Những người khuyết tật giàu lòng nhân ái

20/01/2019 09:31

Vượt lên trên tất cả, nhiều người khuyết tật vẫn sống lạc quan, gieo tình yêu thương cho đời bằng những việc làm nhân ái theo cách riêng, phù hợp với hoàn cảnh bản thân.

Bà Quê hướng dẫn kỹ thuật may cho người khuyết tật

"Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

Đa phần người khuyết tật (NKT) gặp hạn chế về giao tiếp, đi lại, kinh tế... Để thực hiện ước mơ giúp đỡ cộng đồng, nhiều người trong số họ đã dựa vào chính sức mạnh cộng đồng. Cách làm này đã giúp NKT khẳng định nghị lực sống và lan tỏa tình yêu thương.

Dịp Tết Nguyên đán 2013, anh Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1987, ở thị trấn Minh Tân, Kinh Môn) tỉnh dậy sau ca phẫu thuật não không thật sự thành công. Anh Thuận bị biến chứng không nói được và đi lại rất khó khăn. Từ một chàng trai khỏe mạnh, anh trở thành NKT, phải ngồi xe lăn. Bao hoài bão ước mơ tuổi trẻ tưởng chừng sụp đổ. Nhưng bằng nghị lực, sự cảm thông, chia sẻ tận tình của người thân, anh Thuận đã vượt qua nỗi mặc cảm, dần lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Nhiều lúc rảnh rỗi, anh Thuận thường nghĩ về những người kém may mắn trong cuộc sống. Anh nhận ra bản thân còn may mắn hơn biết bao người khi còn có sức khỏe để làm việc mình yêu thích, có một gia đình để yêu thương. Từ đó, anh nghĩ đến việc làm từ thiện để sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Năm 2017, khi công việc và sức khỏe ổn định hơn, anh Thuận lập Hội Từ thiện Mây Xanh với phương châm hoạt động "Cùng nắm chặt tay, cùng chung sức, cùng nhau xây lên... tấm lòng vàng". Trên tường Facebook của hội nổi bật dòng chữ "Cho đi là còn mãi". Ngày đầu thành lập, hội chỉ có 5 thành viên, do anh Thuận làm hội trưởng. Các thành viên của hội bắt đầu từ những việc nhỏ như đến thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, động viên tinh thần giúp họ vơi đi sự bất hạnh. Với những lời kêu gọi trên Facebook: "Chúng ta chia sẻ những thứ nhỏ nhoi nhưng với người nhận lại là rất lớn... Vậy chúng ta cố gắng luôn rộng mở tấm lòng mọi người nhé!" của người hội trưởng khuyết tật cùng những việc làm nhân ái của hội đã có sức lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia.

Đến nay, hội có gần 70 hội viên. Hằng tháng, hội trích quỹ và vận động giúp đỡ đều đặn cho 5 người có hoàn cảnh khó khăn với mức 300.000 đồng/người/tháng. Vào thứ tư hằng tuần, hội phát 200 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn. Hội cũng thường xuyên tổ chức kêu gọi giúp đỡ đột xuất những người có hoàn cảnh khó khăn ở trong và ngoài huyện. Điển hình như giúp em Nguyễn Đức Tuấn ở xã Quang Trung (Kinh Môn), chị Phạm Thị Lạp ở xã Bình Xuyên (Bình Giang).

Huy động sức mạnh của tập thể trong công tác từ thiện cũng là cách làm của các hội viên Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Hải Dương. Những ngày này, câu lạc bộ đang kêu gọi hội viên, các nhà hảo tâm ủng hộ tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nha, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: "Dù khó khăn hơn nhiều lần những người bình thường nhưng thanh niên khuyết tật vẫn muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Với tinh thần "của ít lòng nhiều", trong năm qua câu lạc bộ đã kêu gọi tặng 400 quyển vở cho học sinh nghèo ở Kinh Môn, tặng 10 suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bình Giang".

Vượt lên để giúp người cùng cảnh ngộ

Thực tế hiện nay, NKT vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tìm công việc phù hợp, có mức thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống của mình. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, một số NKT đã quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Thời gian qua, xưởng may của bà Vũ Thị Quê, sinh năm 1964, ở xã Bình Minh (Bình Giang) là địa chỉ tin cậy đào tạo nghề cho NKT. Bao lớp NKT từ xưởng may của bà Quê bước ra đã có tay nghề và xin được việc làm ổn định. Những người có nhu cầu, bà sẵn sàng liên hệ xin việc giúp. Bởi vậy, có người từ tỉnh Quảng Ninh nghe tin cũng về chỗ bà xin học. Ai đến học nghề cũng được hỗ trợ miễn phí bữa cơm trưa. Một trong những NKT đang theo học ở nhà bà Quê là chị Vũ Thị Huệ (22tuổi, ở xã Vĩnh Hồng, Bình Giang). Chị Huệ bị thiểu năng trí tuệ, nhận thức chậm. Từ khi đến học nghề tại xưởng may của bà Quê, mọi người nhận xét chị Huệ vui vẻ hẳn. Dù tiền lương chưa cao nhưng gia đình chị Huệ rất vui vì không phải lo cho cô con gái tật nguyền, có nơi tin tưởng để gửi gắm.

Để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình, bà Quê đã phải nỗ lực rất nhiều. Chân trái bà Quê bị teo bẩm sinh, đi lại khó khăn. Lớn lên, bà rất mặc cảm với khuyết tật của bản thân, lận đận kiếm việc làm. Từ những khó khăn đó, bà nung nấu ý tưởng giúp đỡ về việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Phải đến khi con cái trưởng thành, bà mới có điều kiện thực hiện ước nguyện này. Tuy vậy, hiện bà Quê cũng rất trăn trở bởi máy móc ở xưởng của bà đã cũ mà chưa có điều kiện thay thế, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy nghề.

Anh Mạc Văn Hát ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) cũng mong ước giúp NKT có "chiếc cần câu cơm". Vượt qua những khó khăn của bản thân là NKT, anh Hát vươn lên bằng nghề may ở địa phương. Khi điều kiện chín muồi, anh mở xưởng may tại nhà với mục đích đào tạo nghề cho NKT; đồng thời nhận gia công hàng may cho NKT làm. Hiện xưởng của anh tạo việc làm cho 7 NKT với mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ cho những NKT... "Để NKT không là gánh nặng của gia đình và xã hội thì cách tốt nhất là giúp họ có công việc ổn định. Nếu xưởng may của tôi chỉ nhận người bình thường thì số lượng sản phẩm cũng như nguồn thu sẽ nâng lên. Nhưng tôi không làm như vậy. Tiêu chí của tôi vẫn là giúp đỡ người cùng cảnh ngộ bởi đó mới là mục đích tôi đặt ra trong công việc cũng như cuộc sống. Làm được như vậy tôi mới sống vui, quên đi khuyết tật trên cơ thể mình", anh Hát bộc bạch.

THANH NGA

(0) Bình luận
Những người khuyết tật giàu lòng nhân ái