Nhiều năm qua, Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với vị thế mới...
Sáng 21.4.2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: TTXVN
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất sẽ tiếp tục là một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước - đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện, gần gũi và hấp dẫn du khách về với cội nguồn. Đây cũng là dịp để tỉnh quảng bá về hai di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; khẳng định ý nghĩa cùng những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ.
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành phố là Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam và Kiên Giang. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 - 25.4.2018 (tức mùng 6 đến 10.3 năm Mậu Tuất). Đại diện lãnh đạo 4 tỉnh tham gia góp giỗ năm nay đã thống nhất cao kế hoạch tổ chức, đồng thời chuẩn bị chu đáo các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch phục vụ tốt nhất cho lễ hội.
Tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Lễ hội sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi. Phần lễ bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do TP Việt Trì tổ chức, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch. Các địa phương trong tỉnh có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh vào 6 giờ 30 ngày 10.3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống.
Bên cạnh phần lễ, các hoạt động phần hội được tổ chức phong phú, đa dạng gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì; trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; hội sách đất Tổ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; liên hoan văn nghệ quần chúng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; hội chợ Hùng Vương; hội thi bơi chải trên sông Lô; giải bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ công viên Văn Lang; trình diễn hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; hướng dẫn giới thiệu kinh đô Văn Lang xưa qua các tour, tuyến du lịch; quảng bá du lịch và các sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ kết hợp trưng bày “Ảnh đẹp du lịch Phú Thọ”... Năm nay, lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì tiếp tục được tổ chức nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tổ, từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Cuối năm 2017, việc UNESCO chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi vậy, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hát Xoan, tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước có dịp được thưởng thức di sản qua các cuộc liên hoan hát Xoan tại Đền Hùng và các làng Xoan cổ, phường Xoan gốc nhằm gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại TP Việt Trì như miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái (xã Phượng Lâu), đồng thời trưng bày tư liệu về di sản hát Xoan tại miếu Lãi Lèn… Hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, ngày nay, hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng đất Tổ. Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, Ban tổ chức quyết tâm cao nhất để tiếp tục giữ mục tiêu “5 không” tại lễ hội. Đó là: không có người ăn xin, không ùn tắc giao thông, không chèo kéo khách, không có những hành vi phản cảm trong lễ hội, không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.
Văn hóa vùng đất cội nguồn chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của nhân dân. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết, để mỗi người dân khi đến thăm vùng đất Tổ đều tự hào về nền văn hóa mà ông cha để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ những tài sản vô giá đó.
HÀ KẾ SAN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018