Để làm rõ hơn Nghị định 34 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, PV Báo Hải Dương đã cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Ngọc Lan.
Ngày 2-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP. Nghị định 34 có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2010. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn Đại tá Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Công an tỉnh về quy định mới này.
PV- Đề nghị đồng chí cho biết những điểm đáng chú ý trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP?Đại tá Cao Ngọc Lan - Nghị định số 34/2010/NĐ-CP tăng mạnh mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm so với quy định cũ, nhằm nâng cao tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó: Người điều khiển ô-tô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng, (trước đó phạt từ 200 đến 400 nghìn đồng). Người điều khiển ô-tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, bấm còi, rú ga liên tục... bị phạt tới 500 nghìn đồng (tăng 2,5 lần so với mức phạt cũ). Người điều khiển mô-tô sẽ bị xử phạt đến 200 nghìn đồng nếu chở thêm 2 người (trừ trường hợp chở bệnh nhân đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật), tăng gấp đôi so với trước. Đối với hành vi chiếm dụng đường bộ (họp chợ, mua, bán hàng trên đường) sẽ bị phạt tăng gấp 10 lần, từ 50 nghìn đồng tăng lên 500 nghìn đồng.
Nghị định cũng quy định rõ: Những cá nhân có thẩm quyền xử phạt sẽ được tăng thẩm quyền xử phạt bằng tiền. Ví dụ: Chiến sĩ công an trước đây được xử phạt 100 nghìn đồng, nay tăng lên 200 nghìn đồng; Chủ tịch UBND cấp xã tăng từ 500 nghìn đồng lên 2 triệu đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông- Vận tải... tăng từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng.
Nghị định quy định giảm thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe còn tối đa 60 ngày (trước đó là 90 ngày); chỉ tạm giữ phương tiện tối đa 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (quy định cũ cho phép tạm giữ đến 90 ngày).
PV- Những hành vi nào trước đây chưa bị xử phạt, nay theo quy định mới sẽ bị phạt?Đại tá Cao Ngọc Lan - Người ngồi trên mô-tô, xe gắn máy có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng quy cách cũng bị phạt từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng. Hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
PV- Công an tỉnh đã chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định này như thế nào, thưa đồng chí?Đại tá Cao Ngọc Lan - Đây là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông. Do đó, Công an tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; 100% số lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được tập huấn. Đồng thời, xác định mức xử phạt sẽ tăng mạnh so với quy định cũ, khi áp dụng có thể xảy ra phản ứng của người vi phạm nên Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông. Trong đó, chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, chỉ đạo các bộ phận liên quan tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, góp phần kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông trên địa bàn.
PV- Xin cảm ơn đồng chí!CẨM GIANG(thực hiện)