Theo thống kê, mỗi năm nước ta đốt tới 40 ngàn tấn vàng mã, trị giá 400 tỷ đồng. Theo các nhà tu hành đạo Phật thì không nên đốt vàng mã, vì không đúngvới giáo lý mà còn gây tốn kém, lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Tục đốt vàng mã có từ lâu đời. Hiện tượng này diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất vào dịp lễ vu lan báo hiếu - xá tội vong nhân rằm tháng bảy hằng năm. Tuy nhiên, theo các nhà tu hành đạo Phật thì không nên đốt vàng mã, vì không đúng với giáo lý mà còn gây tốn kém, lãng phí và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đăng trên báo Thời nay thì mỗi năm nước ta đốt tới 40 ngàn tấn vàng mã, trị giá 400 tỷ đồng. Nhiều năm nay, một số chùa ở phía Nam đã vận động các tín đồ Phật tử và nhân dân đến lễ chùa không đốt vàng mã. Tại chùa Liên Hoa (TP Hồ Chí Minh) chỉ vận động một tuần không đốt vàng mã, dành tiền đó giúp đỡ người nghèo đã thu được 22 triệu đồng. Cũng ở chùa này, sau 12 năm thực hiện phong trào đã tiết kiệm được hơn 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo dành giúp cho người nghèo xây nhà, chữa bệnh...
Tuy vậy, việc đốt vàng mã ở nhiều nơi hiện nay còn khá phô trương lãng phí, do đời sống của nhân dân ta đã được nâng lên và quan niệm không đúng: "trần sao, âm vậy". Từ đó, sản xuất và mua bán nhiều sản phẩm vàng mã từ thô sơ đến hiện đại, tốn phí nhiều nguyên liệu và tiền bạc, cho đó là sự "báo hiếu" với người đã khuất. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người có quan niệm đúng về việc đốt vàng mã, các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài cụ thể nhằm hạn chế việc sản xuất vàng mã. Có như vậy mới từng bước hạn chế, tiến tới không đốt vàng mã như một số chùa ở phía Nam đã thực hiện, vừa tiết kiệm được tiền bạc, nguyên liệu vừa không ảnh hưởng đến môi trường.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)