Trước niềm ao ước của ngoại, mẹ tôi như sững lại. Còn tôi, tôi tự nhủ, nhất định mình sẽ về thăm bà ngoại thường xuyên để mang niềm vui đến cho bà.
Nghỉ hè, tôi được mẹ cho về quê ngoại chơi. Tôi thích nhất là được theo chân bà ra ngồi trên ghế đá bên cầu ao để câu cá. Dưới bóng cây xoài mát rượi, bà ngoại lặng thinh, có lẽ bà sợ gây tiếng động thì cá sẽ không đớp mồi. Tôi cũng im lặng chăm chú quan sát, cái phao của cần câu vẫn chưa động đậy.
Bỗng “tủm” một cái, bà giật mình. Cá quẫy. Cá đớp rễ cây lục bình phía cuối ao đang lềnh bềnh trôi. Lục bình đầu mùa nở hoa tím biếc, bông to như tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Mấy anh chuồn chuồn ớt xòe cánh bay, chở nắng về cho đám lục bình nhởn nhơ rong chơi. Chị bướm trắng tung tăng bay lượn khoe chiếc áo trắng mới với mấy gã bọ gậy. Lão bói cá già nua đứng trên cành củi chổng trơ giữa ao canh chừng mấy chú cá xao nhãng. “Trủm” - nhanh như cắt, lão lao xuống ao như tên bay, quắp một con cá xí cờ và nuốt gọn vào trong cái bụng đang cồn cào đói.
Cái phao bất ngờ động đậy. Tôi vui quá reo lên:
- Bà ơi! Cá đớp mồi rồi kìa! - tôi giật chiếc cần câu, con cá bằng bàn tay được lôi lên theo.
- Cá rô phi, cháu ạ! Bà cháu mình được bữa canh bún ngon đây! - bà chép miệng.
Hai bà cháu còn kiên trì ngồi câu rất lâu nữa nhưng không thêm được con cá nào. Bà bảo tôi không “sát cá”. Cứ vậy, tôi ngồi cạnh bà thật lâu, mắt nhìn xa xăm nghe bà kể chuyện, tôi dần bước chân vào thế giới ngày xưa của bà.
Bà ngoại tôi là con thứ ba trong gia đình nông dân có tới chín anh em. Nhà nghèo, bà lại là con gái lớn nên vất vả lắm. Bà kể:
- Mới 12 tuổi mà bà đã có năm đứa em lít nhít. Bà phải chăm em, bế em vẹo hết cả xương sườn. Vào những buổi tối mùa hè, bà đi cất vó tôm quanh khu đầm sen ven đê cùng với đứa em gái kém bà một tuổi. Tôm nhiều vô kể, mỗi tối phải được cả mẹt tôm to. Có khi hai chị em bà chờ mẻ cất vó tôm sau mà ngủ quên ngay bờ đê đến sáng.
Bà làm đồng giỏi lắm. Bà cấy lúa nhanh nhất làng. Trong HTX, bà luôn được bình bầu là tay lúa đảm đang. Thỉnh thoảng đoàn văn công về sân kho thôn biểu diễn, bà lại cùng đám bạn thân đi xem. Cuộc sống cứ thế trôi qua, bà lớn lên như củ khoai, củ sắn của ruộng đồng. Càng lớn bà càng đẹp. Một vẻ đẹp thôn quê mặn mà, phúc hậu. Mái tóc xoăn tự nhiên ôm lấy khuôn mặt bầu bầu với làn da trắng hồng và hàm răng đều tươi tắn.
- Chưa đầy hai mươi tuổi - lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, bà phải đi lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, để lại sau lưng bao tiếc nuối của trai làng. Ông ngoại cháu là con trai độc của một gia đình trung lưu. Ông không khỏe mạnh, không đẹp trai như bao trai làng khác nhưng được cái học giỏi và tốt bụng... - nói đến ông ngoại, tự dưng giọng bà chùng xuống, mắt rơm rớm. Tôi hỏi:
- Bà ơi, bà đang nhớ ông phải không? - tay tôi cầm chiếc cần câu cắm vào bờ ao và ngồi sát lại bà, thủ thỉ.
- Ừ! Bà nhớ ông lắm, cháu ạ ! - đôi mắt bà nhìn xa vô định. Đôi mắt đầy vết chân chim nhòe đi và dẫn tôi vào vùng ký ức của bà.
- Bà kể tiếp đi, cháu muốn nghe chuyện ngày xưa của bà... - tôi nũng nịu.
Bà ôm lấy đôi vai tròn lẳn của tôi và nhìn tôi ngấn lệ:
- Trong ngôi nhà năm gian bằng gỗ lim của gia đình ông ngoại, có tới bốn thế hệ cùng sinh sống. Bà chịu bao nhiêu áp lực, thiệt thòi, nhất là khi ông bà muộn con nên bị mọi người hắt hủi. May sao ông trời thương bà, bảy năm sau bà sinh liền mẹ cháu và cậu Tài. Đó chính là ánh sáng chiếu xuống đời bà, là nguồn động lực để bà gắng gượng sống tiếp khi ông ngoại cháu bệnh nặng mất sớm.
Kể đến đây, bà ngồi lặng thinh. Tôi biết bà đang buồn nên không dám hỏi gì nữa. Vậy mà từ trước đến nay tôi vô tâm, cứ thản nhiên nhận sự chăm chút, yêu thương của bà, không hề biết rằng bà đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn. Mẹ tôi ở trong nhà nói vọng ra:
- Hai bà cháu nghỉ câu thôi! Nắng to rồi!
Quả nhiên, ông mặt trời đã lên cao. Bà giục tôi cất cần câu đi để cùng bà vào bếp nấu cơm. Nắng xiên nghiêng vào gốc cây xoài bên sân giếng. Bà lúi húi vo gạo. Mẹ mổ cá, còn tôi nhặt rau. Bà bảo:
- Niềm vui bình dị của bà là chỉ cần con cháu về ăn với bà một bữa cơm thường thôi!
Trước niềm ao ước của ngoại, mẹ tôi như sững lại. Còn tôi, tôi tự nhủ, nhất định mình sẽ về thăm bà ngoại thường xuyên để mang niềm vui đến cho bà.
NGUYỄN DUY TUẤN KIỆT (Lớp 5A, Trường Tiểu học Chu Văn An, TP Chí Linh)