Hiện nay có một loại bệnh phát sinh gây hại cây sắn dây ở các địa phương. Chúng tôi gọi là bệnh vi khuẩn.
Bệnh phát sinh ở giai đoạn khi sắn đã bò kín giàn
Triệu chứng:Cuống và các đường gân của lá hóa màu bạch tạng, hai mặt lá kém tươi. Về sau, cuống lá và phần ngọn liền dưới lá đó héo tái dần, các đường gân chuyển màu rám nâu. Riêng hai phần mặt lá còn xuất hiện nhiều chấm màu nâu không đều nhau. Cuối cùng, lá rụng trơ cuống. Đem cắt ngang phần ngọn hoặc cuống lá đó và bóp nhẹ thấy có dịch hơi nhầy tiết ra. Những lá đã chớm bị rất nhanh héo và nhanh chuyển màu bệnh.
Đặc điểm phát sinh và gây hại:Các vườn trồng ụ đại trà để leo giàn hoặc riêng lẻ cho leo tường hay cây trong vườn đều có thể bị bệnh phát sinh phá hại. Phần ngọn bị trước rồi lan xuống phía gốc. Bệnh phát sinh ở giai đoạn khi sắn đã bò dày kín giàn hoặc leo cao hay dài khắp tường và lây lan với tốc độ nhanh. Những người trồng sắn dây lâu năm đều lấy làm lạ và rất hoang mang.
Nguyên nhân:Do thời tiết nắng nóng, nhiệt cao, lượng mưa thất thường đã làm giảm khả năng chống chịu của cây nên loại vi khuẩn này có điều kiện xâm nhập và phá hại. Có thể xâm nhập qua đường rễ, các tế bào hay vết thương ở thân, ngọn, cuống lá; hoặc do các loại côn trùng là môi giới truyền dịch.
Biện pháp khắc phục:Bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh hại kịp thời. Khi có 1% số ngọn mắc triệu chứng này thì tạm dừng bón thúc, phun luân phiên theo chu kỳ 2 ngày/lần bằng 2 loại thuốc Ychatot900sp và Stepguard50sp với chất bám dính HPC. Cụ thể, 1 gói Ychatot loại 3gr hoặc Stepguard loại 15gr với 1 gói bám dính HPC loại 20ml hòa tan trong bình 12-16 lít nước và phun đẫm đều cho 100-120 m2 giàn hoặc tán lá. Đồng thời, dùng chế phẩm phân bón Canplus Trichchoderma hòa tưới 1 lần trên nóc ụ, pha 500-1.000gr với 200 lít nước và tưới đều cho 15-20 ụ. Chú ý, phun thuốc hay hòa phân tưới đều phải thực hiện vào chiều mát không mưa.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN