, Thụy Sỹ) trong tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để đi đến kết thúc chiến tranh, trở thành một trong những nơi tổ chức đàm phán, kiến tạo hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và thế giới.
Sự kiện này cũng một lần nữa khẳng định chính sách đổi mới, mở cửa mà Việt Nam tiến hành trong những năm qua đang ngày càng thành công và hiệu quả. Chính sách đúng đắn mà Đảng ta vạch ra đã đưa Việt Nam đạt được vị trí hiện nay trong cộng đồng thế giới, thậm chí trở thành một hình mẫu được các bên liên quan đánh giá là Triều Tiên có thể học hỏi để phát triển kinh tế trong khi vẫn giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, Hà Nội, "thành phố vì hòa bình", càng xứng với danh xưng đầy trân trọng đó, khi trở thành một "Geneva" mới ở Đông Nam Á, góp phần vào nền hòa bình ổn định, lâu dài của khu vực và thế giới.
HẰNG THU