Việc cho phép người thuê nhà được hưởng giá điện sinh hoạt bậc thang là chính sách có ý nghĩa đối với người lao động có thu nhập thấp. Thế nhưng, người thuê nhà ở TP Hải Dương đang phải trả tiền điện với mức giá cao hơn nhiều lần so với quy định.
Tại mỗi phòng trọ, chủ nhà mắc một công-tơ điện riêng. Các công-tơ này phần lớn không được kiểm định. Chủ nhà trọ tính tiền điện phổ biến ở mức 3.000 đồng/kwh.Trong ảnh: Một khu nhà trọ ở khu 5, phường Thanh Bình (TP Hải Dương)
Thực hiện chủ trương hỗ trợ các đối tượng nghèo, khó khăn, Thông tư số 08 của Bộ Công Thương quy định, sinh viên, người lao động thuê nhà được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do doanh nghiệp điện phát hành. Nhưng thực tế, người thuê nhà ở TP Hải Dương đang phải trả tiền điện với mức giá cao hơn nhiều lần so với quy định.
Trong vai sinh viên đi tìm thuê nhà, chúng tôi đến ngõ 78 đường Nguyễn Thị Duệ, phường Thanh Bình. Một dãy nhà trọ 8 phòng, phòng thứ 2 chưa có người ở. Chủ nhà trọ đon đả: "Phòng trọ 3 người, giá 400 nghìn đồng, điện 3.000 đồng/kWh, nước 5.000 đồng/m3. So với chỗ khác, ở đây rẻ chán". Tôi thắc mắc giá điện cao quá, bà chủ nổi cáu: "Không chỉ nhà tôi, xung quanh khu vực này ai cũng bán với giá như vậy. Thích thì thuê, không thì thôi". Tại một dãy nhà trọ khác ở ngõ 110, một phòng có 3 sinh viên, Trường Trung cấp Dược Hải Dương thuê mỗi tháng dùng gần 50 kWh, hết 125 nghìn đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn nhà trọ ở khu vực này đều thu tiền điện từ 2.500 đến 3.500 đồng/kWh (trong khi giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất theo quy định mới là 1.890 đồng/kWh).
Các nhà trọ tại khu vực chợ Cẩm Thượng, Hải Tân, đền Sượt (phường Thanh Bình)... tính tiền điện phổ biến ở mức 3.000 đồng/kWh. Thông thường, mỗi phòng sử dụng trung bình 40kWh/tháng và 5 phòng dùng chung 1 công-tơ, thì mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ là 200kWh. Áp vào bảng giá điện sinh hoạt bậc thang được thực hiện từ ngày 1-3-2010, mức giá người thuê nhà phải trả là 1.594 đồng/kWh. Như vậy, chủ nhà trọ đã kinh doanh điện, lãi gần 1.500 đồng/kWh.
Chị Nguyễn Thị Lành, công nhân đang thuê trọ tại đường Vũ Hựu (phường Thanh Bình) cho biết, thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng lên, giá điện cũng có sự điều chỉnh nên chủ nhà trọ được dịp “té nước theo mưa”, khiến cho đời sống của công nhân càng khó khăn hơn. Có nhà trọ còn sử dụng một công - tơ tổng cho sinh hoạt của cả nhà và người thuê nhà. Theo họ, thu như vậy để bù vào chi phí khấu hao và sửa chữa nếu có.
Theo Điện lực TP Hải Dương, đối với trường hợp cho thuê nhà sinh hoạt, để ký hợp đồng mua điện, chủ nhà phải xuất trình giấy đăng ký tạm trú của người thuê nhà. Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Trường hợp sinh viên, người lao động thuê nhà có thời hạn hợp đồng từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện; cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người là 1/2 định mức, 3 người 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình giấy đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người thuê làm căn cứ tính định mức khi thanh toán tiền điện. Giá thấp nhất 50kwh đầu tiên là 600 đồng/kwh, giá cao nhất từ 401 kWh trở lên là 1.790 đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, trên thực tế, một số chủ nhà trọ hoạt động không có đăng ký kinh doanh, không tiến hành đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người thuê nhà. Về phía sinh viên và người lao động, do ở trọ ngắn hạn hay công việc mang tính thời vụ, không ổn định nên cũng không đăng ký tạm trú, tạm vắng. Do số người ở trọ không ổn định nên khó khăn khi tính định mức thanh toán. Ít có chủ nhà trọ nào lại “nhiệt tình” khai báo với ngành điện về số người thuê nhà để xin định mức điện cho người thuê, chủ nhà trọ đã khéo che giấu để hưởng chênh lệch giữa mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo quy định và mức giá “điện kinh doanh” mà họ tự ý áp đặt cho người thuê...
Việc cho phép người thuê nhà được hưởng giá điện sinh hoạt bậc thang là chính sách có ý nghĩa đối với người lao động có thu nhập thấp, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng để nội dung văn bản trên đi vào cuộc sống, rất cần sự sâu sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; cần quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn thành phố, kiểm tra, rà soát lại giá điện, nước cũng như các hoạt động kinh doanh của chủ nhà trọ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao nhằm trục lợi. Về phía người thuê nhà, phải hiểu quyền lợi của mình, đăng ký tạm trú theo quy định, giám sát việc thu tiền điện của chủ nhà, nếu thấy bất hợp lý phải báo với cơ quan chức năng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.