Sáng 19-12, Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Sau gần một tháng kiểm tra về giá xăng dầu tại bốn doanh nghiệp (DN), sáng 19-12, Bộ Tài chính đã chính thức công bố với báo chí, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm trong việc bán giá xăng, cũng như quản trị tại các DN này.
Đợt kiểm tra lần này, Bộ Tài chính tập trung vào hai nội dung chính là xác định giá vốn các mặt hàng xăng, dầu tính từ đầu năm đến ngày 26.8 (thời điểm Bộ yêu cầu DN giảm giá xăng, dầu) và giá nhập khẩu từ đầu năm đến 26.8, cùng kết quả kinh doanh đến hết 6.2011.
Lãi nhưng lại kêu lỗ
Qua rà soát, Bộ Tài chính khẳng định việc giảm giá xăng dầu vào ngày 26.8 là hoàn toàn có căn cứ và cơ sở bởi cả bốn DN đều có lãi, chứ không phải lỗ như thông báo.
Theo đó, từ 1.7 đến 26.8 Petrolimex ước lãi 130 tỉ đồng, SaiGonPetro báo lỗ 44,6 tỉ đồng nhưng nếu tính đúng theo chi phí kinh doanh định mức (600 đồng/lít xăng, dầu), DN này lãi 48 tỉ đồng, tương tự Petimex (Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp) báo lỗ 55,23 tỉ đồng, thực tế lãi 22 tỉ đồng.
Như vậy, với kết quả kiểm tra trên, những tranh cãi giữa DN, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã được sáng tỏ, khi thời điểm này việc giảm giá hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, không phải là “vô căn cứ” khi các DN cho rằng đang lỗ vẫn phải giảm giá.
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính: "Tại sao thù lao đại lý lại biến động như vậy, trong khi người tiêu dùng đang gánh chịu tăng giá. DN lẽ ra phải tiết giảm tối đa chi phí, nhưng chi vượt định mức để giành thị phần của nhau. Rõ ràng, DN chưa chia sẻ lợi ích với Nhà nước và người tiêu dùng” |
Vi phạm chi hoa hồng đại lý
Nội dung kiểm tra về kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy cả bốn DN đều chi thù lao cho các đại lý vượt chi phí định mức kinh doanh 600 đồng/lít, dẫn tới hoạt động bị thua lỗ.
Tại Petrolimex, tính đến tháng 6, DN này thông báo bị lỗ hơn 1.840 tỉ đồng, thực tế qua rà soát tổ kiểm tra đã phát hiện con số lỗ thực tế chỉ là 1.318 tỉ đồng, khoản chênh do DN đã chi thù lao đại lý vượt định mức 522 tỉ đồng. Hoạt động thua lỗ này, chủ yếu do biến động tỷ giá gây ra (1.425 tỉ đồng).
PV Oil là một trong bốn DN có mức chi trả thù lao đại lý “khủng” khi lần thứ nhất vào 30.6, mức thấp nhất 530 đồng/lít xăng, dầu và cao nhất lên 800 đồng. Tiếp đó, vào 12.7, mức thấp nhất 800 đồng/lít và cao nhất 1.050 đồng/lít.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cho biết, vì Bộ Công thương ban hành thông tư 36 bỏ quy định chi thù lao đại lý dẫn tới các DN lao vào cuộc đua giành giật thị phần, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới thua lỗ.
“Tại sao, thù lao đại lý lại biến động như vậy, trong khi người tiêu dùng đang gánh chịu tăng giá. DN lẽ ra phải tiết giảm tối đa chi phí, nhưng chi vượt định mức để giành thị phần của nhau. Rõ ràng, DN chưa chia sẻ lợi ích với Nhà nước và người tiêu dùng” - bà Mai nói.
Không chỉ vi phạm chi đại lý quá cao, các DN này còn dùng các thủ thuật để hợp thức hóa khoản chi không được phép này vào chi phí khác. Tại PV Oil, tổ kiểm tra đã chỉ ra, DN này không hạch toán vào chi phí bán hàng mà tiến hành bù trừ trước với các đại lý trước khi viết hóa đơn. Với việc thực hiện thù lao như trên, kết luận kiểm tra nêu rõ đã làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, gây áp lực việc điều chỉnh giá xăng dầu.
Lỗ hổng lớn từ chính sách
Không chỉ chi cho đại lý quá lớn, các DN trên còn vung tay quá trán, có nhiều khoản đầu tư ra ngoài ngành không mang lại hiệu quả.
Cụ thể, tại Petrolimex, DN này đầu tư gần 3.800 tỉ đồng vào các DN khác, chiếm 35,7% vốn điều lệ, riêng lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán 1.273 tỉ đồng, chiếm 12,5% vốn điều lệ; cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2010 chỉ có 117 tỉ đồng, bằng 9,2% vốn đầu tư, chưa bằng lãi suất gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, Petrolimex còn đầu tư cổ phiếu hơn 95 tỉ đồng, thu lợi nhuận chỉ có 150 triệu đồng. Tổ kiểm tra chỉ cụ thể, tổng công ty này mua tàu Vân Phong 1 giá 817 tỉ đồng, đi vay Viecombank 33 triệu USD, đầu tư tàu nhưng lại thuê nước ngoài quản lý gây khó khăn trong kiểm soát chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và gia tăng khó khăn về vốn.
Tất cả những vi phạm trên, theo Bộ Tài chính, trách nhiệm đầu tiên do quản trị của các DN còn chưa tốt, chi đại lý cao, hao hụt định mức nhiên liệu lớn, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả… gây áp lực tăng giá xăng dầu.
Về trách nhiệm của liên Bộ, bà Mai cho biết do chưa kịp thời sửa đổi chính sách theo tình hình thực tiễn, chi phí định mức không còn hợp lý, Bộ Công thương “thả” chi phí thù lao, không quản lý gây rối loạn, xáo trộn thị trường. Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - khẳng định “có lỗi của DN, cũng có lỗi của bộ, ngành nhưng lỗi quản lý của bộ chỉ là vài bất cập nho nhỏ sẽ được sửa thời gian tới”.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ sớm nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ tăng giá quá dài 30 ngày như hiện nay, Bộ Công thương ban hành khung về chi phí quản lý hoa hồng, nghiên cứu lại giá cơ sở, đưa lợi nhuận định mức 300 đồng ra khỏi các tính giá này, xem xét lại cơ chế hoạt động quỹ bình ổn giá….
Tất cả sẽ những bất cập “nho nhỏ” trên, theo ông Thỏa, sẽ được nhanh chóng sửa đổi trong thời gian tới.
Anh Vũ (TN)