Nguyên nhân là do có quá nhiều hội chợ, khiến các doanh nghiệp vào tình trạng “bội thực”; chất lượng và cách thức tổ chức còn thiếu chuyên nghiệp...
Hội chợ Xúc tiến thương mại Hải Dương Xuân 2012 thiếu vắng các doanh nghiệp
có tên tuổi của Hải Dương
Hội chợ triển lãm là kênh để doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, thông qua các hội chợ, doanh nghiệp có cơ hội ký kết được nhiều đơn hàng, đem lại doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp không mấy mặn mà tham gia các hội chợ triển lãm.
Tại Hội chợ Xúc tiến thương mại Hải Dương Xuân 2012, mặc dù các doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất đã trưng bày các gian hàng đẹp mắt và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng nhưng lượng khách đến tham quan, mua sắm chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Hội chợ hầu như vắng bóng các doanh nghiệp có tên tuổi ở Hải Dương. Những năm trước, để tổ chức hội chợ triển lãm, Trung tâm Xúc tiến thương mại chỉ cần gửi thông báo thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức hội chợ, các doanh nghiệp sẽ tự liên hệ và đăng ký tham gia. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, trung tâm phải thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích, động viên nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn từ chối. Đơn cử như năm 2010, trung tâm có kế hoạch tổ chức hội chợ nhân dịp kỷ niệm 206 năm khởi lập Thành Đông và 56 năm giải phóng TP Hải Dương nhưng không mời được doanh nghiệp nào tham gia. Doanh nghiệp nhỏ viện lý do không có kinh phí. Doanh nghiệp lớn cho rằng hội chợ triển lãm không đem lại nhiều lợi ích nên cũng không tham gia. Thiếu doanh nghiệp, hội chợ đã không được tổ chức theo đúng kế hoạch.
Theo Sở Công thương, 2 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp tự đăng ký tham gia hội chợ triển lãm giảm gần 50% so với các năm trước đó. Nếu như những năm trước, các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, sản xuất đồ gỗ nội thất, xi-măng và bánh đậu xanh thường xuyên đăng ký tham gia hội chợ thì gần đây các doanh nghiệp này lại vắng mặt tại một số kỳ hội chợ. Trước đây, Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương năm nào cũng cử người đến Trung tâm Xúc tiến thương mại tham khảo lịch tổ chức để chuẩn bị sản phẩm tham dự hội chợ nhưng mấy năm gần đây, doanh nghiệp này cắt bỏ hoàn toàn kinh phí tham gia các kỳ hội chợ được tổ chức ở tỉnh ta.
2 năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp tự đăng ký tham gia hội chợ triển lãm
giảm 50% so với những năm trước
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với các hội chợ triển lãm trước hết là do thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tổ chức quá nhiều hội chợ, bao gồm cả hội chợ trong nước và quốc tế, khiến các doanh nghiệp trong tỉnh rơi vào tình trạng “bội thực” hội chợ. Tần suất tổ chức hội chợ quá dày trong khi kinh phí và hiệu quả đem lại từ các hội chợ lại không nhiều. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải cho biết: “Không thể phủ nhận vai trò của các hội chợ triển lãm đối với việc quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây có quá nhiều hội chợ được tổ chức nhưng không có chủ đề hay trọng tâm, trọng điểm khiến doanh nghiệp bỏ kinh phí tham gia hội chợ nhưng kết quả thu lại không nhiều. Ngoài ra, chất lượng và cách thức tổ chức hội chợ triển lãm hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nếu như trước đây, tham gia hội chợ chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, sản phẩm có uy tín trên thị trường thì hiện nay, hội chợ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng hóa kém chất lượng vẫn được bày bán.
Một yếu tố quan trọng để đánh giá sự thành công của một hội chợ là số lượng người đến tham quan, mua sắm. Nhiều người dân cũng không thích đến mua hàng hóa tại hội chợ. Chị Nguyễn Thị Bích ở khu 2, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Thời gian gần đây tôi thấy hội chợ tổ chức thiếu bài bản. Hàng hóa không phải là của các doanh nghiệp có uy tín, chủ yếu là hàng hóa của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ. Một số gian hàng quần áo, đồ dùng bày biện và quảng cáo giới thiệu như ở chợ, thiếu tính chuyên nghiệp. Để mua sắm, tôi thích đến siêu thị bởi ở đó hàng hóa bảo đảm chất lượng và không phải mua vé vào”.
Khi người tham gia hội chợ không nhiều, mục đích quảng bá và giới thiệu hàng hóa tới người tiêu dùng không đạt được khiến doanh nghiệp dần mất đi sự quan tâm đối với hội chợ. Bên cạnh đó, năm qua do tác động của khủng hoảng kinh tế, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc gặp khó khăn về nguồn vốn nên phải cắt giảm các chi phí khác để tập trung vào sản xuất. Bên cạnh đó, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước đòi hỏi chi phí cao trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp 5 - 10% tổng kinh phí tham gia hội chợ.
Để thu hút được các doanh nghiệp tham gia, việc tổ chức hội triển lãm cần được chấn chỉnh để tạo dựng lại niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tổ chức hội chợ triển lãm phải có trọng tâm và chủ đề, không tổ chức tràn lan làm giảm hiệu quả quảng bá và giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức hội chợ phải dựa trên cơ sở đánh giá, khảo sát về số lượng các doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp mang tới hội chợ trước khi cho các doanh nghiệp này tổ chức. Tránh biến hội chợ triển lãm trở thành nơi xả hàng, bán hàng giảm giá, kém chất lượng.
LA