Việt Nam được gì khi tham gia TPP?

06/10/2015 07:40

Sau khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội phát triển từ việc hưởng lợi chính sách thuế quan thấp và tiếp cận thị trường nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức...


Tối 5-10 (giờ Việt Nam), tại TP Atlanta (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.



Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng, 12 nước thành viên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ảnh: TTXVN


Hiệp định lịch sử

Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng với rất nhiều phiên thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này. Đó là vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada; Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra”.

Có 12 nước tham gia TPP, gồm: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân. Đàm phán TPP hiện là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Lợi ích thuế quan và tiếp cận thị trường

Khi hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường 11 nước tham gia TPP còn lại mức thuế quan sẽ thấp hoặc bằng 0. Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ với mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh rất lớn và một triển vọng sáng sủa cho nhiều ngành hàng, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu. Lợi ích này không chỉ dừng lại ở những nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, giày dép..., nó còn là động lực để nhiều nhóm mặt hàng khác hiện chưa có kim ngạch đáng kể có điều kiện gia tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, lợi ích này cần được đánh giá một cách chừng mực hơn, đặc biệt khi quyết định đánh đổi quyền tiếp cận thị trường Việt Nam của hàng hóa nước ngoài để có được những lợi ích này. Cụ thể, cơ hội tăng mạnh xuất khẩu không phải cho tất cả khi mà đối với Mỹ, hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ đã được hưởng mức thuế suất gần bằng 0, vì vậy có TPP hay không cũng không quan trọng. Tình trạng tương tự đối với một số thị trường khác như Australia, New Zealand, Peru hiện đã áp dụng mức thuế 0% cho các sản phẩm thủy sản như cá, tôm, cua... của Việt Nam.

Về lợi ích tiếp cận thị trường, Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn với ít các rào cản hơn. Từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước đối tác TPP, người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Mỹ và các nước đối tác TPP là một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, TPP sẽ bao trùm cả những cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển... Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ việc mở cửa thị trường mua sắm công, mặc dù mức độ mở chưa được xác định cụ thể nhưng nhiều khả năng các nội dung trong hiệp định về mua sắm công quy định khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ được áp dụng cho TPP. Và nếu điều này là thực tế thì lợi ích mà Việt Nam có được sẽ là triển vọng minh bạch hóa thị trường quan trọng này. Vì thế có thể đây là một động lực tốt để giải quyết những bất cập trong các hợp đồng mua sắm công và hoạt động đấu thầu xuất phát từ tình trạng thiếu minh bạch hiện nay. Ngoài ra, TPP còn đem lại lợi ích đến từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường. Mặc dù về cơ bản những yêu cầu cao về vấn đề này có thể gây khó khăn cho Việt Nam đặc biệt là chi phí tổ chức thực hiện của Nhà nước và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong đó (ví dụ về môi trường) sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP và bảo vệ người lao động nội địa.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam được gì khi tham gia TPP?