Việt Nam sẽ có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại, làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đào tạo đội ngũ trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam.” (Nguồn: VNSC)
Thông tin trên được giáo sư, viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị sơ kết và triển khai kế hoạch 2017-2022 Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thực hiện.
Được khởi động từ năm 2012 với nguồn vốn hơn 600 triệu USD, theo giáo sư Châu Văn Minh, đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ của Việt Nam từ trước đến nay.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC thì cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị này đã hoàn thành nhiều hạng mục, mục tiêu như đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng…
Về chế tạo và ứng dụng công nghệ vệ tinh, tới nay, VNSC đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon(1kg); đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon (4-6 kg), MicroDragon (50 kg), LOTUSat (600 kg).
Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “Made in Vietnam.”
“Với 2 vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường,” ông Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, VNSC cũng sắp đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc. Đặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đưa vào phục vụ cộng đồng vào năm 2018.
Cũng theo người đứng đầu VNSC, trong giai đoạn tới, đơn vị này tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ theo định hướng ứng dụng tạo ra sản phẩm theo 4 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ vũ trụ; Ứng dụng công nghệ vũ trụ; Khoa học vũ trụ và vật lý thiên văn; Đào tạo đại học và trên đại học, phổ biến kiến thức vũ trụ…