Đã có chủ trương và được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay dòng kênh T5 trạm bơm Văn Thai đoạn qua thị trấn Cẩm Giàng vẫn chưa được nắn chỉnh, gây bức xúc trong nhân dân.
Phương án nắn dòng kênh T5 được Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đề xuất năm 2017 (ảnh trái). Kênh T5 đoạn qua thị trấn Cẩm Giàng bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng (ảnh phải)
Kênh bị bồi lắng, ô nhiễm
Kênh T5 trạm bơm Văn Thai bắt nguồn từ cống Phí Xá (xã Cẩm Hoàng) kéo dài đến sông Bùi (thị trấn Cẩm Giàng) với tổng chiều dài 6,56 km, làm nhiệm vụ dẫn nước tiêu cho 1.030 ha lưu vực xung quanh và lấy nước từ sông Bùi. Đoạn kênh qua thị trấn Cẩm Giàng dài gần 1 km đã bị xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng từ hàng chục năm nay. Lòng kênh nhiều chỗ bị thu hẹp, ách tắc, bèo, rác thải nổi lềnh bềnh, nước kênh bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân do nhiều hộ ở thị trấn Cẩm Giàng đã xả thải trực tiếp cũng như lấn chiếm, bồi lấp lòng kênh để làm nhà ở, hàng quán. Chị Lương Thị Nhung ở khu dân cư số 3, thị trấn Cẩm Giàng, nhà ở cạnh tuyến kênh này cho biết: “Nhiều năm nay, đoạn kênh bị ô nhiễm, nước đen ngòm, nhiều rác. Hôm nào mưa hoặc trời nồm thì mùi bốc lên khó chịu hơn. Khu vực quanh đây rất nhiều muỗi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khỏe người dân”.
Việc lấn chiếm, bồi lấp gây ra tình trạng đáy kênh cao hơn mực nước sông Bùi và sông Cẩm Giàng. Vì vậy, nhiều năm nay, tuyến kênh không bảo đảm cung cấp nước tưới, rút nước tiêu cho hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở thị trấn Cẩm Giàng và các xã Kim Giang, Thạch Lỗi. HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Cẩm Giàng thường xuyên phải mua nước qua trạm bơm của xã Kim Giang, Thạch Lỗi để cung cấp nước tưới cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nước tiêu không tự chảy được mà phải dùng trạm bơm Văn Thai và trạm bơm Tiên Kiều để tiêu úng.
Vướng mắc
Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng cho biết ngày 31.10.2008 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 3426/QĐ-BNN-TL phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp trạm bơm Tiên Kiều và cải tạo nâng cấp hệ thống kênh tiêu trạm bơm Văn Thai. Trong dự án này có hạng mục nắn kênh T5 trạm bơm Văn Thai để cung cấp nước tưới, rút nước tiêu cho thị trấn Cẩm Giàng và các xã Kim Giang, Thạch Lỗi. Năm 2010, Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Cẩm Giàng và Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã làm việc với UBND thị trấn Cẩm Giàng, UBND xã Kim Giang về việc giải phóng mặt bằng để nắn kênh T5. Nhưng do phương án đền bù lấy khoảng 5ha đất nông nghiệp của xã Kim Giang bị vướng nên không thực hiện được. Ngoài ra, thị trấn Cẩm Giàng có văn bản đề nghị chưa đầu tư nắn kênh vào thời điểm đó vì dự kiến sử dụng đất để làm khu dân cư. Vì vậy, chủ đầu tư đã sử dụng nguồn tiền nắn kênh để chuyển sang hạng mục khác.
Năm 2017, UBND huyện Cẩm Giàng đã có công văn đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh quan tâm nắn dòng kênh T5. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tổ chức khảo sát, lập quy hoạch Dự án cải tạo, nâng cấp kênh T5 trạm bơm Văn Thai đoạn qua thị trấn Cẩm Giàng với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng để trình UBND tỉnh phê duyệt. Giải pháp được đề xuất là nắn chỉnh kênh T5 trạm bơm Văn Thai đoạn từ K5+560 - K6+560, gia cố mái hai bờ kênh với tổng chiều dài 1.000 m, làm đường giao thông, xây dựng 3 cống trên kênh. Với phương án này, dòng kênh sẽ được nắn ra vị trí bên cạnh thị trấn Cẩm Giàng, đi qua xã Kim Giang, không qua trung tâm thị trấn như trước. Ở phương án thiết kế mới này, diện tích kênh T5 đi qua xã Kim Giang chỉ còn dưới 2 ha. Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết các dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt. Theo chính sách đầu tư công thì chỉ dự án khẩn cấp và cần thiết mới được bổ sung vào danh mục dự án đã được phê duyệt nên phương án nắn kênh T5 đến nay chưa thực hiện được.
Tại một huyện nông thôn mới vẫn còn một dòng kênh "chết" đầy rác thải, ruồi nhặng từ nhiều năm nay. Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt thị trấn Cẩm Giàng cần tăng cường tuyên truyền, quản lý, không để người dân vứt rác, xả thải trực tiếp xuống kênh hoặc phát sinh vi phạm lấn chiếm mới. Về lâu dài, dòng kênh này cần được quan tâm cải tạo, nắn chỉnh để bảo đảm đời sống, sản xuất cho người dân thị trấn Cẩm Giàng và các xã lân cận.
VIỆT QUỲNH