Việt Nam cam kết sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn

10/12/2012 15:22

Tại hội nghị CG khai mạc ở Hà Nội sáng 10-12, Việt Nam tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ, cải thiện phương thức đối thoại để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA.


Các phương tiện lưu thông trên Đại lộ Đông Tây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)


Phát biểu tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012 được tổ chức sáng 10-12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ, cải thiện phương thức đối thoại để sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội đã đạt được nhiều khích lệ. Trong đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự báo được kiềm chế ở mức 7,5%. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Vinh, tỷ giá đã cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng và đặc biệt là quá trình tái cơ cấu đã có những kết quả ban đầu.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tư nhấn mạnh năm 2013 dự báo vẫn là thời gian khó khăn với Việt Nam cũng như cộng đồng các nhà tài trợ. Chính vì thế, việc phân bổ ngân sách của các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ có không ít khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam mong được cộng đồng tiếp tục hỗ trợ vì đây là nguồn vốn quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

“Chính phủ phấn đấu giải ngân ODA hiệu quả để tương xứng với nguồn vốn này,” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Vinh, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tới năm 2015 sẽ là một thách thức nhưng Việt Nam tin tưởng, với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các nước, Việt Nam sẽ thành công trong việc thực hiện những mục tiêu đặt ra.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam năm qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng xu hướng tăng trưởng chậm lại của Việt Nam đã cho thấy những giới hạn về cơ cấu và tính năng động của nền kinh tế. Ngoài ra, những nguồn lực chưa đủ mạnh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công là những nguyên nhân được bà Kwakwa chỉ ra.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đã xác định rõ những nguyên nhân này nhưng điều quan trọng là cần có sự quyết tâm và hành động cụ thể.

“Giai đoạn hiện nay Việt Nam cần chuyển đổi từ chính sách sang hành động cụ thể. Để làm được điều này, phải có nguồn lực và các đối tác cam kết nguồn lực này cho Việt Nam,” bà Victoria Kwakwa nói.

Bà Kwakwa cho rằng Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng tốt giúp chuyển đổi sang nền kinh tế nâng suất cao. Điều này đòi hỏi sự củng cố cho toàn hệ thống hệ giáo dục, từ tiểu học tới đại học, bao gồm cả dạy nghề.

Ngoài ra, bà giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề đất đai.

“Việt Nam phải linh động hơn trong việc sử dụng đất nông nghiệp và có quy định rõ ràng trong việc đền bù đất. Trường hợp bắt buộc phải thu hồi thì phải đảm bảo cuộc sống cho người dân,” bà Kwakwa lưu ý.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, mối liên hệ giữa các ngành của Việt Nam cần rõ ràng và tăng cường hơn. Quá trình tái cơ cấu cần vai trò rất quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước. Nếu sự liên hệ này không nhịp nhàng và chặt chẽ thì sẽ rất khó thống nhất để thúc đẩy quá trình quan trọng này.

Đại diện ADB cũng nhấn mạnh việc tăng tính minh bạch trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để áp dụng tại Việt Nam.

Xuân Linh(Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam cam kết sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn