Vì sao nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội?

04/08/2012 06:53

Nhiều chủ lao động chỉ mong thu được nhiều lợi nhuận cho mình nhất mà chưa quan tâm chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của người lao động...


Công ty May Thảo Nguyên (Cẩm Giàng) chưa đóng tiền BHXH cho nhiều lao động

Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là nghĩa vụ bắt buộc của chủ doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, ở tỉnh ta còn nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về BHXH, khiến cho nhiều lao động bị thiệt thòi.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH

Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Tiền lương và BHXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động tại 47 doanh nghiệp và đã phát hiện một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Điển hình như: Công ty CP Công trình giao thông còn nợ 1,4 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng An Bình nợ 150 triệu đồng…

Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cũng đã thành lập 6 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra tại 6 doanh nghiệp, trong đó có 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 1 cuộc thanh tra đột xuất. Hiện 3 cuộc thanh tra đã có kết luận, trong đó cả 3 doanh nghiệp đều vi phạm và đã từng vi phạm về BHXH. Cụ thể: Công ty Thiết bị điện Liên Đại Việt Nam, trụ sở tại khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 236 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm. Công ty TNHH Thảo Nguyên (xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) chưa đóng BHXH, BHTN cho 173 lao động trong tổng số 398 lao động thuộc diện phải đóng BHXH. Đồng thời, 15 lao động thuộc đối tượng không phải tham gia BHXH, BHTN bắt buộc nhưng công ty không trả tiền BHXH, BHTN vào lương theo quy định. Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng và yêu cầu công ty phải tham gia đầy đủ BHXH cho những lao động thuộc diện phải đóng BHXH, BHTN, phải hoàn trả lại 23% tiền BHXH, BHTN cho 15 lao động không thuộc diện phải đóng. Đến nay, Công ty TNHH Thảo Nguyên đã nộp phạt theo quyết định xử phạt của đoàn thanh tra. Công ty Dệt Hopex (Lai Cách, Cẩm Giàng) tuy có tham gia BHXH cho 89 lao động nhưng từ tháng 11 - 2011 đến tháng 4 - 2012, công ty nợ 167 triệu đồng tiền BHXH và trong năm 2011 thường xuyên nợ đọng BHXH, BHTN. Trong quá trình thanh tra, công ty này đã nộp số tiền nợ BHXH cho cơ quan BHXH.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH: Năm 2011, toàn tỉnh có 5.901 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1.535 doanh nghiệp tham gia BHXH cho 140.772 lao động. Năm 2012, tính đến hết tháng 6 có 1.625 trong tổng số 6.140 doanh nghiệp tham gia BHXH cho 146.919 lao động. Đến hết tháng 6, tổng số tiền BHXH mà các doanh nghiệp còn nợ khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó có nhiều công ty nợ kéo dài nhiều tháng như: Công ty CP Cửu Long (Gia Lộc), nợ gần 1 năm BHXH, với số tiền 1,5 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin nợ 6 tháng BHXH với số tiền 600 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên AD Việt (TP Hải Dương) nợ 9 tháng BHXH với số tiền 103 triệu đồng; Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu nợ 7 tháng BHXH với số tiền 367 triệu đồng; Công ty CP Vật liệu xây dựng Côn Sơn nợ 7 tháng BHXH với số tiền 432 triệu đồng; Công ty Vinaconex Phan Vũ nợ 1 tỷ 673 triệu đồng...

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương và BHXH (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường ít vi phạm về BHXH hơn. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã và đang hoạt động nhưng không tham gia BHXH cho người lao động hoặc chỉ đăng ký tham gia BHXH cho số ít lao động làm gián tiếp hoặc những người phụ trách như tổ trưởng… còn đa số công nhân không được tham gia. Có doanh nghiệp sử dụng và bố trí lao động làm việc với công việc ổn định, thường xuyên nhưng lại ký hợp đồng lao động theo thời vụ nhằm “lách” luật để không tham gia BHXH cho người lao động. Còn nhiều doanh nghiệp có đăng ký và tham gia BHXH, BHTN nhưng lại nợ đọng, đóng chậm.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh


Theo ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH, việc các doanh nghiệp không tham gia BHXH cho người lao động hoặc nợ BHXH, BHTN khiến người lao động rất thiệt thòi. Đó là việc người lao động sau này sẽ không có chế độ sau khi hết tuổi lao động. Khi người lao động nghỉ việc, thôi việc sẽ không được, hoặc chậm được giải quyết chế độ BHTN. Những lúc người lao động ốm đau, lao động nữ nghỉ thai sản nếu doanh nghiệp không tham gia, nợ, trốn BHXH  khiến người lao động không hoặc chậm được giải quyết các chế độ…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vi phạm về BHXH nhiều là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ doanh nghiệp chưa tốt. Họ chỉ mong thu được nhiều lợi nhuận cho mình nhất mà chưa quan tâm chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của người lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng nợ đọng, trốn hoặc không tham gia BHXH cho người lao động. Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đình trệ, thua lỗ, sản phẩm hàng hóa ứ đọng, khó vay vốn ngân hàng, vay lãi suất cao nên thiếu tiền để nộp BHXH. Do đó, nợ đọng BHXH là cách để doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất, kinh doanh. Quy định hiện hành về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH còn nhiều bất hợp lý, chế tài xử lý, xử phạt còn nhẹ. Theo Quyết định số 1543/QĐ - BHXH ngày 27 - 12 - 2011 của BHXH Việt Nam, mức lãi suất chậm nộp mới đối với BHXH bắt buộc và BHTN là 14,2%/năm (1,183%/tháng); mức lãi chậm nộp BHYT là 9%/năm (0,75%/tháng). Mức lãi suất này thấp hơn mức lãi suất ngân hàng nên các doanh nghiệp đã chiếm dụng tiền BHXH để làm vốn duy trì sản xuất. Chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại quá nhẹ. Những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH thì mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp đúng hạn cho người lao động. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thanh tra xử lý, nhưng do lực lượng mỏng, số doanh nghiệp nhiều nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngành BHXH không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt nên rất khó thu hồi đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Ông Nguyễn Đức Khang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng: Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, nâng mức xử phạt; các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra các cấp, ngành cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý các doanh nghiệp thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN. Mặt khác, người lao động cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu Luật BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế để tự bảo vệ quyền lợi của mình. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội?