Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa máy móc vào chế tác vàng bạc nên nghề truyền thống ở Châu Khê ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây.
Nhờ máy móc, thiết bị mà việc chế tác của người thợ Châu Khê
bớt vất vả hơn, mẫu mã phong phú hơn. Ảnh: Hoàng Biên
Giảm sức ngườiTuy nhiên, đối với nghề chế tác vàng bạc, dù có công nghệ hiện đại đến đâu thì nét tinh xảo và tài hoa của người thợ cũng không thể thiếu. Chính những đôi bàn tay khéo léo, sự tận tâm, say nghề mới làm nên thành công của các món đồ trang sức.
|
|
Chúng tôi về làng nghề vàng bạc truyền thống Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) khi năm 2015 sắp qua, năm 2016 đã cận kề. Không ồn ào, náo nhiệt như làng nghề mộc, cơ khí... đường làng, ngõ xóm ở đây cuối năm vẫn giữ vẻ yên bình, vắng lặng. Nhưng bên trong mỗi gia đình, từng nhóm thợ đang miệt mài để cho ra những sản phẩm kim hoàn đúng "vụ". Ông Hoàng Đình Dương, Chủ nhiệm HTX Mỹ nghệ kim hoàn truyền thống Châu Khê cho biết: Hiện ở làng còn trên 200 hộ làm nghề. Đó là chưa kể khoảng 100 hộ làm nghề, mở cửa hàng trên Hà Nội và một số địa phương khác. Trải qua hơn 550 năm nghề kim hoàn truyền thống ở Châu Khê không bị mai một mà ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống đủ đầy cho các thế hệ con em trong làng. Mỗi năm, doanh thu từ nghề này mang lại đạt trên 2 tỷ đồng, là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Để làng nghề có sức sống bền vững, những năm qua các hộ sản xuất ở làng Châu Khê tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm. Ngày nay, tất cả các khâu chế tác, từ nấu, cán, rút, hàn, gia công đều có sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại. Những chiếc máy hàn xăng, hoạt động bằng khò đạp chân được thay bằng máy hàn hơi. Việc cán, rút vốn tốn nhiều công sức cũng đã có đồ nghề cơ khí chuyên dụng nên nhàn nhã hơn. Nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng để nhập về những loại máy móc có công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Trong xưởng rộng vài chục mét vuông, anh Lê Hồng Hân (sinh năm 1977) cùng các em, cháu của mình, mỗi người một việc để hoàn thiện những món đồ trang sức bằng bạc sáng loáng. Học và làm nghề từ khi 12 tuổi, đến nay anh Hân vẫn gắn bó với nghiệp kim hoàn của cha ông và không có ý định thay đổi. Giống như nhiều hộ khác, ngoài việc giữ gìn, phát huy tinh hoa truyền thống, anh Hân đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy móc phụ trợ để phục vụ sản xuất. Đưa cho tôi xem sợi dây bạc dài hơn 2 m nặng chình chịch, anh Hân chia sẻ: “Làm sợi bạc này tôi chỉ được 180.000 đồng tiền công. Trước đây, từ cục bạc mà làm được thành phẩm phải mất ba ngày ròng. Giờ có máy hỗ trợ chỉ chưa đến một ngày là xong và cũng đỡ vất vả hơn nhiều”.
Không mất truyền thốngNhờ cải tiến công nghệ sản xuất mà sản phẩm mang thương hiệu làng Châu Khê ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nếu trước đây cả làng chỉ có vài ba chục mẫu sản phẩm thì nay lên đến hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau. Hiện phương tiện kỹ thuật hỗ trợ khoảng 70-80% khối lượng công việc cho người lao động. Tuy nhiên, đối với nghề chế tác vàng bạc, dù có công nghệ hiện đại đến đâu thì nét tinh xảo và tài hoa của người thợ cũng không thể thiếu. Chính những đôi bàn tay khéo léo, sự tận tâm, say nghề mới làm nên thành công của các món đồ trang sức.
Gia đình chị Phạm Thị Ngoãn là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhờ nghề truyền thống. Từ nhiều năm nay, vợ chồng chị nổi danh lành nghề với mặt hàng chủ lực là bông tai, nhẫn tay dành cho nữ giới. Mới mở xưởng gia công được 6 năm nay nhưng khách hàng từ khắp nơi đều biết và tìm đến đặt hàng của vợ chồng chị. Hiện trong xưởng chế tác của chị Ngoãn thường xuyên có hơn chục lao động vừa học, vừa làm với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà bề thế, được xây theo kiểu biệt thự từ năm 2014, chị Ngoãn cho biết: Có được ngày hôm nay là thành quả của nhiều năm cả hai vợ chồng chị miệt mài học nghề, phát huy tinh hoa từ các thế hệ đi trước. Dù máy móc hiện đại, tinh xảo nhưng cũng không thể thay thế được trí tưởng tượng và tay nghề của người thợ. “Làm trang sức thì khâu thiết kế mẫu mã rất quan trọng. Nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thay đổi hằng ngày nên mình cũng phải liên tục thích nghi. Không phải mình vẽ ra đấy rồi đưa cho thợ làm là được. Mỗi lần bắt đầu sản xuất mẫu hàng mới là tôi phải ngồi dạy thợ lại từ đầu”, chị Ngoãn nói.
Ở làng Châu Khê có một quy định bất thành văn nhưng được các hộ sản xuất luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Đó là không bao giờ sản xuất mặt hàng trùng lặp với những sản phẩm mà hộ khác đã làm. Mỗi nhà một chủng loại, không chồng chéo nên khách hàng chỉ cần nhắc đến sản phẩm là có thể biết ngay do nhà nào trong làng làm ra. Ông Hoàng Đình Dương cho biết: “Mục đích của quy ước trên nhằm tránh tình trạng dẫm lên chân nhau, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ cũng sẽ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để có những sản phẩm độc quyền, mang tính truyền thống, bản sắc riêng để có chỗ đứng trên thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe như hiện nay”.
Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, trách nhiệm của mỗi người thợ là không ngừng vun đắp, phát triển bền vững thương hiệu vàng bạc Châu Khê mà bao đời cha ông gây dựng. HTX luôn khuyến khích các xã viên sáng tạo, cải tiến sản xuất nhưng cũng không quên lưu truyền những nét riêng của mỗi gia đình, của làng nghề trong từng sản phẩm. Chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp nhưng mỗi món hàng ở đây đều phải có những nét đặc trưng của người thợ thủ công tài hoa. Trải qua nhiều thế kỷ, sản phẩm làng nghề vàng bạc Châu Khê nay có mặt ở khắp nơi nhưng không lẫn xuất xứ, dù vẻ mới nhưng hồn vẫn như xưa.
HẠO NHIÊN