Vì sao nông sản Kim Thành được giá?

13/10/2014 05:51

Trồng các loại rau màu thị trường có nhu cầu, hình thành các tổ liên gia giúp nhau sản xuất... là những cách làm hay để nông sản Kim Thành được giá...



Cứ đến vụ thu hoạch, tư thương về tận nơi thu mua củ đậu cho nông dân Đồng Gia


Nhiều năm nay, trong khi nhiều địa phương khác đến kỳ thu hoạch phải loay hoay tìm đầu ra, hoặc bị tư thương ép giá thì ở Kim Thành nông sản vẫn giữ được giá và thị trường tiêu thụ ổn định.


Tư thương tự tìm đến nông dân

Những ngày này, bà con nông dân Kim Thành đang bận rộn thu hoạch dưa hấu và củ đậu và các loại rau ngắn ngày. Dọc đường 388, đoạn từ xã Bình Dân đến xã Tam Kỳ, cứ vài trăm mét lại có một điểm tập kết củ đậu, dưa hấu chờ thương lái đến thu mua. Vừa nhanh tay chuyển củ đậu vào sọt, chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Trung Tuyến (xã Đồng Gia) cho biết: “Bây giờ không còn cảnh mỗi nhà một chiếc xe thồ chở củ đậu, dưa hấu đi khắp nơi bán như mấy năm về trước rồi. Cứ đến vụ thu hoạch, gọi điện là tư thương đánh xe ô-tô về tận nơi thu mua. Với giá bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình cũng thu lãi trên 4 triệu đồng/sào”. 

Cách đó hơn 1 km, gia đình anh Vũ Ngọc Long (ở thôn Phí Gia, xã Đồng Gia) cũng đang cân dưa bán cho chị Ngô Thị Thu, một tư thương ở Hà Nội. Chị Thu cho biết, cách đây mấy năm, chị vào mạng và đọc được một bài viết về nông sản ở Kim Thành. Chị đã về tìm hiểu và thấy dưa ở đây có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn nhiều nơi khác. Vào vụ thu hoạch, bình quân mỗi ngày chị thu mua gần 20 tấn dưa hấu cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Bên cạnh củ đậu, dưa hấu, rau màu ngắn ngày, rau gia vị của Kim Thành cũng được tư thương về thu mua tại ruộng, nông dân không phải vất vả tìm đầu ra.

Những cách làm hay

Để tư thương tự tìm đến với nông dân, ngoài lợi thế giáp với các thị trường lớn Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương và nông dân trong huyện đã có những cách làm sáng tạo. Nông dân không trồng củ đậu tập trung vào vụ chính mà trồng rải ra cả 3 trà sớm, trung, muộn để tránh được ảnh hưởng xấu của thời tiết, thuận tiện trong thu hoạch và tiêu thụ. Đặc biệt, nhiều nông dân ở các xã Cẩm La, Tam Kỳ, Đồng Gia sẵn sàng không cấy lúa vụ chiêm để kéo dài thời gian trồng củ đậu, thu hoạch vào tháng 2, tháng 3. Cách làm này vừa tăng năng suất củ đậu (tăng thêm khoảng 1 tấn/sào so với thu hoạch chính vụ) vừa được giá bán. Có những năm, vào các tháng 2 - 3, củ đậu có giá 15 - 20 nghìn đồng/kg, cao gấp 2-2,5 lần so với chính vụ, trừ chi phí nông dân thu lãi 13-14 triệu đồng/sào.

Nông dân trong huyện cũng năng động tiếp cận thị trường, trồng các loại rau màu thị trường có nhu cầu. Hiện Kim Thành là một trong ít địa phương trồng rau diếp ngồng. Loại rau này đang được thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh ưa chuộng. Ông Hoàng Văn Miên (ở đội 10, thôn Lại Đông, xã Tam Kỳ) cho biết, có những lúc rau diếp ngồng giá 20 nghìn đồng/kg mà không trồng kịp để bán. Nông dân cũng trồng nhiều loại rau trên cùng một thửa ruộng để có nhiều loại sản phẩm cung cấp cho thị trường, tránh tình trạng "cung vượt quá cầu".

Để gieo trồng kịp thời vụ, thu hoạch nhanh khi có tư thương đến mua, nông dân Kim Thành đã hình thành các tổ liên gia giúp nhau sản xuất. Ở các xã khu C của huyện, xã nào cũng có trăm tổ liên gia, mỗi tổ 5-7 hộ. Bà Bùi Thị Vân ở thôn Viên Chử (xã Kim Tân) cho biết: "Trong xã hầu như hộ nào cũng tham gia vào tổ liên gia. Tổ chúng tôi gồm 7 hộ, hộ trồng nhiều thì 7-8 sào, hộ ít thì 1-2 sào nhưng khi đến mùa vụ không ai kể công xá, nhà mình nhiều ruộng, ít ruộng mà đều vui vẻ giúp nhau làm. Có khi chúng tôi đi làm từ 2-3 giờ sáng để kịp thời vụ. Khi có tư thương đến thu mua nông sản, chúng tôi có thể làm thông trưa".

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Gia cho biết, xã cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với ngân sách cấp trên hỗ trợ, nhân dân tự nguyện đóng góp, xã đã bê-tông và cứng hóa được 100% đường trong làng và một số tuyến đường ra đồng. Nhờ đó, tư thương có thể đưa xe ô-tô tải đến tận đầu ruộng thu mua nông sản. Xã cũng tạo điều kiện, khuyến khích các hộ đứng ra thu mua nông sản cho nông dân. Hiện trong xã có trên chục hộ chuyên thu mua nông sản nên nông dân có điều kiện lựa chọn tư thương, không sợ tình trạng bị ép giá. Nhiều năm nay, xã Tam Kỳ quy hoạch được vùng sản xuất. Trong đó, thôn Kỳ Côi chủ yếu trồng củ đậu, dưa hấu; các thôn còn lại trồng rau ngắn ngày, rau gia vị để thuận lợi trong tiêu thụ.

Với hệ số quay vòng đất cao, nông sản được giá, 1 ha đất nông nghiệp ở Kim Thành cho giá trị sản xuất gần 200 triệu đồng/ha. Cá biệt, những diện tích trồng rau màu ở Đồng Gia, Tam Kỳ cho giá trị sản xuất gần 300 triệu đồng. Để việc tiêu thụ nông sản cho nông dân ở Kim Thành tránh khỏi bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường, một số cây trồng như củ đậu đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cũng đang phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này, phấn đấu đến đầu năm 2015 sẽ hoàn thiện. Nhãn hiệu tập thể "củ đậu Kim Thành" được xác lập quyền sở hữu công nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc để nghề trồng củ đậu Kim Thành phát triển.

PV


Ngày 15-8 -2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung tại 6 xã khu C huyện Kim Thành với tổng diện tích 600 ha, được quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh rau, màu tập trung. Dự án gồm 9 hạng mục ưu tiên, trong đó có 5 hạng mục trọng điểm, với tổng kinh phí đầu tư 124 tỷ đồng từ huy động từ doanh nghiệp, nhân dân và nguồn ngân sách các cấp. Việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau màu tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực đầu tư, từ đó giúp nông dân phát triển sản xuất.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao nông sản Kim Thành được giá?