Nỗ lực chuyển đổi số đã giúp ngành điện vừa bảo đảm kế hoạch kinh doanh, vừa nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nỗ lực chuyển đổi số một cách quyết liệt đã giúp Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) vừa bảo đảm kế hoạch kinh doanh, vừa nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Đồng loạt, đồng bộ
Một trong những lĩnh vực được Điện lực Hải Dương tập trung thực hiện chuyển đổi số sớm là kinh doanh và dịch vụ, qua đó nhằm tối ưu hóa công tác chăm sóc khách hàng. Trước đây, đơn vị phải xử lý một lượng lớn hợp đồng mua bán điện nên việc quản lý, lưu trữ, tìm kiếm thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tình trạng này đã được giải quyết. Khoảng 70% số hợp đồng mua bán điện đã được số hóa; tất cả thông tin khách hàng được chuẩn hóa trên hệ thống quản lý giúp đơn vị chủ động và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động chăm sóc khách hàng.
Điện lực Hải Dương cũng đã thay thế hơn 296.700 công tơ điện tử đo xa (chiếm gần 49% tổng số công tơ trong toàn tỉnh) và trạm biến áp công cộng. Việc lắp đặt hệ thống công tơ đo xa giúp ngành điện nâng cao năng suất lao động, tăng độ chính xác, nhất là tính minh bạch trong việc ghi chỉ số sử dụng điện với khách hàng. Công ty đã cung cấp các dịch vụ điện ở cấp độ 4 (tương đương dịch vụ công cấp độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng qua website và tổng đài chăm sóc khách hàng, ứng dụng Zalo… nhằm tăng tính tương tác giữa ngành điện và khách hàng. Tính đến hết tháng 7.2021, toàn tỉnh đã có hơn 84% số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; hơn 32% số khách hàng đăng ký nhận tin nhắn qua Zalo. Điện lực Hải Dương cũng đã thực hiện hơn 13.900 yêu cầu dịch vụ theo phương thức điện tử.
Để tiếp tục chuyển đổi số ở nhiều bộ phận quản lý, vận hành hệ thống lưới điện, Điện lực Hải Dương đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ chuyển đổi tất cả các trạm biến áp 110kV sang mô hình trạm không người trực, mọi hoạt động của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera. "Trước đây xảy ra sự cố, nhân viên của trạm phải tự dò tìm điểm xảy ra sự cố để xử lý nên mất nhiều thời gian. Khi trạm biến áp chuyển sang mô hình không người trực, mọi sự cố đều được phát hiện và xử lý bằng hệ thống máy móc hiện đại nên thời gian xử lý nhanh hơn, bảo đảm cung cấp điện cho các địa bàn", anh Nguyễn Xuân Hoan, Trạm trưởng Trạm 110kV Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) thông tin.
Điện lực Hải Dương đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như flycam, máy ảnh nhiệt cho các đơn vị trực thuộc nhằm thu thập hình ảnh, kết nối dữ liệu, phát hiện, cảnh báo sớm các điểm nguy cơ gây sự cố.
Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao, Điện lực Hải Dương cũng đã ứng dụng các phần mềm về quản trị doanh nghiệp như hệ thống văn phòng điện tử (E-Office); hệ thống hội nghị truyền hình kết nối các điện lực, phòng, ban, đội trực thuộc và hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS). Các phần mềm này đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý, điều hành toàn công ty...
Bảo đảm mục tiêu kép
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp ngành điện bảo đảm chiến lược tăng trưởng mà còn hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo chị Vũ Thu Ngân ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương), việc ngành điện thông báo hoạt động đến khách hàng qua mạng xã hội Zalo đã giúp khách hàng nắm bắt thông tin tốt hơn. Mọi thông tin về tiền điện, thông báo cắt điện do sửa chữa đường dây hay những sự cố điện được ngành và khách hàng tương tác, thông tin đến nhau một cách nhanh chóng. "Trước đây, tôi phải tới tận quầy để nộp tiền điện, có tháng do quên nên phải trực tiếp đến điểm giao dịch, rất bất tiện. Do ngành điện liên kết thanh toán qua ZaloPay nên tôi chỉ ngồi ở nhà cũng có thể thanh toán tiền điện. Thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp thế này, càng hạn chế tiếp xúc càng tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh", chị Ngân cho biết.
Việc vận hành lưới điện qua mô hình trạm không người trực giúp các điện lực giảm hẳn lượng nhân viên phải làm việc tập trung, giảm tần suất công nhân đi xử lý sự cố, góp phần bảo đảm chất lượng điện năng và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Theo báo cáo của Điện lực Hải Dương, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của đơn vị đạt 5.162 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 2,9 tỷ kWh, tăng trưởng 6,38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp điện phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Xem clip
THANH HOA