Giới chuyên môn đồng loạt cho rằng huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ sử dụng một đội hình không có nhiều thay đổi trước đội tuyển Trung Quốc. Vì sao điều đó có thể thành hiện thực?
Sự ổn định trong hiệp 1
Hôm qua, tờ Sohu đã đưa ra nhận định về đội hình thi đấu mà đội tuyển Việt Nam dự kiến sẽ sử dụng trong trận đấu vào lúc 0h00 ngày 8.10 với đội tuyển (ĐT) Trung Quốc, tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo đó, Sohu cho rằng ĐT Việt Nam sẽ dùng sơ đồ 5-3-2, với thủ môn Bùi Tấn Trường, 5 hậu vệ gồm: Văn Thanh, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng, Hồng Duy cùng 3 tiền vệ trung tâm quen thuộc là Tuấn Anh, Hoàng Đức, Quang Hải. Đá cao nhất trên hàng công sẽ là Văn Toàn và Tiến Linh.
Sohu dựa trên 2 đội hình mà đội tuyển Việt Nam đã sử dụng trong 2 trận đầu tiên gặp Saudi Arabia và Australia. Một nửa sự lựa chọn trong đội hình xuất phát của thầy Park là bất biến. Số còn lại chịu tác động từ việc Văn Lâm, Văn Hậu, Trọng Hoàng chấn thương hay Duy Mạnh trở lại sau án treo giò. Cụ thể, theo Sohu, Tấn Trường sẽ thay Văn Lâm. Văn Thanh, Hồng Duy sẽ thay cặp đôi Trọng Hoàng và Văn Hậu. Trong khi đó, Duy Mạnh, người chơi rất hay trong trận đấu với Saudi Arabia trở lại sau án treo giò. Điều duy nhất mà Sohu đưa ra khác với nhiều quan điểm của giới chuyên môn Việt Nam. Đó chính là sự xuất hiện của Văn Toàn thay cho Văn Đức. Nhưng mẫu số chung trong các luồng quan điểm này hướng đến việc huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo không tạo ra nhiều thay đổi trong đội hình.
HLV Park Hang Seo có xu hướng giữ một đội hình xuất phát ổn định
Thực tế, phải sau 24 giờ nữa, ông Park mới quyết định chốt đội hình ra quân. Chẳng ai biết nhà cầm quân Hàn Quốc sẽ tạo ra bất ngờ nào cho Trung Quốc. Nhưng quả thực trong giai đoạn gần đây, thầy Park ít khi có những điều chỉnh ở sơ đồ ra sân. Ở buổi đá tập mang tính tổng duyệt trước ngày sang UAE, khối đội hình kể trên cũng được ông Park thử nghiệm ở trận đấu. Đặc biệt trong 2 trận vừa qua, sơ đồ 5-3-2, đặc biệt là khu vực tuyến giữa dần dà tìm thấy nhau trong cách bọt lót, thu hồi bóng và triển khai tấn công. Vì vậy, trước những đối thủ mạnh hơn và muốn áp đặt thế trận, ĐT Việt Nam trong việc chơi phòng ngự phản công cũng muốn hướng đến sự ổn định trong 45 phút đầu tiên.
Những bất ngờ trong hiệp 2
Tại sao lại là 45 phút đầu tiên? Thực tế hiệp 1 của ĐT Việt Nam trong 2 trận đấu với Saudi Arabia và Australia có thể chia làm 2 giai đoạn: 15 phút đầu và 30 phút tiếp theo. Khoảng thời gian 15 phút đầu sẽ là thời điểm mà Việt Nam chơi tấn công một cách chủ động với nhiệm vụ săn bàn. Đây là khoảng thời gian mà những cầu thủ như Văn Đức, Quang Hải sẽ tận dụng những đường chuyền từ Hoàng Đức, Tuấn Anh để tìm kiếm cơ hội trước đối phương. 30 phút sau, ĐT Việt Nam chơi chặt chẽ hơn. Quá trình phản công thường chỉ diễn ra ở những pha leo biên và rình rập.
Sự bất ngờ với những nhân tố mới sẽ diễn ra trong hiệp 2 với ĐT Việt Nam
HLV Park Hang Seo muốn dành sự bất ngờ cho đối phương sau giờ nghỉ, khi thế trận trong hiệp 1 đạt đến độ đủ an toàn và không có chênh lệch tỷ số đáng kể giữa đôi bên. Khi đó, những quân bài trong tay áo của thầy Park sẽ được sử dụng tối đa. Theo quy định, Việt Nam có thể thay 5 người trong 3 lượt. Với nhiều nhân tố tiềm ẩn sự bùng nổ sau giờ nghỉ như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Hải, Đức Chinh, mặt trận tấn công của ĐT Việt Nam sẽ phong phú và khó lường hơn ở 45 phút của hiệp 2.
Khi ĐT Việt Nam ở ngưỡng bão hoà
Ở một góc độ khác mang tính vĩ mô, đó là HLV Park Hang Seo hiện tại không có thêm nhiều sự lựa chọn mới mang tính vượt trội. Xét về mặt chủ quan, có thể ông Park Hang Seo – một người sinh ra ở thế hệ những năm 1960 sẽ có tư duy bảo thủ và đề cao sự an toàn hơn, nhất là khi ông cũng đã có được thành công nhất định với bóng đá Việt Nam.
Nhưng ở góc độ khách quan, ông Park cũng chưa thấy mình có cơ sở để chấp nhận mạo hiểm hoặc trao cơ hội cho những gương mặt mới. Trước ngày lên đường sang UAE, vị HLV Hàn Quốc nhấn mạnh một chi tiết rằng lý do vì sao ông lại không có nhiều thay đổi trong bản danh sách bị coi là nhàm chán. Đó là ông cho rằng những cầu thủ mới không tốt hơn những cầu thủ cũ mà ông đã xây dựng.
Suốt 4 năm qua, HLV Park Hang Seo đã triệu tập tới hơn 130 cầu thủ, với đa phần là 2 lứa cầu thủ sinh năm 1995-1997 và 1997-1999. Trải qua quá trình sàng lọc, ông Park đã tìm ra tầm 30-35 cầu thủ thật sự ưng ý và đạt chất lượng như mong muốn của mình. Rõ ràng, để chen chân vào nhóm lực lượng này, nếu các cầu thủ không thuộc diện quái kiệt ở bóng đá Việt Nam thì e rằng họ khó có thể trụ lại trong những đợt triệu tập hoặc chiến dịch cùng thầy Park.
Các cầu thủ trẻ như Thanh Bình hiện không có nhiều cơ hội xuất hiện thường xuyên trong đội hình thi đấu của ĐT Việt Nam
Thực tế trong 1 năm trở lại đây, ông Park cũng đã tạo điều kiện cho lứa cầu thủ trẻ sinh năm 1999-2001 hoặc một vài cái tên có phong độ tốt tại V.League lên ĐT Việt Nam. Nhưng quả thực, họ chưa đủ tầm để có thể thuyết phục được ông Park. Ngưỡng bão hoà của ĐT Việt Nam là nằm ở như vậy. Và đó cũng là một trong những điều để chúng ta bắt đầu phải dè chừng, lo lắng vì tương lai của bóng đá Việt Nam.
Trong 2 năm qua, các cầu thủ sinh năm 2000 trở về sau ít có cơ hội được thi đấu tại V.League và cọ xát quốc tế. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của thế hệ cầu thủ kế cận. Và đương nhiên, cấp độ ĐTQG cũng vì thế mà không thể tìm được những viên ngọc thật sự sáng giá để sẵn sàng trao niềm tin ngay ở thời điểm hiện nay.
Một góc độ nữa là về trình độ giải đấu. ĐT Việt Nam đang ở vòng loại cuối cùng World Cup, mặt trận mà chúng ta chưa bao giờ góp mặt trong quá khứ. Việc phải đối đầu với những đội tuyển mạnh nhất châu Á xen lẫn với sự kỳ vọng của người hâm mộ cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận, thật khó để ông Park mạo hiểm với đội hình vốn dĩ đã được ông sàng lọc để tìm ra những cái tên ăn ý nhất với mình.
Theo Bongdaplus