Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tập trung cung cấp tiện ích, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực toàn tỉnh hướng tới trong năm 2022 và các năm tiếp theo
Ngày 26.3.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (Nghị quyết 06) về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tròn 1 năm thực hiện nghị quyết, Hải Dương đã đạt những thành quả đáng khích lệ.
Khẩn trương xây nền móng
Từ hơn 1 năm nay, chị Hà Thị Kiều Linh ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) có thói quen truy cập ứng dụng Smart Hải Dương để nắm bắt thông tin về dịch bệnh. Sau khi được cập nhật phiên bản mới vừa qua, Smart Hải Dương đã tích hợp tính năng “cung cầu”, biến một ứng dụng cung cấp thông tin trở thành một sàn thương mại điện tử. Ngay lập tức, chị Linh đã đăng ký tài khoản để đăng tin kinh doanh. “Với hàng trăm nghìn người sử dụng như hiện nay, sàn thương mại Smart Hải Dương thực sự là một thị trường đầy tiềm năng”, chị Linh nói thêm.
Liên quan đến thương mại điện tử không thể không kể đến sự kiện nông sản Hải Dương lên sàn giữa năm 2021, khi lần đầu tiên tỉnh đưa nông sản kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn trong nước cũng như quốc tế.
Đó là 2 trong số nhiều minh chứng rõ nét cho nỗ lực CĐS của tỉnh suốt 1 năm qua.
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành nghị quyết về CĐS, Hải Dương đặt hàng loạt mục tiêu về phát triển 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và đang từng bước được thực hiện các mục tiêu này. Cuối tháng 3.2021, với nỗ lực ứng dụng tối đa công nghệ trong phòng chống dịch, ứng dụng Smart Hải Dương ra đời. Từ một ứng dụng cung cấp thông tin từ chính quyền, bản đồ dịch Covid-19, Smart Hải Dương vừa qua được nâng cấp nhiều tiện ích thiết thực như phản ánh hiện trường hay hoạt động tương tự một sàn thương mại điện tử.
Cũng trong năm qua, 2 thỏa thuận hợp tác và 1 biên bản ghi nhớ hợp tác về CĐS đã được ký kết giữa tỉnh với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS. Nhiều phần việc đã được cụ thể hóa như phần mềm quản lý, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, ứng dụng dành cho người dân Hải Dương ID, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt từ dịch vụ tiền di động Mobile Money, thí điểm triển khai hệ thống camera giám sát giao thông thông minh… Trong khuôn khổ Ngày CĐS tỉnh 26.3, 5 thỏa thuận hợp tác CĐS khác sẽ được ký kết với VNPT, MobiFone, FSI, Savis, Misa. Sự quyết tâm CĐS từ các cấp ủy đảng, chính quyền cho đến doanh nghiệp, sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân, sự hội tụ của các thương hiệu hàng đầu về công nghệ. Đây sẽ là nền móng vững chắc thúc đẩy lộ trình CĐS tỉnh.
Thường xuyên theo dõi tình hình đầu tư tại Hải Dương, ông Kang Seung Oh, Giám đốc Phát triển kinh doanh và tiếp thị Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam, Văn phòng Hà Nội nhận định: “Tiềm năng, thế mạnh cũng như dư địa phát triển của tỉnh sẽ khó lan tỏa nhanh đến các nhà đầu tư lớn nếu thiếu thông tin. Vấn đề này sẽ được giải quyết nhờ CĐS, cụ thể là từ những kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến như Cổng thông tin đối ngoại. Hải Dương đã đi đúng hướng khi định hướng sớm chiến lược CĐS, đồng thời những kết quả cụ thể đã đạt được sẽ tạo nền móng vững chắc cho một Hải Dương hấp dẫn đầu tư, tăng trưởng bền vững trong tương lai”.
Nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng đồng bộ, góp phần thực hiện tốt 3 trụ cột của chuyển đổi số, đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Vững bước hành trình dài
Chính quyền số của tỉnh ngày một đồng bộ với hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, hiện đại. Hàng loạt hệ thống công nghệ đã được triển khai như phần mềm quản lý văn bản điều hành, hội nghị trực tuyến, chữ ký số, liên thông cổng dịch vụ công và một cửa điện tử. Với kinh tế số, 300 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin đã góp phần giúp tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 cao hơn kế hoạch đề ra. Về xã hội số, cùng Smart Hải Dương, hạ tầng viễn thông 3G, 4G được phát triển...
Hệ thống Cổng Dịch vụ công và một cửa điện tử đã được liên kết, tạo lập thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh tại tất cả các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Hệ thống đã kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính và nhiều hệ thống chia sẻ dữ liệu khác. Ngoài ra, Hải Dương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong lộ trình CĐS bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn, ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh, thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng, khai trương website về CĐS tại địa chỉ chuyendoiso.haiduong.gov.vn…
Bên cạnh Nghị quyết 06, tỉnh đã xây dựng đề án về CĐS giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của CĐS, hiện thực hóa khát vọng phát triển, tới đây Hải Dương tiếp tục tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, hiệu quả về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh. Nâng cao vai trò tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trong quá trình CĐS; tập trung phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử. Cung cấp tiện ích, dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên lựa chọn CĐS trên một số lĩnh vực trọng yếu như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… Đó là một số nhiệm vụ cụ thể, thiết thực mà toàn tỉnh hướng tới trong lộ trình CĐS năm 2022 và các năm tiếp theo”.
HÀ KIÊN
Video "Chuyển đổi số - hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương"