Chuyến đi sau ngày đất nước thống nhất đến đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ra mũi Cà Mau đã cho tôi những cảm nhận về sự mênh mông, vĩ đại...
Tượng đài hình con tàu tại mũi Cà Mau khiến mọi người nhớ tới câu thơ: "Tổ quốc tôi như một
con tàu/Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau". Ảnh: Minh Đức
Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Thanh ở thành phố Cà Mau vừa gửi quà cho tôi là chai mật ong hoa rừng U Minh, kèm với dòng tin nhắn: ..."Ông làm một chuyến vào trong này đi, bọn ta lại về thăm Đất Mũi. Về dưới nớ bây giờ đi đường bộ, đêm có khách sạn nghỉ rồi. Vui lắm..." Tôi bất giác bật cười vì sự rủ rê của ông bạn không thật ăn ý với sở thích của anh làm văn nghệ. Ngủ khách sạn đỡ phiền nhà dân có thể là một lựa chọn. Còn phương tiện đi thì nếu nhờ vả được, tôi vẫn thích được đi bằng xuồng cao tốc...
Dịp này rừng U Minh đã vào mùa hoa tràm. Mật ong vừa rót ra tỏa hương ngan ngát, không thật rõ nét mùi vị như mật ong hoa nhãn hay hoa vải nhưng hơn hẳn ở độ đặc, sánh. Vì mật tràm không phải của ong nhà, ong nuôi mà chính cống mật ong rừng. Ở đây người ta khai thác mật ong bằng cách gác kèo là những đoạn gỗ lõi cây tràm nối từ cây nọ sang cây kia. Có thể dính vào đó một ít sáp tổ ong để mồi cho ong đến làm tổ. Rồi cứ chờ đến độ ong hoàn thành vít nắp tổ mà vắt lấy mật. Tổ ong rừng rất bự, có tổ vắt được hàng chục ký mật. Sau đó lại chờ ít lâu để ong làm tổ mới, lấy mật tiếp, có thể năm này qua năm khác. Tinh túy của thiên nhiên hoa lá mỗi vùng đất nước đọng trong mỗi giọt mật ong...
Đất nước ta trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Là người Việt Nam ai mà chẳng khát khao mơ ước một lần trong đời được đặt chân đến nơi địa đầu và nơi cuối chót của Tổ quốc. Quốc lộ 1A, con đường xuyên Việt, con đường thiên lý có chiều dài 2.301 km +340 m, băng qua địa phận 32 tỉnh, thành phố. Cột mốc phân định biên giới hai nước Việt - Trung, cây số 0 - ở cửa khẩu Hữu Nghị là giới hạn kịch trần, vĩnh viễn! Nhưng con số ghi ở cột mốc cây số cuối cùng ở Mũi Cà Mau (gần đây đã được xây đài biểu tượng con thuyền mang dáng hình Tổ quốc) thì con số cộng (+) thêm 340 m chỉ là tạm tính của cơ quan thiết lập bản đồ, xác định cách nay mấy chục năm. Giờ có thể đã là con số 500 - 600 m rồi. Vì mỗi năm phù sa bồi đắp lấn thêm ra biển khoảng 20 m nữa. Mũi Cà Mau trên bản đồ mang hình dáng mũi con tàu tiến ra biển. Có một nhà văn (tôi nhớ là cụ Nguyễn Tuân) còn ví như ngón chân cái của bàn chân khổng lồ vạn dặm của người Việt. Nhớ câu thơ của Xuân Diệu:
...Phù sa vạn dặm đến đây tuôn...
Đứng lại. Và con người bước tới...
Chuyến đi sau ngày đất nước thống nhất đến đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ra mũi Cà Mau đã cho tôi những cảm nhận về sự mênh mông, vĩ đại từ cuộc kiến tạo bền bỉ bồi đắp phù sa của những dòng sông...
Hôm ấy chúng tôi được thử cảm giác mạnh bằng xuồng cao tốc. Trời bỗng đổ mưa và nổi gió lớn. Ở đây thường xuyên là vậy. Chiếc xuồng mỏng nhẹ, không mui (dùng cho cảnh sát giao thông) lướt chồm chồm trên sóng. Mưa táp vào mặt. Con xuồng cứ phầm phập lao trên một khúc sông rộng, lại rẽ vào một con kênh, hẹp hơn, rẽ sang một con kênh lớn hơn, rồi một vùng sông rất rộng tôi cứ ngỡ là đã tới biển. Người lái chỉ men bên bãi bồi... Sau này mới được biết lịch trình bắt đầu từ sông Gành Hào, qua sông Bảy Háp, qua kênh Tắt Nam rồi đến sông Cửa Lớn, rẽ vào sông Ông Trang, chặng cuối là sông Rạch Tàu xuôi ra biển, cũng là đến xóm Đất Mũi... Sông rạch ở đây không có đắp đập ngăn bờ, được giới hạn bởi hai bên bãi bồi. Nước triều xuống nhìn chỗ nào cũng ngồn ngộn phù sa, rừng đước, rừng tràm, sú vẹt hoang vu... Thỉnh thoảng mới bắt gặp cụm đăng chắn cá, hay những cây cọc trên ngọn buộc nilon báo chỗ có thả lưới... Mấy lần tôi phát hoảng khi con xuồng đang lao ràn rạt bỗng khựng lại, xoay ngang, như muốn lật. Đó là lúc xuồng mắc cạn, người lái phải tắt máy nhảy xuống gỡ rong bèo, cây dại quấn lấy chân vịt, hoặc cài số lùi tăng tốc khua mạnh cho bùn đất tản ra để giải thoát. Trên sông Rạch Tàu càng gần Đất Mũi thì thuyền, xuồng xuôi ngược, nhà cửa (lều lán) mau hơn. Ngày ấy UBND xã Đất Mũi chỉ là vài ngôi nhà xây cấp bốn, xây tường, mái tôn. Nhà dân hầu hết là lều lán dựng nửa trong bờ, nửa ngoài sông. Nhà nào phía trước cũng có sạp ghép bằng gỗ hay cành cây, bên trên là lu đựng nước, chỗ phơi cá, phơi quần áo. Nước triều cạn phơi ra những hàng cọc to nhỏ chi chít dài suốt một mé sông. Dân Xóm Mũi (xã Đất Mũi) chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Thuyền to thì ra khơi xa, nhỏ thì len lỏi trong rừng đước, rừng tràm. Cũng có nhà phát hoang gieo lúa, trỉa bắp, đốt than tràm...
Mũi Cà Mau được phù sa bồi đắp tiếp tục từng ngày lấn ra biển
Mặt trời đã ngả sang chiều, chúng tôi cột xuồng lên bộ. Lẫn trong tiếng xuồng máy, tiếng nói cười là tiếng gió rừng tràm, rừng phi lao, tiếng sóng biển mỗi lúc một rõ dần. Không còn lạ gì tiếng gió và tiếng sóng biển nhưng lúc ấy tôi bỗng thấy ngỡ ngàng, hồi hộp khó tả. Thế là mình đã được đến tận nơi, đang bước chân trên đất mũi Cà Mau, nơi chốn vừa thân thuộc vì đã đọc, đã nghe nói nhiều, vừa mông lung xa ngái vời vợi. Nơi thường đến trong mơ ước, tưởng tượng, khao khát từ giờ học địa lý đầu tiên của tuổi học trò. Đất ở đây không như đất phù sa Sông Hồng, mà nâu đen nhạt, màu của phù sa biển trộn với mùn rữa từ những loài thực vật của rừng ngập mặn. Cà Mau có vùng rừng U Minh Thượng và rừng U Minh Hạ, nay được ghi vào vùng dự trữ sinh quyển của thế giới. Mùa khô người ta có thể vào rừng U Minh bới ra lớp đất mỏng là lấy được than, than gỗ, làm chất đốt. Chẳng may lớp than này bén lửa có thể tạo thành đám cháy ngầm âm ỉ lan rộng trong lòng đất, gây cháy rừng rất khó dập tắt. Mũi Cà Mau do phù sa từ những nguồn sông đổ ra biển được dồn thành cồn bãi rộng lớn với thảm thực vật của thời nguyên sơ. Nhưng để có thể giữ đất và tạo sự ổn định cho dân cư, một dải phi lao chắn sóng cao và dày, có lẽ đã được trồng từ nhiều năm trước. Ngư dân đậu thuyền lập nghiệp ban đầu là xóm Rạch Tàu, rồi sau là xóm Đất Mũi. Chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà cuối xóm mái lợp tôn vách ghép lá dừa nước, dựng trên sàn ghép gỗ được đỡ bằng những cây cọc cắm xuống khoảng nước lõm vào như một đoạn con kênh. Khoảng nước cho con thuyền đánh cá vào ra sông Rạch Tàu. Thế đấy, quá trình khai thiên lập địa của vùng đất lấn biển bắt đầu là từ muôn vàn hạt phù sa hành trình theo các dòng sông ra biển. Rồi được sóng biển và ở đây, còn nhờ các dòng hải lưu dồn đến lắng tụ, dần dà tạo chỗ đứng cho "đội quân" giữ đất: Ban đầu là cây mắm lưa thưa ngụp lặn trong sóng biển, quấn giữa thêm phù sa quanh mình. Sau đó thế chỗ của mắm là sú, vẹt, nhất đước với bộ rễ rất dài và chắc, "trổ xuống nghìn tay ôm đất nước" như nhà thơ Xuân Diệu mô tả. Và đất vẫn được tiếp tục bồi dày thêm. Kẻ chiếm giữ đất cuối cùng là cây tràm, loài thân gỗ, chắc, khỏe, tạo thành rừng mênh mông khắp châu thổ. Khi con người bước đến, thường bắt đầu là trồng phi lao đứng trên bờ sóng...
Ông chủ nhà, mình trần, vừa mới đi biển về xách từ dưới thuyền lên một con cá trông như một con cá mè lớn, nhưng đầu to, mình dày, không vảy. Ông bảo là cá nhám, và gọi bà vợ luộc con cá với lá sả và gừng. Chúng tôi vui vẻ ngồi ngoài nắng gỡ cá uống rượu đế và hỏi chuyện ông về nghề đi biển ở mũi Cà Mau. Mặt trời đã ngả ngang chiều, nắng nhạt dần. Ngồi đây ngắm biển nhìn rõ đảo Hòn Khoai, phía trong là viền sóng trắng vòng theo suốt dải rừng ven biển, xanh ngát và bằng phẳng. Đảo Hòn Khoai có nước ngọt. Suốt mấy chục năm đánh Mỹ, trên đảo có bốt địch cùng tàu, thuyền tuần tiễu nhưng người dân yêu nước trên đảo vẫn lấy được nước ngọt tiếp tế, nhất là tìm cách dẫn đường cho tàu thuyền vận chuyển vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vượt biển vào tận rừng Cà Mau chi viện cho chiến trường...
Mải trò chuyện, chợt thấy nước triều đã dâng nổi con thuyền trước nhà và tiếng sóng dội mạnh ngoài rặng phi lao. Chúng tôi vội vàng rẽ cây dại tắt lối ra tận chỗ là mỏm đất giáp biển ngoài cùng Đất Mũi. Tôi leo lên cây phi lao, bám chắc vào thân cây đang đung đưa nghiêng ngả, nghển cổ nhìn vượt trên những ngọn cây phía trước để tầm mắt có thể bao quát được cả vùng biển phía tây nam, trên bản đồ ghi là vịnh Thái Lan. Biển không thấy bị chắn bởi hòn đảo hay dải núi nào nên nhìn rõ độ cong của đường chân trời. Tất cả rào rạt, mênh mông, tràn ngập là nước màu đục nối tiếp vô tận những con sóng bạc đầu. Thấp thoáng ẩn hiện trên sóng mấy con thuyền đánh cá, mấy cánh buồm trông nhỏ nhoi, heo hút, chơi vơi đến tội nghiệp! Ở ngoài Bắc vào mùa lũ phù sa từ cửa sông Hồng, sông Thái Bình, sông Văn Úc đổ ra vịnh Bắc Bộ, nếu đứng ở mỏm ngoài bán đảo Đồ Sơn nhìn về hướng tây có thể phân biệt ranh giới của màu xanh nước biển ở bên ngoài với dải nước đục sông đổ ra ở ven bờ. Còn
"Do bóng mây và mặt biển khi thẫm lại khi tràn lan lấp lóa ánh bạc, triều dâng với vẻ đầy dữ dằn hoang dại nhưng lại ẩn dấu ân tình đắp bồi phù sa mở mang thêm rộng dài bờ cõi của đất Việt...".
|
vùng biển trước mũi Cà Mau thì mênh mông tràn ngập đều nhuốm màu phù sa. Do bóng mây và mặt biển khi thẫm lại khi tràn lan lấp lóa ánh bạc, triều dâng với vẻ đầy dữ dằn hoang dại nhưng lại ẩn dấu ân tình đắp bồi phù sa mở mang thêm rộng dài bờ cõi của đất Việt...
Khi mặt trời xuống gần ngang mặt thì nước triều đã ngập cả gốc phi lao. Đến giờ tôi vẫn tiếp tục nuối tiếc vì không thể chờ thêm lâu chốc nữa để được ngắm cảnh mặt trời lặn xuống biển ở Đất Mũi.
Nhà văn Nguyễn Thanh cũng cho biết tỉnh Cà Mau đã hoàn thành cầu bê-tông bắc qua sông Cửa Lớn. Cây cầu cuối cùng của tuyến đường bộ về Đất Mũi để có thể theo đường bộ trải nhựa mà đi thong dong từ cửa khẩu Hữu Nghị về chót mũi Cà Mau. Nơi tôi trèo lên cây phi lao ngắm biển là ở phía đông xã Đất Mũi. Ở phía tây giờ đã có nhà nghỉ đón khách du lịch. Tôi hẹn sẽ sớm trở lại Cà Mau để chứng kiến những đổi thay, để được ngắm hoàng hôn trên biển phía tây của Tổ quốc...
Tháng 4-2015
NGUYỄN PHÚC LAI