Vi phạm đất trồng lúa ngày càng phổ biến

20/03/2017 07:21

Hiệu quả kinh tế thấp cùng với sự buông lỏng của cơ quan quản lý nhà nước khiến cho vi phạm xâm lấn đất trồng lúa ngày càng trở nên phổ biến.



Ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), khá nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi đất lúa sang trồng cây lâu năm


Phớt lờ quy định

Là địa phương được ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên huyện Thanh Hà có nhiều lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả. Tuy nhiên, do nhiều hộ dân chuyển đổi tự phát, không đúng quy hoạch dẫn đến phá vỡ những điều kiện canh tác cơ bản của đất trồng lúa. Anh Nguyễn Đức Tiệp ở xã Thanh Lang cho biết: “Thu nhập thấp, bấp bênh nên người dân quay lưng với cây lúa. Giải pháp duy nhất là tìm cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, nông dân mới đào ao, lập vườn khi chưa được sự chấp thuận của chính quyền địa phương”.

Vi phạm đất lúa là thực trạng nổi cộm tại xã Vĩnh Lập (Thanh Hà). Phớt lờ những quy định của pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, người dân dùng đất lúa để trồng cây lâu năm. Lúc đầu chỉ là đánh ụ cao trồng cây kết hợp cấy lúa, lâu dần thì đào đất, san lấp thành vườn, trang trại. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã, có nhiều nguyên nhân khiến vi phạm trên đất lúa gia tăng. Ngoài lợi nhuận từ cây lúa thấp thì nhận thức của người dân về việc bảo vệ đất lúa chưa cao. Một số hộ dân có suy nghĩ không đúng khi cho rằng đất lúa thuộc quyền sở hữu cá nhân nên có thể tự quyết định mục đích sử dụng. Mặt khác, nhiều hộ có diện tích đất lúa nằm trong dự án quy hoạch lại muốn chuyển đổi để làm tăng giá trị tài sản trên đất, sau này được hưởng đền bù cao.

Năm 2016, xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) lập biên bản 37 trường hợp vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có 3 trường hợp nghiêm trọng khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất ruộng được giao sau khi dồn điền, đổi thửa. Mặc dù UBND xã đã yêu cầu các hộ tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng nhưng khó có thể khôi phục được hiện trạng như ban đầu.

Bây giờ khi cây vải không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, nhiều hộ muốn khôi phục lại đất trồng lúa nhưng không thể vì đất đã biến dạng, thoái hóa.


Theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không được làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại. Cụ thể là không được làm biến dạng mặt bằng, thoái hóa đất, không làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi phục vụ trồng lúa. Việc người dân chuyển đổi đất trồng lúa không theo định hướng như hiện nay đã xâm phạm nghiêm trọng đất lúa, làm cho mặt bằng ruộng thay đổi, không đồng đều, từ đó dẫn đến những biến đổi về thành phần dinh dưỡng, hệ sinh vật, làm mất đi khả năng cấy lúa như trước.

Cần định hướng lâu dài

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp hữu hiệu giúp các địa phương tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các địa phương thực hiện chuyển đổi nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật là chuyển sang trồng cây ngắn ngày, cây hằng năm. Với những dự án trồng trọt, chăn nuôi tập trung phải được sự phê duyệt của UBND cấp huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều nơi chưa làm tốt việc định hướng, quy hoạch khiến cho việc chuyển đổi không những không phát huy hiệu quả mà còn để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.

Theo ông Phạm Đức Ban, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Hà, việc chuyển đổi ồ ạt khiến nông dân Thanh Hà phải trả giá đắt. Vì lợi ích kinh tế trước mắt, người dân đã phá lúa trồng vải. Bây giờ khi cây vải không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, nhiều hộ muốn khôi phục lại đất trồng lúa nhưng không thể vì đất đã biến dạng, thoái hóa. Tìm hướng đi để gỡ khó trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu nhưng kế hoạch sử dụng đất lúa phải hợp lý bởi bảo vệ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực luôn được xác định là mục tiêu hàng đầu.

Để khắc phục tình trạng vi phạm đất trồng lúa trên địa bàn, huyện Bình Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân trong mục tiêu giữ ổn định đất lúa. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện không quá cứng nhắc trong việc xử lý các vi phạm mà chủ động nắm bắt nguyện vọng của người dân. Đối với các hộ có nhu cầu chuyển đổi đất lúa, xây dựng vùng sản xuất tập trung, cơ quan chức năng sẽ xem xét, tìm hướng giải quyết trên tinh thần tuân thủ pháp luật. Huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi đất lúa, trong đó mỗi xã, thị trấn tùy thuộc vào điều kiện đặc thù để quy hoạch hợp lý, tránh tình trạng triển khai dở dang, "đánh trống bỏ dùi" vừa lãng phí đất đai, vừa không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức lợi dụng chuyển đổi để thực hiện những mục đích khác. Nhờ vậy, nhiều địa phương trong huyện như Long Xuyên, Bình Minh, Cổ Bì... đã hạn chế được việc chuyển đổi tự phát.

Bảo vệ đất trồng lúa là vấn đề hết sức quan trọng, lâu dài nhưng nếu không giải quyết lợi ích trước mắt cho nông dân thì khó có thể thực hiện được. Vì vậy, các địa phương cần linh động trong xử lý vi phạm đất lúa, đồng thời có định hướng đúng đắn để khai thác bền vững, hiệu quả đất trồng lúa.

NGUYỄN MƠ - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm đất trồng lúa ngày càng phổ biến