Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật thời chiến vẫn được nhiều người, nhiều nơi sưu tầm. Mỗi kỷ vật được lưu trữ như một chứng tích lịch sử, ghi dấu tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của biết bao thế hệ cha ông.
Trong tháng 7, nhiều đoàn đã đến Bảo tàng tỉnh và tìm hiểu về những kỷ vật chiến tranh
Chứng tích
Quán cà phê Vô Thường ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) đã từng là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Họ đến đây không chỉ uống cà phê mà còn đến để nghe chủ quán giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh. Giờ đây khi không còn bán cà phê như trước nhưng những kỷ vật vẫn được ông Dương Minh Hải, chủ nhà lưu trữ cẩn thận. Ông Hải cho biết vì yêu lịch sử mà hai con gái ông đã cất công đi nhiều nơi sưu tầm. Ông Hải muốn qua các kỷ vật thời chiến, những người đến uống cà phê, sau đó là con cháu ông biết quý trọng hòa bình, độc lập. Gia đình ông Hải đang sở hữu hơn 30 kỷ vật thời chiến. Nhiều kỷ vật qua thời gian đã hoen gỉ nhưng vẫn được gia đình ông nâng niu như bảo vật.
Ông Hải quý nhất là chiếc kèn đồng có gắn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông Hải cho biết chiếc kèn này được gia đình ông mang từ Sài Gòn ra. Đây là kỷ vật của ông nội một người bạn của con gái ông từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Người bạn đó đã tặng lại khi biết gia đình ông Hải sưu tầm những kỷ vật thời chiến.
Gia đình ông Dương Minh Hải ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) vẫn lưu trữ nhiều kỷ vật thời chiến
“Nhiều người đã tìm đến đây hỏi mua và trả giá cao nhưng tôi nhất định không bán vì đó là những kỷ vật mà cả gia đình tôi đã bỏ không ít công sức để sưu tầm. Dù không bán cà phê nữa nhưng chúng tôi vẫn luôn chào đón mọi người đến đây để tìm hiểu các kỷ vật thời chiến. Mỗi kỷ vật đều có một câu chuyện riêng gắn với sự kiện, mỗi cuộc chiến nơi nó đi qua”, ông Hải chia sẻ.
Trong số những kỷ vật thời chiến mà gia đình ông Hải sưu tầm có rất nhiều bình tông, ba lô, mũ, cờ của Quân Giải phóng miền Nam. Có những kỷ vật mà gia đình ông Hải đã sưu tầm được từ cách đây 20 năm trước.
Những ngày tháng 7, Bảo tàng tỉnh cũng trở thành điểm đến của nhiều người dân. Nơi đây có hẳn một gian trưng bày kỷ vật chiến tranh. Từ đầu tháng 7 đã có nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong và các đoàn viên thanh niên đến đây tìm hiểu về các kỷ vật thời chiến mà Bảo tàng tỉnh đã lưu trữ. Đơn vị đang lưu trữ hơn 1.000 tài liệu và kỷ vật chiến tranh nhưng do diện tích có hạn nên những kỷ vật được trưng bày, giới thiệu đến công chúng chưa nhiều.
Sau khi cùng các bạn tham quan một vòng gian trưng bày các kỷ vật, em Nguyễn Thu Vân ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết: “Được nghe giới thiệu các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh em thấy chiến tranh thật khốc liệt, vậy mà không ít các cô, các bác viết đơn tình nguyện vào chiến trường bằng chính máu của mình. Những bức huyết thư đó khiến chúng em thêm khâm phục ý chí, tinh thần anh dũng của thế hệ đi trước”.
Những chiếc cốc uống nước của Quân Giải phóng miền Nam được ông Dương Minh Hải giữ gìn cẩn thận
Lời nhắc nhở cho tương lai
“Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết: Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước. Vì thế, các kỷ vật thời chiến mà những thành viên gia đình tôi sưu tầm như một sự tri ân đối với những người lính đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước”, chị Dương Thị Vân, con gái ông Dương Minh Hải chia sẻ.
Mỗi món đồ mà gia đình ông Hải sưu tầm hay những kỷ vật đang được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh gắn với những câu chuyện về cuộc đời người lính từ cuộc sống đời thường đến những trận chiến ác liệt, thậm chí cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hy sinh. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông Hải cho biết sẽ lập một bảo tàng nhỏ để trưng bày những kỷ vật chiến tranh giới thiệu miễn phí đến mọi người. Ông dành một không gian mở để các bạn trẻ có thể đến đây vừa thưởng thức cà phê vừa tìm hiểu về những kỷ vật chiến tranh.
Chiếc kèn đồng có gắn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được gia đình ông Dương Minh Hải trang trọng treo trên tường
Theo chị Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, những kỷ vật thời chiến có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mỗi người dân đến với Bảo tàng tỉnh sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chiến tranh, cuộc đời của người lính và những chiến công của cha ông. Đặc biệt, đối với học sinh, những kỷ vật ở Bảo tàng tỉnh có thể giúp các em yêu thích môn học lịch sử hơn. Qua các hiện vật, những bài học lịch sử mà các em được học trong trường càng thêm sinh động và hấp dẫn.
Những ngày tháng 7 tri ân, trên dải đất Việt Nam yêu dấu khắp nơi tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Việc sưu tầm, giới thiệu những kỷ vật thời chiến, nhất là những vật dụng gắn bó với người lính một thời như một lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết ơn những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước, biết quý trọng, hòa bình, độc lập và cuộc sống yên bình hôm nay.
Xem clip
HẢI MINH