Vì sao Nga, Trung “dàn trận” chống Mỹ?

08/02/2012 09:22

Trong những tháng gần đây, liên minh Nga-Trung đã khiến Mỹ có những ngày tháng thực sự “ăn không ngon ngủ không yên”.

Nga, Trung "bắt tay", Mỹ khó chịu

Mấy ngày nay, phương Tây và Mỹ đang sôi sùng sục trước việc Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết bỏ phiếu bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Syria. Theo nghị quyết được Mỹ, phương Tây ủng hộ nhiệt thành này, Tổng thống Syria được kêu gọi từ chức, chuyển giao quyền lực cho cấp phó và mở đường cho đất nước Syria tiến lên nền dân chủ.

Mặc dù đã dùng nhiều tâm huyết và nỗ lực để thuyết phục Nga và Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn không thể thúc đẩy thông qua được nghị quyết nhằm thay đổi chính quyền ở Syria này. Điều đó đã khiến cường quốc số một thế giới cảm thấy khó chịu, bực bội. Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc lập “liên minh” chống lại Mỹ và phương Tây trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria.

Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Nga và Trung Quốc cũng từng từ chối ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria do phương Tây đề xuất lên. Chỉ vài ngày trước khi phủ quyết nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an hôm 4-2 vừa rồi, Nga và Trung Quốc cũng đã bác bỏ một nghị quyết khác về vấn đề Syria.

Không dừng lại ở vấn đề Syria, Nga và Trung Quốc còn thể hiện lập trường chung đối ngược với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Iran. Vậy vì lý do gì mà Nga và Trung Quốc thời gian này lại “dàn trận” chống Mỹ mạnh mẽ đến như vậy?

Nga, Trung trả đũa Mỹ?

Nhiều nhà phân tích tin rằng, việc Nga và Trung Quốc thời gian qua đồng loạt khước từ ủng hộ Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới một phần là do hai nước này đang “bất mãn” với một số động thái của Mỹ liên quan đến lợi ích của họ. Trong khi Trung Quốc khó chịu với chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Washington thì Nga lại bực tức với kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu của cường quốc số một thế giới này.

Từ cuối năm ngoái, quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới Trung-Mỹ đã bắt đầu rơi vào căng thẳng nghiêm trọng sau khi Mỹ tuyên bố quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ đã có một loạt những hoạt động, sự kiện nhằm thể hiện họ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Barack Obama cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thực hiện một loạt chuyến thăm quan trọng đến các nước châu Á trong những tháng cuối năm 2011. Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Australia và chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary đến Philippines. Trong hai chuyến thăm này, ông Obama và bà Hillary đã có một số động thái và phát biểu khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Tại Australia, Tổng thống Obama đã chính thức thông báo kế hoạch triển khai hàng nghìn quân đến xứ sở chuột túi trong vài năm tới. Tiếp đến, Ngoại trưởng Hillary khi ở thăm Philippines đã cam kết sẽ bảo vệ nước này trong một cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực. Cam kết này rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc bởi giữa nước này với Philippines đang có cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực biển Đông. Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai một loạt tàu chiến đến Singapore, Thái Lan, Philippine...

Bắc Kinh tin rằng, những diễn biến trên thực chất là kế hoạch của Mỹ nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa việc Mỹ tìm cách xâm phạm vào vùng ảnh hưởng của nước này, giành giật vị trí “bá chủ” ở khu vực mà họ vốn coi là “sân sau” của mình.

Cùng chung xu thế đi xuống của mối quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ cũng bất ngờ đảo chiều sau một thời gian ấm lại nhờ tiến trình cài đặt mối quan hệ song phương do Tổng thống Barack Obama khởi xướng. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến quan hệ Nga-Mỹ “cơm không lành canh không ngọt” là do kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Dù đã khẩn thiết yêu cầu Washington đưa ra một lời bảo đảm mang tính pháp lý bằng văn bản khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu không nhằm vào Nga, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn khước từ yêu cầu chính đáng này của Moscow. Vì vậy, từ cuối năm ngoái, giữa hai nước đã nổ ra một cuộc khẩu chiến gay gắt về vấn đề lá chắn tên lửa. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng cảnh báo, Nga sẽ triển khai một loạt tên lửa ở khu vực biên giới với các nước NATO nhằm thẳng vào hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ nếu Washington cứ cố tình thiết lập hệ thống này ở Đông Âu như kế hoạch.

Phản ứng trước những lời đe dọa của Tổng thống Medvedev, Nhà Trắng tỏ ra không hề nao núng, tuyên bố Washington sẽ không thay đổi kế hoạch triển khai dự án thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Như vậy, cả Nga và Trung Quốc hiện tại đều đang khó chịu với việc Mỹ phớt lờ những lợi ích và mong mỏi của họ. Vì thế, rất có thể, việc họ lập liên minh chống Mỹ trong các vấn đề Syria và Iran rất có thể là hành động trả đũa. Hai nước này muốn nhắc nhở Mỹ rằng, Washington còn cần đến Moscow và Bắc Kinh. Thông qua vấn đề Syria và Iran, Nga-Trung cho thấy họ có thể là một đối trọng đáng gờm của Mỹ và phương Tây.

Vấn đề lợi ích

Ngoài việc trả đũa Mỹ, Nga bảo vệ Syria và Trung Quốc bảo vệ Iran còn vì vấn đề lợi ích. Có câu: “Không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. Các nước dù hành động như thế nào cũng đều xuất phát từ lợi ích của chính nước họ. Nga và Trung Quốc không hành động ngoài mục đích này.

Việc Nga kiên quyết bảo vệ Syria là điều rất dễ hiểu. Syria vốn là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của Moscow ở khu vực Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, Nga sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông. Thứ hai, Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Chưa hết, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải.

Ngoài những lý do trên, nếu để mất Syria dễ dàng, Nga sẽ rất mất mặt trên trường quốc tế bởi họ cũng là một cường quốc hàng đầu thế giới. Ý đồ của Nga là muốn thông qua việc bảo vệ Syria  trước sức ép của phương Tây để thể hiện vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế. Giới lãnh đạo ở Moscow muốn cho phương Tây thấy rằng họ không thể tiếp tục phớt lờ tiếng nói của nước Nga như trước đây và rằng phương Tây cũng không thể dễ dàng đánh đổ đồng minh của Nga.

Cũng như vậy, Trung Quốc bảo vệ Iran trước sức ép của phương Tây xuất phát phần lớn từ lợi ích của chính quốc gia này.

Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là khách hàng nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Iran (khoảng 20% sản lượng dầu thô xuất khẩu của Iran được xuất sang Trung Quốc), Trung Quốc không dễ gì đánh mất một đồng minh và đối tác quan trọng như Iran. Là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 của Trung Quốc với khoảng 500.000 thùng dầu/1 ngày, Iran là một phần thiết yếu trong bài toán khó giải về năng lượng của Trung Quốc.

Mất nguồn cung cấp dầu mỏ từ Iran, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cú sốc tức thì trừ khi các nước sản xuất dầu mỏ khác chịu nhảy vào “đền bù” phần thiếu hụt này.

Ngoài ra, các công ty dầu mỏ Trung Quốc cũng đã ký hàng loạt hợp đồng dầu mỏ trị giá nhiều chục tỷ USD với các đối tác Iran. Nếu Bắc Kinh theo phương Tây trừng phạt Iran thì nước này có nguy cơ mất những hợp đồng béo bở nói trên.

Vì thế, phản ứng của Bắc Kinh lúc này chắc chắn là phải bảo vệ Iran.

Tuy nhiên, việc Nga và Trung Quốc có bảo vệ Syria và Iran đến cùng hay không còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình cũng như những tính toán lợi ích của hai nước này.

Kiệt Linh(VnM)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Nga, Trung “dàn trận” chống Mỹ?