Vì sao học sinh chán môn sử?

21/04/2022 09:27

Cách dạy đã khiến nhiều học sinh học môn lịch sử với tâm thế đối phó. Tình trạng học sinh không ham học môn lịch sử đã được nhắc nhiều, song đến nay thực tế này vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Vì sao học sinh chán môn sử? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) trong chương trình Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử do tổ lịch sử của trường tổ chức. Đây là một trong những hoạt động giúp học sinh yêu thích môn sử - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Học sinh không thích học lịch sử do phải học bài học dài, ghi chép quá nhiều và phải nhớ ngày tháng năm, con số cụ thể.

Nội dung thi ôm đồm

Học lịch sử hiện nay cũng là học chay, không cọ xát thực tế. Học sinh cũng ít được xem phim tài liệu, tư liệu để hình dung về giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử. Thầy cô đang bị phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa. Trong khi sách giáo khoa lịch sử lại dài và nặng nề, vì vậy mà bài học trở nên cứng nhắc.

Mấu chốt hiện nay là chương trình và nội dung thi ôm đồm quá nhiều nội dung đến mức giáo viên không thể triển khai phương pháp dạy cho sinh động. Chẳng hạn, một bài học rất dễ truyền cảm hứng về văn hóa dân tộc lại có số lượng rất ít trong khi những bài thuộc phạm trù sự kiện như nghị quyết thì lại quá nhiều. 

Đó còn là do tâm lý chuộng ngành "hot" của phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh định hướng cho con học ban tự nhiên từ sớm, mong muốn con theo học các ngành kinh tế, kỹ thuật, sau khi ra trường dễ kiếm việc làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải pháp để tháo gỡ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Bởi lẽ, không thay đổi từ căn nguyên nên chưa đem lại hiệu quả cao. Bởi chỉ đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhưng vẫn dạy trên chương trình cũ, nội dung kiến thức lớn, trong quá trình dạy, giáo viên không dám đổi mới vì không truyền tải được khối lượng kiến thức.

Kết nối lịch sử với cuộc sống

Để tránh tình trạng học sinh chán học môn lịch sử, ngoài việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, cần thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Lịch sử sẽ là một môn học thú vị khi giáo viên áp dụng những phương pháp giảng dạy hiệu quả, sáng tạo để truyền tải thông tin, phát triển tư duy cho học sinh.

Cụ thể, phải lấy học sinh làm trung tâm của quá trình giảng dạy. Giáo viên cần chú trọng đến đối tượng người học hơn là các sự kiện lịch sử, coi trọng sự hứng thú và khả năng nhận thức của người học hơn là những yêu cầu của chương trình. 

Đồng thời, cần nhận ra năng lực và sự khác biệt về trình độ, sở thích, hứng thú của từng đối tượng học sinh để có những điều chỉnh kịp thời. Kết nối lịch sử với cuộc sống với các hoạt động như tham quan viện bảo tàng, nơi học sinh có thể tiếp xúc trực tiếp với một số sự kiện và được tương tác với các hiện vật. Tham quan các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa... Dạy lịch sử thông qua video, kênh hình, sơ đồ, biểu đồ giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng liên kết nội dung.

Một trong những cách giúp học sinh tham gia và thể hiện tư duy phản biện đối với các sự kiện lịch sử là đóng vai "giả sử em là...", "nếu em là..." để học sinh trở thành những nhân vật lịch sử, tranh biện một vấn đề lịch sử, qua đó giáo viên phát hiện khả năng tư duy, giải pháp và nhận định của các em về sự kiện đó. 

Quá trình nhận thức của học sinh trong học tập bao giờ cũng đi từ hình ảnh cụ thể, trực tiếp, từ đơn giản đến khái quát. Nhận thức của học sinh qua môn lịch sử không phải là việc tìm ra cái mới, cái chưa biết mà các em phải tái tạo những tri thức lịch sử đã được thừa nhận, những tri thức khoa học, tạo cơ sở cho các em khôi phục bức tranh quá khứ.

Mối liên hệ quá khứ, hiện tại, tương lai

Khi giảng dạy lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ những bài học từ quá khứ có mối liên hệ đến hiện tại và tương lai. Biết quá khứ, hiểu hiện tại và dự đoán cho tương lai, làm cho những giá trị của quá khứ tiếp tục đóng góp cho hiện tại và tương lai; giúp các em thấy được ẩn sau lớp bụi phủ của thời gian, lớp rêu phong của di tích, lăng tẩm, đền đài, trầm tích, cổ vật... là lấp lánh những giá trị vô giá của lịch sử. Từ đó, các em biết tôn trọng lịch sử và ứng xử văn minh với quá khứ.

Để thu hút học sinh, dạy sử làm sao?

1. Thầy cô dạy sử "cháy" hết mình; thiếu tình yêu sử, thầy cô mất động lực tìm đọc, học, mở rộng vốn hiểu biết để làm mới cho mỗi tiết giảng. Giáo viên sử chỉ quanh quẩn với sách giáo khoa thì học sinh "lơ" môn sử, trách ai đây?

2. Hiện vật, tư liệu, sách tham khảo, phim ảnh, tiểu thuyết lịch sử... các trường cân đối kinh phí để làm phong phú thêm sau mỗi học kỳ, năm học, đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho dạy - học sử. Thầy cô bộ môn sử phải giỏi công nghệ thông tin, ngoại ngữ, để bài dạy - lớp học luôn sinh động, giúp học sinh nhớ lâu, hiểu sâu, vận dụng tốt.

3. Giáo viên bộ môn sử uyển chuyển phương pháp; viết bảng, trình chiếu, ngôn ngữ, phong cách phải cuốn hút học sinh. Thầy cô cần trui rèn để đạt mức cao hơn kỹ năng bằng tự học, sinh hoạt tổ chuyên môn, bồi dưỡng, tập huấn, giao lưu. Dạy sử giỏi, khi có thương hiệu, học sinh chọn giáo viên, chọn học sử. "Tiếng lành đồn xa", học sinh những năm học sau tiếp tục thế hệ trước.

4. Nhà trường động viên giáo viên sử bằng tuyên dương, khen thưởng; trao đổi, tư vấn những vấn đề dạy - học sử cần quan tâm, chia sẻ lúc họ khó khăn. Thầy cô dạy sử nên làm mới mình trong quan hệ với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh, học sinh. Bớt đi rầy la học sinh, nên tha thứ, luôn khuyến khích những cố gắng của học sinh (dù nhỏ), không máy móc khi kiểm tra, chớ dùng "ghi nhớ và điểm số" để trừng phạt. Muốn thu hút học sinh học sử, quan trọng nhất vẫn là yêu thương học sinh.

Dạy học vốn khó, dạy sử ngày nay càng khó. Nhưng với lòng yêu nghề, trách nhiệm cao sẽ gom đủ năng lượng để từ thu hút học sinh học sử, làm nền tảng tỏa sáng sự trân yêu lịch sử, tỏ tường mấy nghìn năm dựng nước giữ nước của dân tộc ta, cốt cách văn hóa nước nhà.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Vì sao học sinh chán môn sử?