Thời gian gần đây, câu chuyện vỉa hè "nóng" lên ở nhiều địa phương.
TP Hồ Chí Minh "nổ" đầu tiên, tiếp đó là Thủ đô Hà Nội, đều với một mục tiêu là trả lại vỉa hè cho người đi bộ! Một vấn đề thiết tưởng nơi nào cũng phải suy nghĩ.
Trong quá trình đô thị hóa, những đường làng ngõ xóm mất đi, thay vào đó là phố, là phường. Ở TP Hải Dương, kể từ khi khai sinh vào năm 1804 cho tới nay đã có tới 173 đường phố (theo Địa chí TP Hải Dương). Có những cái tên phố để lại dấu ấn trong lòng người đi xa về gần. Phố thì phải có hè để người đi lại. Chính vì có nhiều người qua lại nên thuận lợi cho việc bán mua, bởi thế từ lâu các nhà ở mặt phố đã biến vỉa hè thành nơi bày bán hàng hóa, dựng xe, có mái vẩy, mái che... Ai cũng thấy "mặt tiền" là có giá. Nhà không buôn bán thì cho thuê vỉa hè. Bao nhiêu năm nay rồi nhiều phố không còn vỉa hè. Người đi bộ phải xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông, xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Bộ mặt phố phường xấu xí...
Chuyện vỉa hè đã vào thơ: "Chật chội bon chen xô bồ/Chén nước chè nuôi sự sống" (thơ Trần Thị Mỹ Hạnh). Mà cũng vì thế mới có thêm một khái niệm ngôn ngữ là "chuyện vỉa hè", tức là chuyện của những người ngồi lê đôi mách, rỉ tai nhau bao nhiêu chuyện tày đình chưa ai hoặc cơ quan nào công bố. "Chuyện vỉa hè" là một kênh thông tin dân gian, như thông tin mạng ngày nay, chẳng ai kiểm soát nổi.
Cách làm mạnh mẽ của hai thành phố lớn của cả nước chắc chắn sẽ mở đường cho các địa phương khác. Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại nét đẹp của cảnh quan đường phố. Hình ảnh vỉa hè nhếch nhác đã ba bốn chục năm nay rồi, đã đến lúc phải khác. Kinh nghiệm được rút ra là phải kiên quyết, cả chính quyền và người dân vào cuộc. Không thể chỉ tuyên truyền vận động theo kiểu đưa cả đoàn xe đi diễu hành, phát loa kêu gọi. Phải bàn bạc từ khu dân cư. Người lấn chiếm vỉa hè phải tự giác sửa chữa. Chính quyền thì vừa quyết liệt, lại phải vừa có biện pháp quan tâm, chia sẻ với người dân. Nhiều gia đình mất vỉa hè là không còn nguồn thu nhập nào nữa cần được sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền và các đoàn thể.
Xem thế, chuyện vỉa hè không phải là chuyện nhỏ, chuyện dễ dàng. Xây dựng đô thị văn minh là ở đây. Chính quyền các cấp phấn đấu theo tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "kiến tạo, phục vụ" cũng phải chú ý đến công việc này. Phải làm, không nên chậm trễ để TP Hải Dương trở nên xanh - sạch - đẹp, trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
NGUYỄN HỮU