Vì sao tăng trưởng chậm?

30/07/2014 05:16

Những tháng đầu năm 2014, cho vay nông nghiệp, nông thôn lại gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng không cao như kỳ vọng.



Cho vay cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những biện pháp tăng trưởng
dư nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay


Những năm trước, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn là đầu kéo cho tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng khi khu vực này luôn đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2014, cho vay nông nghiệp, nông thôn lại gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng không cao như kỳ vọng.

Tăng thấp

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hải Dương, 6 tháng đầu năm 2014, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 34 nghìn 615 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm trên 2% so với cuối năm 2013. Như vậy, đây là tháng thứ 6 liên tiếp dư nợ tăng trưởng âm với tốc độ giảm khá sâu (6 tháng đầu năm 2013, dư nợ chỉ giảm 0,1%). Nếu như những năm trước, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn (NNNT) luôn tăng trưởng với tốc độ cao và là đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng dư nợ của các lĩnh vực khác thì đến hết tháng 4 - 2014, dư nợ lĩnh vực NNNT vẫn ở mức âm 0,2%. Hết tháng 6 - 2014, mặc dù dư nợ NNNT tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng chỉ tăng 1,7% so với cuối năm 2013. Đây là mức tăng rất thấp so với tốc độ chung nhiều năm qua. Là ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cho vay NNNT thời gian qua, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng dư nợ lĩnh vực NNNT của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Hải Dương chỉ đạt khoảng 3,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của cả năm 2013 (khoảng 11%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ của Agribank Hải Dương mới đạt gần 8.200 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2013, trong đó cho vay NNNT chiếm khoảng 88% tổng dư nợ.

Ngoài Agribank Hải Dương, cho vay NNNT của nhiều TCTD trên địa bàn như: Agribank Sao Đỏ, Vietcombank, Vietinbank... cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ. Trong bối cảnh chung của toàn hệ thống, dư nợ NNNT của các TCTD này cũng không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp. Anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Agribank Sao Đỏ cho biết, những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ khu vực NNNT của Agribank Sao Đỏ cũng chỉ đạt trên 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 và là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân

Hiện tại, nhiều chương trình, chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đang được NHNN chỉ đạo thực hiện như: chương trình cho vay sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, sản xuất ứng dụng công nghệ cao hoặc cho vay theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hợp đồng... hoặc chương trình cho vay NNNT áp dụng cho doanh nghiệp, gia đình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn với lãi suất 8%/năm; gói ưu đãi lãi suất cạnh tranh áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, dịch vụ, lãi suất 7,5%/năm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tốc độ tăng trưởng khu vực này vẫn rất chậm chạp.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Hải Dương, hiện tại, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và phân tán. Sản xuất tập trung, quy mô lớn chưa nhiều và chưa đồng đều giữa các huyện, địa phương... khiến việc cho vay khó khăn và các món vay thường nhỏ lẻ. Hiện nay, đối tượng vay lĩnh vực NNNT chủ yếu là khách hàng cá nhân và gia đình, hộ kinh doanh. Cho vay trang trại hoặc vùng sản xuất chuyên canh lớn còn ở mức thấp. Theo số liệu chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có trên 400 trang trại, trong đó có 259 trang trại chăn nuôi lợn, 160 trang trại chăn nuôi gia cầm, 2 trang trại trồng trọt và 17 trang trại thuỷ sản. Tuy nhiên, chỉ có 86 trang trại còn dư nợ tại các TCTD với tổng số khoảng 8,3 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng khá lớn từ tình hình dịch bệnh trong nước. Giá nông sản bấp bênh nên nhiều trang trại, gia trại không nhập đàn mới. Nhiều loại nông sản chủ lực tiêu thụ chậm hoặc giá thấp như quả vải, rau xanh... khiến các hộ nông dân không hào hứng với việc vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT khiến việc tiếp cận vốn của các hộ sản xuất nông nghiệp khu vực thành phố, thị xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, mức cho vay không có tài sản bảo đảm thấp cũng không kích thích được người dân nông thôn vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Dư nợ cho vay HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp khu vực NNNT hoặc phục vụ gián tiếp cho NNNT cũng ở mức thấp. Dư nợ cho vay đối tượng trang trại, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, phản ánh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở khu vực NNNT không có hoặc thiếu hồ sơ tài liệu chứng minh năng lực sản xuất, kinh doanh, hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Cơ sở pháp lý về tài sản bảo đảm để các ngân hàng cấp tín dụng thực hiện mô hình này rất khó khăn, thiếu và phức tạp. Một nguyên nhân nữa cũng khiến dư nợ cho vay NNNT tăng chậm là bảo hiểm tín dụng nông nghiệp gần như mới trong giai đoạn thử nghiệm. Hầu hết các khoản vay không có các sản phẩm bảo hiểm đi kèm, nên nhiều TCTD e dè cho giải ngân do lo sợ nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng trả nợ ngân hàng của người dân.

Thời gian cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn rất chậm và không thống nhất giữa một số huyện, thành phố gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai ký kết hợp đồng tín dụng. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân nguồn vốn khu vực NNNT gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua.

VỊ THỦY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao tăng trưởng chậm?