Vì sao ít bến bãi được cấp phép?

30/01/2019 11:26

Số lượng bến bãi vật liệu xây dựng được cấp phép đạt thấp không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát bến bãi mà còn tiếp tay cho tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép.


Ít bến bãi được cấp phép, khó kiểm soát, tạo cơ hội cho nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc tồn tại

Thời gian qua, mặc dù hoạt động bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trong tỉnh có những chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều. Trong khi đó, việc cấp phép hoạt động để quản lý, kiểm soát bến bãi vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vướng mắc

Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão là đơn vị được giao tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh cấp phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều, chủ yếu là các bến bãi VLXD. Để được cấp phép hoạt động theo quy định, các bến bãi phải bảo đảm các điều kiện như quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ... Thế nhưng, đa số bến bãi không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nên cơ quan chuyên môn không thể trình hồ sơ, thủ tục cấp phép.

Toàn tỉnh hiện có 179 bến bãi VLXD đang hoạt động nhưng chỉ có 68 bến bãi được cấp phép. Trong đó có 36 bến bãi đã hết hạn giấy phép. Một số huyện có ít bến bãi hoạt động có phép như Kinh Môn (2/44 bến bãi), Nam Sách (1/13 bến bãi).... Nhiều nơi, bến bãi đã hết hạn giấy phép song không làm thủ tục gia hạn như Thanh Hà (11 bến bãi), Ninh Giang (7 bến bãi), Kim Thành (4 bến bãi).... Bên cạnh đó còn phát sinh bến bãi ngoài quy hoạch ở TP Hải Dương, Tứ Kỳ mỗi nơi đều có 7 bến bãi, Kinh Môn 6 bến bãi...

Mỗi địa phương lại có khó khăn riêng trong quá trình thực hiện cấp phép. Tại TPHải Dương và các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, vướng mắc chủ yếu liên quan đến chủ trương, dự án đầu tư. Các bến bãi của huyện Kim Thành gặp khó trong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi do hoạt động sai mục đích. Còn tại huyện Kinh Môn, dù đã được cho thuê đất, chấp thuận dự án nhưng các chủ bến bãi lại chây ỳ, chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết khác. Chị Phạm Thị Hằng ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) cho biết trước đây gia đình chị được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đất bãi sông Thái Bình để sản xuất gạch. Khi tỉnh có chủ trương chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu đứng, gia đình chị được chuyển sang kinh doanh bến bãi VLXD. Chị Hằng phải xin cấp phép lại để phù hợp với mục đích kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, các giấy tờ đều phải xin cấp lại từ đầu vì năm 2018 UBND tỉnh đã ủy quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND cấp huyện đối với các dự án có quy mô dưới 0,5 ha. Do diện tích kinh doanh của gia đình chị Hằng là 4.000 m2 nên chị phải nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại TP Hải Dương. Khi được UBND thành phố chấp thuận, chị mới có thể làm các thủ tục tiếp theo.


Toàn tỉnh hiện có 179 bến bãi vật liệu xây dựng đang hoạt động nhưng chỉ có 68 bến bãi được cấp phép

Chủ động tháo gỡ

Tỷ lệ cấp phép bến bãi VLXD đạt thấp gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát hoạt động bến bãi. Từ đó, tạo lỗ hổng, tiếp tay cho tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép cũng như hành vi buôn bán, tiêu thụ, chất chứa vật liệu không rõ nguồn gốc. Để giải quyết dứt điểm bến bãi hoạt động không phép, trái phép, cơ quan chuyên môn đang tích cực hướng dẫn các chủ bến bãi đẩy nhanh tiến độ cấp phép.

Theo ông Phùng Văn Điển, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn, là địa phương có hoạt động bến bãi đa dạng, phức tạp nên ngay khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 29.5.2018, quy định trình tự, thủ tục cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều, hạt đã giao cho cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các chủ bến bãi nhanh chóng thực hiện các thủ tục cấp phép. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình thuê đất, triển khai dự án… Bến bãi được cấp phép sẽ tạo thuận lợi cho hạt trong quản lý hoạt động theo phép. Do đó, hạn chế được vi phạm bến bãi phát sinh.

Không chỉ cơ quan chuyên môn mà nhiều chủ bến bãi cũng có nguyện vọng sớm được cấp phép để yên tâm kinh doanh. Ông Bùi Văn Nam ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) cho biết: “Giấy phép hoạt động là chứng cứ pháp lý của các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi VLXD chân chính. Vì có nhiều thay đổi trong thủ tục cấp phép nên hiện bến bãi do tôi làm chủ vẫn chưa được cấp phép. Tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể hoạt động, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, thực hiện Thông báo số 79/TB-HĐND ngày 1.6.2018 của HĐND tỉnh về nội dung kiên quyết dừng hoạt động các bến bãi không phép, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động bến bãi. Đối với các bến bãi không có trong quy hoạch, không phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị kiên quyết giải tỏa, chấm dứt hoạt động. Với các bến bãi không phép, hết thời hạn giấy phép nằm trong quy hoạch, yêu cầu dừng hoạt động để làm các thủ tục trình cấp phép. Còn các bến bãi có giấy phép hoạt động phải chấp hành nghiêm quy định, nghiêm cấm các hành vi vi phạm. Nếu các chủ bến bãi cố tình vi phạm, sẽ tiến hành cưỡng chế giải tỏa và thu hồi giấy phép. Có như vậy, hoạt động bến bãi mới đi vào kỷ cương, nền nếp.

  PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao ít bến bãi được cấp phép?