Các nghị sĩ Serbia đã tranh cãi, xô đẩy nhau đến mức suýt đập nhau ngay tại quốc hội nước này sau những tranh luận về luật sở hữu nhà thờ vừa được thông qua tại quốc gia láng giềng là Montenegro.
Cảnh các nghị sĩ choảng nhau ngay tại Quốc hội Serbia. Video: RT
Hôm 27.12, các nhà lập pháp tại Serbia đã suýt ẩu đả ngay giữa phòng họp Quốc hội sau những tranh cãi về luật sở hữu nhà thờ được thông qua ở nước láng giềng là Montenegro. Cảnh tượng này cũng diễn ra tại Quốc hội Montenegro.
Đài Russia Today bình luận hóm hỉnh: "Đó là khi những lời nói vẫn chưa đủ nặng ký".
Cụ thể, tại Quốc hội Serbia, mâu thuẫn bắt đầu nhen nhóm khi lãnh đạo đảng Dveri đối lập, ông Bosko Obradovic cùng một nghị sĩ khác là ông Ivan Kostic đứng ngay lối đi giữa các dãy ghế và trưng ra hai biểu ngữ.
Một tấm biểu ngữ viết: "Serbia à, sao lại im lặng thế?!". Biểu ngữ còn lại có nội dung: "Vucic và Milo: Anh em sinh đôi đây mà!". Biểu ngữ này có hàm ý chỉ trích Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Milo Djukanovic của Montenegro.
Không hài lòng và cảm thấy bị xúc phạm, một số nghị sĩ đã tiến về phía vị đang phản đối trên và tìm cách xé rách tấm biểu ngữ trên tay họ. Căng thẳng đã kéo theo một cuộc ẩu đả, với nhiều nghị sĩ xông vào tấn công đối phương.
"Mồi lửa" dẫn tới bầu không khí căng thẳng trên là do Montenegro - quốc gia nằm giáp biên giới tây nam Serbia - vừa thông qua một luật tôn giáo gây tranh cãi trong cùng ngày. Tại Quốc hội Montenegro, các nghị sĩ đối lập đã tìm cách làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, dẫn tới hỗn loạn và buộc cảnh sát phải đi vào để đưa một số nghị sĩ ra ngoài.
Theo luật mới, tất cả cộng đồng tôn giáo phải cung cấp bằng chứng chứng minh quyền sở hữu đối với những tài sản mà họ nắm giữ kể từ trước năm 1918.
Năm 1918 là mốc mà Montenegro sáp nhập với Serbia và một số vùng lãnh thổ thuộc Đế quốc Áo - Hung để thành lập quốc gia mới mà sau đó được biết tới là Yugoslavia (Nam Tư). Trải qua một số thay đổi, cuối cùng Montenegro và Serbia lần lượt tuyên bố độc lập vào năm 2006.
Nhiều người ủng hộ Giáo hội chính thống Serbia đã tổ chức biểu tình để phản đối luật trên. Giáo hội chính thống Serbia lo ngại luật mới của Montenegro sẽ tước quyền sở hữu của họ đối với các công trình lịch sử như nhà thờ và tu viện thời Trung cổ. Tuy nhiên, nhà chức trách đã bác bỏ viễn cảnh như vậy.
Theo Tuổi trẻ