Để việc thu gom, xử lý rác thải hiệu quả, tỉnh ta phải đầu tư xây dựng thêm nhà máy chế biến rác với công nghệ tiên tiến. Ngoài ra vẫn phải có bãi chôn lấp rác để xử lý tình huống khi nhà máy gặp sự cố kỹ thuật...
Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) ở TP Hải Dương luôn là vấn đề phức tạp, tốn kém và được mọi người quan tâm. Theo thời gian, khối lượng RTSH trên địa bàn ngày một tăng cao.Vào các năm 2007-2008, bãi chôn lấp rác Soi Nam của thành phố (thuộc địa bàn phường Hải Tân) bị quá tải và không được chôn lấp rác đúng quy trình dẫn đến bốc mùi hôi thối tỏa ra xung quanh, thậm chí vào cả trung tâm thành phố, gây bức xúc trong nhân dân.Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hai giải pháp chính: Thứ nhất là phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm ô chôn lấp rác tại bãi rác Soi Nam. Đồng thời thời yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương thực hiện xử lý RTSH tại bãi rác Soi Nam theo quy trình xử lý của đề tài khoa học "Áp dụng công nghệ sinh học xử lý rác thải và nước thải tại bãi rác Soi Nam" do UBND TP Hải Dương chủ trì thực hiện. Thực tế áp dụng đã mang lại kết quả tốt. Thứ hai là yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ từ RTSH trên địa bàn xã Việt Hồng (Thanh Hà), công suất xử lý 175 tấn rác/ngày (64 nghìn tấn/năm), tổng vốn đầu tư 137 tỷ đồng. Dự kiến vào giữa năm 2011, nhà máy trên sẽ vận hành chạy thử, kịp đáp ứng cho kế hoạch đóng cửa bãi chôn lấp rác Soi Nam vào cuối năm 2011.
Tuy nhiên, nhược điểm của dây chuyền công nghệ nhà máy trên là chỉ sử dụng phần RTSH hữu cơ để chế biến thành phân bón. Trong khi thực tế RTSH có cả phần hữu cơ và vô cơ. Theo tài liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 1m3 RTSH ở TP Hải Dương (khoảng 0,5 tấn) có 50% là rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, cọng rau, vỏ quả... và 50% là rác thải vô cơ như giấy, hộp kim loại, thủy tinh, cao su, cành cây...
Nếu RTSH không được phân tách phần hữu cơ và vô cơ ngay từ các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp thì mỗi năm sẽ lãng phí rất lớn khi phải vận chuyển hàng chục nghìn m3 RTSH vô cơ từ thành phố đến nhà máy chế biến phân, sau khi được phân tách khỏi RTSH hữu cơ, sẽ phải vận chuyển lần nữa phần RTSH vô cơ đi nơi khác xử lý, chôn lấp.
Những năm qua, Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Hải Dương thực hiện thu gom rác theo các tuyến phố 1 ngày 2 lần vào chiều tối và sáng sớm, chuyển rác về các điểm tập kết trung chuyển rồi dùng xe cơ giới chở tới bãi chôn lấp rác Soi Nam. Như vậy xảy ra tình trạng trong thời gian từ buổi sáng đến chiều, nhiều hộ dân đổ RTSH ra đường phố mà không có xe thu gom, dẫn đến mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Thực hiện Đề án Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị của TP Hải Dương, từ tháng 5-2010, Công ty MTĐT thực hiện thu gom rác 4 lần/ngày (sáng sớm, buổi sáng, buổi chiều và chiều tối) đối với các đường phố: Phạm Ngũ Lão, Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Quang Trung, Thống Nhất, Bạch Đằng. Ở các đường phố trên đã cơ bản khắc phục được tình trạng RTSH tồn đọng. Nếu được tăng cường về lao động và phương tiện, Công ty MTĐT có thể thực hiện thu gom rác 4 lần/ngày trên địa bàn thành phố. Còn việc muốn thực hiện phân loại rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ ngay từ hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, theo các nhà quản lý, phải có một tiểu dự án riêng. Theo đó phải có kế hoạch đồng bộ từ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí... tạo sự đồng tình và vào cuộc từ người dân, khu dân cư, chính quyền phường, xã. Tiểu dự án này cần sớm được triển khai để kịp đáp ứng yêu cầu khi nhà máy chế biến phân từ RTSH hữu cơ vào hoạt động giữa năm 2011 tới.
Theo kế hoạch, mỗi phường, xã phải có ít nhất từ 1-2 điểm tập kết rác trung chuyển (TKRTC). Nhưng đến nay các phường Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hải Tân, Nhị Châu, Tân Bình và các khu đô thị mới phía đông, phía tây thành phố... vẫn chưa có quy hoạch điểm TKRTC. Ở các phường như Lê Thanh Nghị, Bình Hàn, Cẩm Thượng, Ngọc Châu, Thanh Bình... tuy đã có điểm TKRTC nhưng không bảo đảm về vệ sinh môi trường do chưa có hệ thống cấp thoát nước rửa, mái che và ống thoát khí... theo yêu cầu.
Lượng RTSH ngày một tăng cao. Khi hoàn thành đi vào hoạt động thì nhà máy chế biến phân hữu cơ cũng không đủ năng lực xử lý hết lượng RTSH của thành phố. Vì vậy, một mặt tỉnh ta phải tính đến việc đầu tư xây dựng thêm nhà máy chế biến RTSH với công nghệ tiên tiến hơn để xử lý RTSH cho TP Hải Dương và cả các đô thị khác trên địa bàn. Mặt khác, vẫn phải có quy hoạch đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác để xử lý tình huống khi nhà máy chế biến phân hữu cơ từ RTSH không đáp ứng được về công suất, khi bị sự cố kỹ thuật, mất điện...
XUÂN SƠN