Chỉ còn 3 tháng nữa Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn truyền thống và phi truyền thống, Việt Nam sẽ cần nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt sứ mệnh mà cộng đồng quốc tế đã tín nhiệm gửi gắm khi bỏ lá phiếu bầu Việt Nam vào tổ chức quyền lực nhất của Liên hợp quốc hồi tháng 6.2019.
Phóng viên đã phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc về kế hoạch của Việt Nam tại Liên hợp quốc từ nay tới cuối năm cùng những quan sát, chia sẻ của ông về kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 vừa kết thúc cuối tháng 9 vừa qua.
- Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy những vấn đề gì tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan khác của Liên hợp quốc từ nay đến cuối năm, thưa Đại sứ?
- Thứ nhất, tại Hội đồng Bảo an, chúng ta tiếp tục hoàn thành nốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực, thực hiện đầy đủ những cam kết chúng ta đã hứa với cộng đồng quốc tế khi bắt đầu tham gia Hội đồng Bảo an, ví dụ như vấn đề phất cao ngọn cờ Hiến chương Liên hợp quốc trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, phất cao ngọn cờ thượng tôn pháp luật, coi luật nhân đạo là số một trong giải quyết các vấn đề xung đột an ninh ở các khu vực, bảo vệ dân thường, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ môi trường trong xung đột, giải quyết các vấn đề hậu xung đột…
Tất cả những vấn đề đó chúng ta sẽ phải tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa. Đồng thời, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh, cho nên chúng ta cần phải tiếp tục phấn đấu để thể hiện tiếng nói của Việt Nam.
Song song với công việc tại Hội đồng Bảo an, chúng ta còn rất nhiều việc tại 6 ủy ban với khoảng 200-300 cuộc họp, nhất là các công việc tại Ủy ban 1, Ủy ban 3 và Ủy ban 6, bởi những vấn đề tại các ủy ban này trùng với mối quan tâm chung của Việt Nam.
Ủy ban 1 chuyên về các vấn đề như an ninh mạng, an ninh chiến lược; Ủy ban 3 chú trọng việc triển khai các vấn đề liên quan quyền con người; Ủy ban 6 tập trung củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật, luật pháp quốc tế, bảo đảm sự thực thi luật pháp quốc tế mang lại lợi ích chung về hòa bình an ninh cho tất cả mọi người.
Việt Nam vẫn phải đóng góp vào quá trình đó và thậm chí còn phải có trách nhiệm hơn nữa, đóng góp thực chất hơn nữa cho nên tôi cho rằng 3 tháng tới ta sẽ phải phấn đấu gấp đôi thời gian trước đây.
Quang cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 29.9. Ảnh: THX/TTXVN
- Để đạt được kết quả mong muốn đối với những vấn đề vừa được nêu, Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn, thách thức gì, thưa Đại sứ?
- Ba tháng cuối là 3 tháng nước rút cho nên thách thức không chỉ là vấn đề khối lượng công việc mà còn rất nhiều vấn đề liên quan tới việc ra các quyết định chính trị.
Khi các nước đề xuất những nghị quyết, quyết định thì chúng ta phải có lập trường của mình, phải có lập trường bỏ phiếu như thế nào trong các vấn đề lớn.
Đó sẽ là những quyết định rất khó khăn bởi trong bối cảnh hiện nay, thế giới không đoàn kết hơn, hợp tác hơn trong giải quyết các thách thức của nhân loại như mọi người vẫn tưởng.
Thực tế lại không phải vậy. Mỗi nước có một mối quan tâm khác nhau cho nên những ngày vừa qua, chúng ta thấy rằng tình hình thậm chí còn khó hơn thời gian lúc đại dịch COVID-19 vừa xảy ra.
Việc xây dựng sự đồng thuận để đạt được những kết quả cụ thể ở Hội đồng Bảo an và ở Đại hội đồng Liên hợp quốc trong 3 tháng tới sẽ rất khó khăn.
- Vậy trong kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua, vấn đề nào đã nhận được sự đồng thuận cao của các nước và vấn đề nào còn cần thảo luận thêm trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
- Phần lớn các tham luận của các nguyên thủ và các bộ trưởng đứng đầu các đoàn đã tập trung vào hai chủ đề chính là COVID-19 và phục hồi sau đại dịch như thế nào.
Ngoài ra, các nước cũng tập trung vào những vấn đề đã thường xuyên được thảo luận như ứng phó với biến đổi khí hậu, cải tổ Liên hợp quốc, giải quyết thách thức liên quan tới hòa bình, an ninh, nhưng năm nay, các vấn đề này đều có rất nhiều điểm mới bởi tất cả đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong gần hai năm qua.
- Vậy tinh thần chung mà các nhà lãnh đạo thế giới hướng tới để giải quyết các thách thức là gì ạ?
- Có ba điều các nhà lãnh đạo đều chia sẻ.
Thứ nhất là công bằng, công bằng trong tiếp cập vaccine, phân phối vaccine, cao hơn nữa là công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là với các nước kém phát triển và đang phát triển; công bằng trong phục hồi sau đại dịch, liên quan tới việc dòng vốn sẽ di chuyển như thế nào, cơ hội thương mại như thế nào, cố gắng tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất như thế nào, công bằng giữa phát triển và đang phát triển, giữa khu vực với các nước; ngay cả từng nhóm trong các quốc gia cũng cần có sự công bằng như vậy.
Thứ hai là để có được sự công bằng đó thì chỉ có một cách là phát huy chủ nghĩa đa phương; phải tiếp cận đa phương khi nhìn nhận những thách thức đó và sau đó áp dụng đa phương để giải quyết chính những thách thức đó, bởi vì với những vấn đề toàn cầu thì không thể một nước hay một nhóm nước giải quyết được.
Điểm cuối cùng là đa phương phải dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc và đó cũng là cơ chế đa phương mà toàn thể cộng đồng quốc tế mong muốn.
- Vậy các nước tại Liên hợp quốc đánh giá như thế nào về sự tham gia cũng như thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, thưa Đại sứ?
- Sự hiện diện dày đặc của Chủ tịch nước tại Liên hợp quốc trong cả Tuần lễ cấp cao tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt.
Chủ đề xuyên suốt ở tất cả 4 phiên thảo luận mà Chủ tịch nước tham dự là hình ảnh một Việt Nam có khát vọng hùng cường, muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa và có trách nhiệm hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và khu vực.
Chính điều đó khiến các nước đánh giá cao Việt Nam, trông đợi nhiều hơn rằng Việt Nam không chỉ đóng góp về chính sách, về trí tuệ mà đóng góp cả nguồn lực vào những công việc chung của khu vực và toàn cầu.
- Đại sứ đánh giá chung về kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 vừa qua như thế nào khi mà sự kiện này được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến lần đầu tiên trong 75 năm lịch sử Liên hợp quốc?
- Sự kiện được tổ chức theo phương thức như vậy đã thể hiện tính linh hoạt, thích ứng với bối cảnh thay đổi của Liên hợp quốc trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, kể cả ở New York.
Cách tổ chức như vậy đã tạo điều kiện để lãnh đạo các nước tham gia đông đảo nhất ở cấp cao nhất với khoảng 110 nguyên thủ, trong đó có khoảng 70 đoàn sang chính thức, và đó là con số rất cao mà điều này sẽ không thể có được nếu tổ chức chỉ trực tiếp hoặc chỉ trực tuyến.
Thông điệp chính mà các nước tập trung phát biểu tại Tuần lễ cấp cao, kỳ họp Đại hội đồng lần này là nỗ lực phục hồi sau đại dịch, nâng cao tính tự cường để phục hồi sau đại dịch một cách bền vững, đáp ứng những đòi hỏi của hành tinh, tôn trọng người dân, tạo nên sức sống mới cho Liên hợp quốc.
Theo TTXVN