Vĩ nhân

25/06/2013 15:34



Minh họa: Văn Hà


Tôi quen gọi anh là Minh theo đúng tên cúng cơm mà bố, mẹ anh đã đặt. Nhưng anh lại muốn mọi người gọi mình là Sương Minh - cái tên nghe vừa là lạ, lại vừa có vẻ như mang danh nghệ sĩ.

Sương Minh làm ở Phòng Văn hoá thể thao huyện, thích làm thơ và viết báo. Thỉnh thoảng anh cũng viết được một vài truyện ngắn và được đăng báo. Nhờ thế, cũng có khá nhiều người biết đến tên anh. Mỗi lần được đăng một truyện ngắn hay một cái tiểu phẩm gì gì đó, Sương Minh lại phô-tô thành nhiều bản để tặng bạn bè và người thân của mình. Ai cũng mừng cho anh. Riêng tôi cũng có đôi chút hãnh diện vì được làm bạn với một người như Sương Minh. Chả gì thì tên tuổi của anh cũng đã được in trên báo nơi này, nơi kia. Ai bảo cứ phải ở thành phố, cứ phải được học hành đầy đủ các loại bằng cấp mới viết được? Như Sương Minh đấy, anh ta mới chỉ học hết cấp ba, thêm mười tám tháng dùi mài kinh sử ở Trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh, thế là trở thành cán bộ văn hoá và rồi cũng lên được cái chức phó phòng. Song, cũng phải công nhận rằng anh ta cũng có đôi chút năng khiếu thơ, văn. Gặp Sương Minh ở đâu là người ta nghe thấy anh nói chuyện văn chương, chữ nghĩa. Người dốt văn như tôi thì chẳng nói làm gì, nhưng nhiều người nghe Sương Minh nói chuyện cứ tít mắt vào. Nào là: "Hay! Cậu (anh, chú...) thế mà giỏi thật đấy!”. Có người còn cao hứng: "Sương Minh à, cậu là niềm tự hào của chúng tớ đấy!"

Những câu tán dương, những lời khen ngợi đã đưa bạn tôi lên tận mây xanh.

Anh phấn chấn hẳn lên và càng ra sức viết. Anh đi khắp nơi trong tỉnh và ra cả ngoài tỉnh bạn để tìm cảm xúc. Người ta thấy anh lúc nào cũng tất bật: "Tôi phải đi một chuyến dã ngoại mới được!". Hoặc: "Đợt này tôi xin nghỉ phép để đi thực tế viết bài..."

Sau mỗi câu nói đại loại như vậy, anh lại giơ tay vuốt vuốt mấy sợi tóc vắt ngang cái trán hói như muốn làm cho nó hói thêm.

Một lần anh đến chỗ tôi làm việc. Vừa nhìn thấy tôi, anh đã giở cặp, lấy ra một tờ báo:

- Tặng lão, tớ vừa viết xong đã được in luôn đấy!

Tôi đỡ tờ báo:

- Xem nào, chuyến đi thực tế vừa rồi đã mang lại cho cậu những cảm xúc gì nào.

- Thực tế quái gì. Tay S. bên ngân hàng bảo tớ viết về mẹ lão ấy đấy mà!

- Thế là thế nào, tớ chẳng hiểu gì cả?

Sương Minh ghé tai tôi nói nhỏ:

- Lão ấy cho tớ mấy trăm, bảo tớ viết. Chả là nhà lão ấy chuẩn bị làm lễ thượng thọ cho bà cụ mà lỵ!

- A, thì ra "mà lỵ" nhà cậu cũng đắt giá đáo để!

Hắn cười và đưa tay vuốt tóc.

- Ông làm thế nào mà báo nó in cho ông?

- Khổ quá, tớ có người bạn cũng làm nghề viết lách. Anh ta có người quen bên báo và giới thiệu mình với họ. Tớ sang chơi và làm quen, nhờ tay đó xem hộ. Lúc đầu nghe chừng họ cũng ngại. Song, nể bạn nên tay ấy bảo tớ cứ để đấy hắn sẽ giúp.

- Thế anh ta sửa có nhiều không?

- Cũng có nhưng chỉ là câu chữ thôi, còn cốt truyện vẫn thế!

Tôi lại buột miệng:

- Cậu giỏi!

- Giỏi cái đếch gì, tớ nói riêng cho cậu biết nhé, còn mấy đơn vị nữa đang nhờ tớ viết cho đấy!

- Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc nữa mà cậu giàu to. Thế mà người ta cứ bảo văn nghệ sĩ nghèo lắm.
Sương Minh khoái chí, vênh mặt cười khi nghe tôi dùng từ "văn nghệ sĩ”.
Hắn ồ lên:

- Cậu sai bét, văn nghệ sĩ thời nay không thế lấy gì nuôi con? Nghèo hay giàu là ở chỗ ngòi bút của mình mềm hay cứng mà thôi!
Câu chuyện đang dở dang thì tôi có khách. Sương Minh vội ra về, không quên dặn tôi thật dõng dạc:

- Lão đọc đi nhé, truyện này tớ chỉ tặng mỗi lão thôi đấy!

Tiễn Sương Minh ra về, tôi băn khoăn mãi về những điều anh ta nói. Thực lòng, tôi không hiểu mấy về giới văn sĩ nhưng thấy bạn nói vậy, tôi thấy ái ngại thay cho anh. Đành rằng trong thời buổi hiện nay cũng vẫn còn có những người uốn bút vì miếng cơm manh áo. Song, đại đa số văn nghệ sĩ đều "tử vì đạo" cho dù hiện thực có nghiệt ngã đến đâu họ vẫn ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào sự thật, tận tâm cống hiến sức lực của mình mong đem lại niềm vui và những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Vậy mà bạn tôi, cái anh chàng Sương Minh ấy chỉ sau một vài tác phẩm được đăng trên văn đàn đã tự vỗ ngực cho mình là "vĩ nhân" và cũng tự cho phép đưa ngòi bút của mình đi theo xu hướng thương mại hóa.

Bẵng đi một thời gian, không thấy Sương Minh lại chơi và cũng ít thấy có bài vở của cậu ấy đăng trên báo chí. Tôi tưởng anh chàng đã quá "mỏi giò" trong các chuyến đi "dã ngoại" để tĩnh tâm "thai nghén" tác phẩm. Và, tôi cũng có ý chờ xem cậu ta viết những gì. Một hôm, tôi đang ngồi viết báo cáo cho sếp thì Sương Minh xồng xộc đẩy cửa bước vào. Nét mặt cậu ta vẫn còn hằm hằm như tức giận ai đó. Tôi chưa kịp đứng dậy đón khách, anh ta đã nói:

- Tức thật, mình vừa bị một con oắt con mặt búng ra sữa "lên lớp" cho mấy bài!

Tôi không ngạc nhiên lắm:

- Đứa nào mà ghê thế, dám "chọc" cả vĩ nhân cơ à?

- Vĩ, vĩ cái con khỉ. Nó đến cơ quan tớ xin việc làm. Tớ hỏi nó học nghề gì? Nó bảo học văn. Vậy là tớ rút luôn mấy truyện ngắn đợt trước đưa cho nó đọc. Nó đọc liền một lúc và cậu biết nó nói cái gì không?

- Nói gì?

- Nó bảo câu chữ thì hay nhưng cốt truyện lại dở ẹc. Chả có gì mới. Tớ mới lộn ruột lên, hỏi nó: Thế theo cô, cốt truyện thế nào là hay? Nó nói thẳng: Muốn hay phải nhìn vào thực tế, phải thấy được cái tốt và cả mặt chưa tốt của sự việc để nói và viết cho đúng. Phải làm sao cho người đọc soi mình vào tác phẩm để suy ngẫm và để hoàn thiện mình hơn. Và phải làm sao cho khi đọc xong tác phẩm, người ta còn lưu luyến, còn muốn giữ những cảm xúc hay, những ấn tượng đẹp mà câu chuyện để lại. Đằng này, cái ông hay bà Sương Minh nào đó chỉ giỏi tán dương sặc mùi thị trường mà chẳng đưa ra được cái tứ nào cho ra hồn cả...

Tôi vội chen ngang lời hắn:

- Này, nó nói cũng có lý đấy chứ. Mấy lần trước tớ đã định bảo cậu, nhưng thấy cậu đang "say" tớ lại thôi. Tớ nghĩ hôm nào rảnh rỗi sẽ sang thăm và đàm đạo với cậu về chuyện này. Thật may, hôm nay cậu đã đến.

Sương Minh nhổ toẹt bãi nước bọt xuống nền nhà:

- Cậu thì biết cái cóc khô gì mà đàm với chả đạo. Tớ đang điên lên đây. Con bé ấy dám ngang nhiên xóc nách tớ trước mặt mấy đứa nhân viên trong phòng làm chúng nó cứ trố mắt ra nhìn mới nhục chứ!

- Thế nó không biết cậu là ai à?

- Cậu dở bỏ mẹ, chả nhẽ lúc ấy lại nhận mình là tác giả?

- Lạ nhỉ! Khắp cái huyện này ai mà không biết cậu?

- Khổ lắm, nó là người ở nơi khác đến. Sinh viên mới ra trường. Nếu biết tớ là tác giả lại chính là nơi nó đang cần việc làm, có cho kẹo cũng không dám...

- Và cậu chịu thua nó?

- Thua là thua thế nào? Tớ bảo mời cô về, khi nào cô viết được những tác phẩm vừa hay, vừa tốt thì đem đến đây, tôi nhận. Nó ngớ người ra nhìn tớ. Nét mặt hơi tái đi. Một phút sau, nó trấn tĩnh lại và bảo: Cháu hiểu rồi, Sương Minh chính là chú. Hôm nay cháu đã gặp "vĩ nhân" mà không biết. Nhưng, cháu cũng rất cảm ơn chú vì đã nghe cháu nói. Nói xong, nó đeo ba lô bước thẳng!
Tôi kéo ghế lại gần an ủi bạn:

- Sương Minh ạ, các cụ vẫn dạy "nói thật mất lòng" nhưng tớ cũng phải công nhận rằng cái con bé ấy nó đã nói đúng. Xưa nay, cậu chỉ quen nghe những lời khen ngợi nên khi gặp những lời nói thẳng, nói thật cậu thấy khó chịu, tưởng như người ta hạ nhục mình. Thực tế không phải vậy. Cậu bình tĩnh lại mà xét xem, thời gian vừa rồi cậu chẳng đã viết những câu chuyện đáng bị phê phán lắm sao. Chẳng hạn như truyện bà cụ nhà lão S. ấy. Tớ nghĩ, cậu có tài, đừng nản. Hãy coi đây như một sự thử thách để vượt lên chính mình, lấy lại phong độ như hồi đầu ấy...
Sương Minh thở dài:

- Vượt ư? à, mà lão cho tôi cốc nước. Suốt từ chiều tới giờ chả có giọt nước nào, khát khô cả cổ rồi đây này!

Tôi mang đến cho Minh ly nước lạnh. Anh chàng ngửa cổ tu một hơi hết sạch.

Truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩ nhân