Cụm từ ''chính sách hình sự đặc biệt'' lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản tố tụng khi cơ quan điều tra đề nghị cho Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và một số bị can được hưởng.
Phạm Nhật Vũ (trái), Lê Nam Trà và một số bị can khác được đề nghị hưởng chính sách hình sự đặc biệt
Theo kết luận điều tra đại án MobiFone mua 90% cổ phần AVG, có 11 bị can được đề nghị cho áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Trong danh sách này có chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn... nhưng không có tên cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
"Chính sách ưu việt"
Theo kết luận, Phạm Nhật Vũ đã đưa hối lộ 3 triệu USD cho Nguyễn Bắc Son; 2,5 triệu USD cho cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà; 500.000 USD cho cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD cho cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Hành vi của ông Vũ bị đề nghị truy tố về tội "đưa hối lộ" theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 12-20 năm tù.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" phù hợp khi truy tố, xét xử vì cho rằng bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án, chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỷ đồng (tính cả lãi và các chi phí khác), góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Tương tự, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng được ghi nhận đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi truy tố xét xử.
Giải thích về đề nghị trên của cơ quan điều tra, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, cho rằng chính sách khoan hồng của pháp luật là rất rõ ràng, cụ thể, ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm tội đối với cơ quan điều tra, cũng như khắc phục hậu quả tốt.
"Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực, khắc phục các hậu quả đã xảy ra" - ông Ngọc giải thích tại buổi họp báo Chính phủ.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định Bộ Công an đã điều tra toàn diện vụ án, vi phạm đến đâu kết luận đến đó.
Chưa được quy định trong luật
Liên quan đến việc cơ quan điều tra đề nghị áp dụng "chế định hình sự đặc biệt" đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại AVG, các chuyên gia đều cho biết chế định này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, tố tụng hình sự.
Lãnh đạo một viện kiểm sát tại khu vực phía Nam cho rằng có thể hiểu đây là các tình tiết như tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra chứng minh tội phạm được coi là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Cũng là tình tiết giảm nhẹ nhưng nó đặc biệt hơn các tình tiết khác. Vì qua các tài liệu mà bị can cung cấp, cơ quan điều tra nhanh chóng phá án thành công, nhất là với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như vụ án này mà có những tài liệu để chứng minh, mở rộng vụ án, xử lý triệt để vụ án... thì luật có quy định là tình tiết giảm nhẹ. Nhưng trong thực tế muốn nhấn mạnh hơn thì gọi là "giảm nhẹ đặc biệt", chỉ là một thuật ngữ.
"Thông thường khi đã đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt thì sẽ được xem xét giảm nhẹ. Như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, các bị can khắc phục hậu quả triệt để cũng được áp dụng "nhảy khung", tức là áp dụng khung hình phạt thấp hơn một khung liền kề. Ví dụ, bị can bị truy tố khoản 4 nhưng khi xét xử thì tòa có thể tuyên mức án ở khoản 2. Tuy nhiên, việc tuyên vì tình tiết này phải được ghi rõ trong bản án", lãnh đạo viện kiểm sát trên phân tích.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không hề có thuật ngữ "chính sách hình sự đặc biệt". Chính sách hình sự được hiểu là một bộ phận của chính sách pháp luật thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời kỳ nhất định.
Đối với một vụ án cụ thể, một đối tượng phạm tội cụ thể thì căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để hội đồng xét xử quyết định hình phạt. Đó có thể là quyết định hình phạt dưới khung hoặc miễn hình phạt nhưng phải căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự chứ không thể tùy tiện áp dụng ưu ái cho riêng ai với một "chính sách hình sự đặc biệt".
Sự "sáng tạo" của cơ quan điều tra?
Còn ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, khẳng định đây là một sự "sáng tạo" của cơ quan điều tra bởi trong tất cả các văn bản tố tụng thì chưa có văn bản nào đề cập các thuật ngữ này.
Có thể hiểu, các bị can trong vụ án AVG đã tích cực khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo... họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khắc phục hậu quả triệt để cũng chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ mà thôi.
"Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng sẽ xem xét việc đã khắc phục triệt để thực tế hay mới chỉ là làm đơn xin khắc phục? Việc được coi là tình tiết giảm nhẹ khi khắc phục hậu quả phải là tiền đã được nộp vào ngân sách rồi", ông Tuệ đặt vấn đề.
Ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, nhận định đây chỉ là bị can có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi xét xử thì hội đồng xét xử có thể cân nhắc xem xét để đưa ra mức án phù hợp. Các văn bản tố tụng không quy định về thủ tục xét xử đặc biệt trong vụ án như thế này.
Nên dùng thuật ngữ "khoan hồng" hoặc "khoan hồng đặc biệt" Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, cho rằng trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật, trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam cụm từ và thuật ngữ "chính sách hình sự đặc biệt" phải được hiểu là một trong những chính sách chủ trương của một quốc gia trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Việc dùng thuật ngữ này cho một vụ án cụ thể hay một vụ việc cụ thể là chưa phù hợp. "Một bị can nếu có tình tiết giảm nhẹ, hoặc tính chất mức độ phạm tội không đáng kể hoặc đã khắc phục cơ bản hậu quả thì khi áp dụng pháp luật hình sự trong các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nên dùng thuật ngữ khoan hồng của Nhà nước hoặc khoan hồng đặc biệt thì đúng đắn và khách quan hơn", luật sư Hướng nêu quan điểm. |
Theo Tuổi trẻ