Vì đất mất tình thân

16/11/2015 09:46

Khi giá đất tăng cao, nhiều người sẵn sàng kiện tụng anh chị em ruột, thậm chí cả bố mẹ đẻ ra tòa vì tranh chấp đất đai.




Cuối cùng, dù tòa án phán quyết mảnh đất thuộc về ai thì tình thân cũng bị chia cắt.

Đưa con ra tòa

 "Chị em tôi nghĩ mà thấy thương mẹ già vô cùng. Vì mảnh đất nhỏ mà gia đình ra nông nỗi này".

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Nguyễn Thị Đ. (85 tuổi ở xã An Bình, Nam Sách) không may mắn được hưởng niềm vui tuổi già. Cụ có nhà, có đất nhưng như người "vô gia cư", đang sống khỏe mạnh lại bị khai đã chết. Đau đớn hơn, người làm cụ ra nông nỗi này, không ai khác chính là đứa con cụ dứt ruột sinh ra.

Do đông con nên gia đình cụ Đ. được HTX cấp cho hơn 500 m2 đất. Mảnh đất của cha ông để lại ở cùng thôn, cụ Đ. để cho người con trai thứ. Sau khi chồng mất, cụ Đ. ra ở cùng con trai cả là Trần Quang Th. trong căn nhà tranh 4 gian trước đây vợ chồng đã dựng tại khu đất được HTX cấp thêm. Vài năm sau, vợ chồng ông Th. xây nhà riêng. Cụ Đ. đồng ý tách cho vợ chồng ông Th. phần diện tích đất đã làm nhà, phần còn lại rộng hơn 300 m2 là của cụ. Năm 2001, cụ Đ. giao cho ông Th. làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng ông Th. đã gộp mảnh đất của cụ Đ. vào diện tích đất của mình và làm "sổ đỏ" mang tên hai bố con ông. Việc này cả cụ Đ. và 6 người con khác không ai biết. Đến năm 2009, sự việc mới bị vỡ lở.

Sau khi biết sự thật này, cụ Đ. đã nhiều lần khuyên bảo con trai trả lại đất cho cụ nhưng vợ chồng ông Th. không những không nghe mà còn nói hỗn. Cụ Đ. đành phải chuyển về nhà con thứ ở. Sự việc của gia đình cụ Đ. khắp làng xóm đều biết, dòng họ cũng đã họp bàn để tìm cách hòa giải nhưng gia đình ông Th. không hợp tác. Cực chẳng đã, cụ Đ. phải làm đơn khiếu nại tới UBND huyện Nam Sách về việc cấp "sổ đỏ" trước đây. Năm 2011, UBND huyện Nam Sách đã xác minh và kết luận việc UBND xã An Bình làm thủ tục đề nghị cấp "số đỏ" cho bố con ông Th. trong đó có cả diện tích của cụ Đ. là sai và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Sau đó, chính quyền xã làm thủ tục đề nghị cấp lại "sổ đỏ" cho cụ Đ., ông Th. không đồng ý và không cho cụ Đ. được sử dụng mảnh đất trên. Đau đớn trước sự bất hiếu của con trai, cụ Đ. đã phải làm đơn khởi kiện ra tòa, đề nghị tòa án buộc vợ chồng ông Th. phải trả lại đất cho mình. Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Nam Sách đã buộc vợ chồng ông Th. phải trả lại tài sản cho cụ Đ. Tuy nhiên, ông Th. vẫn không chịu trả lại đất cho mẹ. Thương mẹ, những người con khác của cụ Đ. đến khuyên anh chị trả lại đất cho mẹ nhưng đều bị đuổi về.

Cụ Nguyễn Văn Nh. (91 tuổi ở phường Tứ Minh, TP Hải Dương) lại đang ở trong tình cảnh có nhà cũng như không. Vợ chồng cụ Nh. có 2 mảnh đất với tổng diện tích 2.844 m2. Khi cụ bà còn sống, hai cụ đã làm thủ tục bán cho cô con gái út 1.194 m2. Hai cụ sống cùng cô con gái thứ 3 là bà Nguyễn Thị L. trong căn nhà cấp 4 trên phần đất còn lại rộng 1.650 m2, trong đó có 247 m2 đất ở. Năm 2002, bà L. tự ý làm thủ tục đất đứng tên mình mà không được sự nhất trí của vợ chồng cụ Nh. Năm 2005, cụ bà mất, không để lại di chúc. Năm 2012, cụ Nh. đồng ý để bà L. bán một phần đất, lấy tiền xây nhà 2 tầng trên diện tích đất ở của hai cụ. Nhưng trớ trêu thay, nhà xây xong bà L. lại đuổi cụ Nh. ra khỏi nhà. Cụ Nh. phải đến ở nhà người con gái khác.

Trước sự việc trên, những người con khác của cụ Nh. đã nhiều lần khuyên giải bà L. trả lại nhà, đất cho bố và đón bố về ở cùng nhưng bà L. không chấp nhận. Cán bộ, lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể phường đã nhiều lần tổ chức hòa giải cho bố con cụ Nh. nhưng cũng không thành. Bà L. còn có những lời lẽ xúc phạm đến cả bố và các chị em gái cũng như cán bộ, lãnh đạo phường. Đau lòng vì con, nhưng cụ Nh. bắt buộc phải làm đơn khởi kiện ra tòa, đề nghị tòa án yêu cầu bà L. trả lại cho cụ 1/2 diện tích nhà đất trong tổng diện tích 167 m2 đất và ngôi nhà 2 tầng trên đất. Tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TP Hải Dương và TAND tỉnh đều ra phán quyết cho cụ Nh. được sử dụng 72,8 m2, trong đó có 48,3 m2 đất ở và 24,5 m2 đất trồng cây lâu năm, trên có ngôi nhà 2 tầng, một phần lán tạm mái tôn; bà L. quản lý, sử dụng 69,7 m2 đất, gồm 48 m2 đất trồng cây lâu năm, 21,7 m2 đất ở là di sản thừa kế. Tuy nhiên, bà L. không chấp hành các phán quyết của tòa án, buộc Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương phải cưỡng chế.

Nỗi đau còn lại

Từ ngày xảy ra chuyện tranh chấp đất cát, các anh em trong nhà ông Th. không qua lại nhà nhau. Vào ngày giỗ bố, các thành viên trong gia đình ông Th. cũng không ai có mặt. Bà V., con gái cụ Đ. xót xa: "Chị em tôi nghĩ mà thấy thương mẹ già vô cùng. Vì mảnh đất nhỏ mà gia đình ra nông nỗi này".
Nỗi đau không dừng lại ở đó. Cụ Đ. thấy cực thân và chua chát hơn nữa khi biết mình bị khai tử từ năm 2008. Ông Tr., con trai cụ kể lại: "Mẹ vẫn chung sổ hộ khẩu với gia đình tôi. Có đôi lần, con trai anh Th. vào mượn sổ đỏ và sổ hộ khẩu về nói là vay vốn làm ăn. Gia đình tôi cũng cho mượn và không để ý gì. Sau đó một thời gian, chúng tôi mới phát hiện trong sổ hộ khẩu của gia đình tôi ghi mẹ đã chết từ năm 2008".

Khi gia đình ra UBND xã để hỏi thì được cán bộ xã cho biết, "phải có người nhà khai mới ghi thế này". Tuy nhiên, sau khi gia đình có ý kiến thì chữ "chết" trong sổ bị ghi đè lên thành chữ "chuyển". Dù cán bộ xã không nói rõ ai đến khai tử cho cụ Đ. nhưng người trong nhà ai cũng rõ.

Các con của cụ Nh. giờ cũng không qua lại với bà L. Theo ông Trần Tiến Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Minh, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn phường đã có 3 trường hợp con cái tranh chấp đất đai với bố mẹ; nhiều trường hợp anh chị em kiện nhau ra tòa vì đất. "Dù tòa án phán quyết như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng tình thân của những gia đình đó cũng không còn", ông Quân cho biết.

DUYÊN LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì đất mất tình thân