Vì sao hộ kinh doanh ngại lớn

24/04/2017 06:29

Hải Dương có nhiều hộ kinh doanh (HKD) quy mô hoạt động và doanh thu khá, nhưng vẫn chưa muốn thành lập doanh nghiệp vì chỉ nhìn thấy "phiền hà" mà không thấy những quyền lợi thiết thực.



Nhiều hộ sản xuất, chế biến gỗ ở làng nghề mộc Đức Minh có doanh thu lớn, tạo việc làm cho
 nhiều lao động nhưng vẫn không muốn thành lập doanh nghiệp


Sợ thêm chi phí

Nhiều năm nay, cơ sở thu mua hành tỏi Thư Mùi ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với người dân trong huyện. Cơ sở đang tạo việc làm cho gần 100 lao động, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mùi, chủ cơ sở sản xuất này chưa muốn thành lập doanh nghiệp. Bà Mùi cho biết: "Sẽ được cái tiếng là giám đốc của một doanh nghiệp nhưng đổi lại tôi phải mất rất nhiều thứ". Nếu lên doanh nghiệp, trước mắt phải lo tiền đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Chưa kể đến việc phải tuyển thêm người cho bộ phận văn phòng, kế toán để quản lý sổ sách, hạch toán chi tiêu. "Ngay cả việc mở rộng diện tích để đủ điều kiện xuất khẩu tỏi đi Mỹ tôi còn chưa được tạo điều kiện huống hồ muốn lên doanh nghiệp còn phải mở rộng diện tích hơn nữa”, bà Mùi nói.

Cũng vì sợ tăng những chi phí không cần thiết khi thành lập doanh nghiệp mà cơ sở sản xuất chế biến gỗ Thu Hằng ở làng nghề mộc Đức Minh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) không muốn thành lập doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đức, đại diện cơ sở này giải thích: "Muốn thành lập doanh nghiệp ít nhất chúng tôi phải có từ 10 lao động trở lên và bắt buộc phải có kế toán. Phần chi phí để trả cho lao động sẽ tăng thêm. Liệu thành lập doanh nghiệp có chắc chắn chúng tôi được hưởng lợi nhiều hơn không hay lại lo nay tiếp đoàn thanh tra này, mai đón đoàn kiểm tra khác?”.

"Đặc biệt ở Nhật Bản, thuế áp dụng cho hộ kinh doanh lại cao hơn so với doanh nghiệp."


Trước những lý do không muốn phát triển lên doanh nghiệp mà các HKD đưa ra, ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng đó là sự thật khiến tinh thần khởi nghiệp bị thui chột. Trở thành doanh nghiệp, cơ sở còn phải chịu nhiều khoản chi phí không chính thức khác. Vì chưa thấy cái lợi của việc thành lập doanh nghiệp nên HKD ngại chuyển đổi.

Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Hải Phòng, số HKD muốn thành lập doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương chưa nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện VCCI chi nhánh Hải Phòng (phụ trách khu vực Hải Dương), nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu công bằng trong các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. "Mà các doanh nghiệp này phần lớn do các HKD phát triển lên. Nếu thiếu công bằng và minh bạch thì các HKD không muốn phát triển lên doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu", ông Sơn nói.

Cần những cú hích



Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký cam kết với Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HD bank)
 hỗ trợ các hộ kinh doanh vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển lên doanh nghiệp


Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Xuân Thăng của Hải Dương đã từng chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp được ví là những người tạo "da thịt" cho nền kinh tế. Ở Hải Dương cũng vậy, muốn nền kinh tế của tỉnh khỏe, đời sống của người dân ngày càng tăng cao thì tỉnh cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp. Cần có giải pháp khuyến khích HKD phát triển lên doanh nghiệp. "Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sớm được thông qua. Bởi đây là liều thuốc bổ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tạo lực cho nhiều HKD phát triển lên quy mô doanh nghiệp", đại biểu Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh. Mong muốn hiện nay của nhiều HKD là Nhà nước cần có chính sách thông thoáng trong tiếp cận đất đai. Những chi phí không chính thức trong sản xuất, kinh doanh cần được loại bỏ. Phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh tổ chức hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Yoshinori Ukai, đại diện Công ty TNHH Brother Việt Nam cho biết Nhật Bản cũng đã phải trải qua những khó khăn khi vận động các HKD đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp. Để giải quyết cái khó đó, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập nhiều đơn vị hỗ trợ thủ tục khai thuế, giảm thuế ban đầu cho những đối tượng này. Ngành thuế đã có biện pháp cụ thể để dù kinh doanh loại hình gì, mô hình nào thì cũng phải nộp thuế đầy đủ một cách bình đẳng. "Đặc biệt ở Nhật Bản, thuế áp dụng cho HKD lại cao hơn so với doanh nghiệp. Khi các HKD thấy được lợi ích này thì chẳng khó để họ thành lập doanh nghiệp” ông Yoshinori Ukai nói.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Hải Dương có hơn 15.000 doanh nghiệp thì các hiệp hội cần giúp doanh nghiệp, HKD mạnh dạn bày tỏ kiến nghị, bức xúc, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có chính sách điều hành, quản lý tốt nhất. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cần được thực hiện công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp. "Trong khi doanh nghiệp FDI được ưu ái đủ thứ, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không được hưởng lợi như vậy. HKD cần những hỗ trợ để mạnh dạn phát triển lên doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn”, ông Phạm Văn Đoàn, chủ HKD vật tư xây dựng ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) nói.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3 vạn HKD. Đây là nguồn lực chính để phát triển cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Do đó, thời gian tới tỉnh cần tăng cường các chính sách hỗ trợ để các HKD đủ lực thành lập doanh nghiệp. 

HẢI MINH

Để hỗ trợ việc thành lập doanh nghiệp, Hải Dương đã cam kết rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày làm việc. Giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được giải quyết đúng và sớm hẹn; 100% trường hợp trễ hẹn đều có văn bản giải thích lý do hoặc xin lỗi doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao hộ kinh doanh ngại lớn