Vì sao phải đổi mã vùng cố định của 59 tỉnh, thành?

08/01/2015 15:07

Việc quy hoạch lại độ dài quay số đối với mạng cố định, mạng di động là để đạt được sự thống nhất, bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.

Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông mới, theo đó, mã vùng cố định của 59 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ phải thay đổi từ ngày 1-3 tới đây. Chỉ có 4 tỉnh được giữ nguyên mã vùng là Hòa Bình, Hà Giang, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.


mã vùng cố định, Quy hoạch kho số, Bộ TT&TT

Lý giải cho sự thay đổi này, thông cáo nêu rõ, theo thống kê, trong những năm vừa qua số lượng thuê bao di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm. Xu hướng suy giảm số thuê bao điện thoại cố định có thể vẫn diễn ra trong những năm tới.

Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động khoảng 130 triệu, trong đó số lượng thuê bao điện thoại cố định gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động hơn 120 triệu (chiếm khoảng 94,6% tổng số thuê bao).

Tổng số đầu mã tối đa có thể quy hoạch làm mã vùng và mã mạng là 9. Theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2.

Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định.

Do đó, Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch 1 đầu mã làm mã vùng; 8 đầu mã làm mã mạng, trong đó 6 đầu mã làm mã mạng cho mạng di động, 1 đầu mã làm mã mạng sử dụng cho thuê bao di động là thiết bị và 1 đầu mã làm mã mạng cho các mạng viễn thông khác như mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông dùng riêng, mạng điện thoại Internet và dự phòng.

Đối với mã vùng cố định, theo Quy hoạch cũ và thực tế đang sử dụng, độ dài mã vùng là 1, 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao là 7 hoặc 8 chữ số.

Cụ thể là: Về độ dài mã vùng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có độ dài 1 chữ số; 37 tỉnh, thành phố có độ dài 2 chữ số và 24 tỉnh, thành phố có độ dài 3 chữ số.

Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có độ dài 8 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 7 chữ số.

Điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là không thống nhất, tùy theo tỉnh, thành phố mà độ dài quay số là 10 hoặc 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.

Việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ.

Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số phụ thuộc vào vùng đánh số cụ thể.

Cụ thể là: Về độ dài mã vùng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có độ dài 2 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 3 chữ số. Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định thì vẫn giữ nguyên như hiện tại.

Như vậy, độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.

Không chỉ mã vùng cố định mà Thông tư 22 cũng đề cập đến việc quy hoạch lại mã mạng di động.

Theo Quy hoạch cũ và thực tế đang sử dụng, độ dài mã mạng di động là 2 (đầu 9x) và 3 (đầu 1xx) chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại di động là 7 chữ số. Điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đến thuê bao điện thoại di động là không thống nhất, tùy theo mã mạng mà độ dài quay số là 10 hoặc 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.

Với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ, không bảo đảm công bằng trong quay số.

Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã mạng di động là 2 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại di động vẫn giữ nguyên như hiện tại là 7 chữ số.

Như vậy, độ dài quay số khi gọi đến thuê bao điện thoại di động là thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ, đều là 10 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.

Đồng thời, Quy hoạch mới cũng đã bổ sung thêm các mã số sử dụng cho dịch vụ mới, cũng như dự phòng cho các dịch vụ có thể được phát triển trong tương lai, chẳng hạn như: Số dịch vụ tin nhắn ngắn; mã mạng và số thuê bao điện thoại Internet, mã mạng và số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là thiết bị, số dịch vụ giải đáp thông tin…

Những mã, số được quy hoạch trước đây như mã dịch vụ nhắn tin (radio paging), mã dịch vụ Internet (truy nhập Internet tốc độ thấp qua Modem theo hình thức dial-up)… đến nay không còn sử dụng nữa thì sẽ được loại bỏ ra khỏi quy hoạch để giải phóng các mã, số dùng cho các dịch vụ có nhu cầu sử dụng cao hoặc dịch vụ mới; bảo đảm việc sử dụng kho số tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ TT&TT nhấn mạnh rằng, Quy hoạch kho số mới được ban hành sau khi đã xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng thông lệ quốc tế và tình hình thực tế tại Việt nam, nhằm bảo đảm quy hoạch được sử dụng lâu dài, kho số được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, minh bạch, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, mặt khác, Quy hoạch cũng nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người dùng, hạn chế tối đa việc sử dụng các mã, số không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Theo thống kê thời gian vừa qua, hiệu quả sử dụng đối với mã mạng di động độ dài 3 chữ số (đầu 1xx) thấp hơn khá nhiều so với mã mạng di động độ dài 2 chữ số (đầu 9x), tỷ lệ số thuê bao điện thoại dùng mã mạng 1xx rời mạng khá cao; đa số các SIM rác, tin nhắn rác… phát sinh từ mã mạng 1xx.

Vì vậy, việc chuyển mã mạng 1xx về mã mạng mới có độ dài 2 chữ số vừa tạo công bằng về độ dài quay số cho người sử dụng dịch vụ vừa góp phần hạn chế tỷ lệ thuê bao rời mạng, góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác…

Trọng Cầm (Vietnamnet)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao phải đổi mã vùng cố định của 59 tỉnh, thành?