Do diện tích đất bãi ven sông để nuôi bò bị thu hẹp; đàn bò phát triển không cân đối, chủ yếu phát triển bò nái; dịch bệnh trên đàn bò tăng... là nguyên nhân chính khiến dự án nuôi bò thịt không đạt được mục tiêu?
|
Nhờ có bãi bồi ven sông Thái Bình, anh Nguyễn Văn Thủy ở thôn Vực, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) đầu tư nuôi bò thịt chất lượng cao mang lại hiệu quả khá |
Tỉnh ta có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven sông, thuận lợi cho việc làm bãi chăn thả trâu, bò. Năm 2005, toàn tỉnh có 47.403 con bò các loại, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 976 tấn. Tuy nhiên, đàn bò phát triển chưa cân đối, chủ yếu là bò sinh sản, chiếm 85% tổng đàn. Vì vậy, sản lượng thịt tăng chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thịt bò cho tiêu dùng. Hằng năm, tỉnh ta phải nhập thêm hàng nghìn tấn thịt bò. Năm 2004, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, đàn gia cầm xuất hiện càng làm cho nhu cầu về thịt bò tăng. Nhằm khai thác hết lợi thế tự nhiên và tăng sản lượng thịt bò, năm 2006, tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án "Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010" với mục tiêu đến năm 2010 toàn tỉnh có 10.000 con bò thịt chất lượng cao. 100% các huyện, thành phố thực hiện dự án.
Theo dự án, trong 3 năm đầu, các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, mỗi huyện chọn từ 5 đến 10 xã thực hiện, mỗi xã chọn 10- 15 hộ chăn nuôi thí điểm. Sau đó, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các huyện còn lại. Các hộ tham gia dự án nuôi ít nhất là 10 con bò và được miễn tiền nộp thuế sử dụng đất trong 10 năm đầu kể từ khi có quyết định thuê đất xây dựng chuồng trại; được tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay lần đầu để mua bò giống với mức vay 3 triệu đồng/con trong thời gian 18 tháng và được hỗ trợ 50% tiền mua giống cây trồng lần đầu làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, dự án không đạt được kết quả đặt ra. Đến nay, dự án mới thu hút được 306 hộ tham gia với 3.002 lượt con bò thịt chất lượng cao, đạt 30% mục tiêu.
Sau 5 năm triển khai, đến nay toàn huyện Tứ Kỳ có 31 hộ tham gia với tổng số 335 con bò, đạt khoảng 30% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: Ngay sau khi dự án được tỉnh triển khai, huyện Tứ Kỳ đã tích cực thông tin tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia. Trong việc thực hiện dự án cũng có những kết quả tích cực và còn có những hạn chế. Với những hộ có điều kiện tham gia thì đây là một hình thức làm kinh tế nhanh và tương đối bền vững, không tốn nhiều thời gian và nhân lực. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện dự án. Đối với một số xã như: Tứ Xuyên, Hà Thanh, Hà Kỳ, Dân Chủ... có sông Luộc, sông Thái Bình chảy qua, tạo nên những bãi bồi, rất thuận lợi cho việc chăn thả bò. Số lượng bò trong dự án cũng tập trung chủ yếu ở các xã này. Những xã khác thì việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không phát triển được. Bên cạnh điều kiện tự nhiên khó khăn thì việc thủ tục vay vốn phức tạp cũng làm cho người dân nản chí.
Cũng giống như Tứ Kỳ, huyện Thanh Hà cũng gặp nhiều khó khăn khi tham gia thực hiện dự án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao của tỉnh. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006-2010 sẽ có 50 hộ tham gia với 500 con bò. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8 hộ tham gia, với 80 con bò. Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, những năm qua, diện tích vườn và các bãi bồi ven sông ở Thanh Hà đã chuyển đổi sang trồng vải và các loại cây ăn quả khác. Bò là vật nuôi không thuần như những vật nuôi khác, ngoài việc cho ăn, còn phải quản lý được chúng. Để chăn được 10 con bò phải có một lao động chính. Tuy nhiên, ngày công lao động từ nuôi bò không cao, một năm được từ 2 đến 4 triệu đồng. Hiện nay, ngoài những lao động đủ điều kiện làm việc trong các công ty, xí nghiệp thì hầu hết người dân ở Thanh Hà đều chọn những ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn như: xây dựng, buôn bán... Bên cạnh đó, các hộ dân chỉ được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, sau một thời gian vẫn phải trả tiền gốc; thủ tục vay khó khăn...
Theo đánh giá của một số cán bộ nông nghiệp, với những hộ có điều kiện tham gia dự án thì hiệu quả kinh tế đạt được khá. Tuy nhiên, để mở rộng, thực hiện đại trà thì rất khó bởi không phải xã nào cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi; không phải hộ dân nào cũng có nhân lực để thực hiện.
Để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, các ngành, địa phương cần tìm hiểu điều kiện của các địa phương và chỉ nên chọn các địa phương có đủ điều kiện thực hiện. Trong quá trình triển khai nên có hoạt động sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Qua đó, nắm bắt nhanh được khó khăn của nhân dân để có biện pháp giải quyết kịp thời. Cần nghiêm túc thực hiện các cơ chế hỗ trợ đã đặt ra...
THANH HÀ