Tôi bị say xe nặng nên suốt chục năm qua, dù háo hức bao nhiêu trước những chuyến tham quan, học tập do nhà trường tổ chức, tôi đều lỡ hẹn.
Tôi bị say xe nặng nên suốt chục năm qua, dù háo hức bao nhiêu trước những chuyến tham quan, học tập do nhà trường tổ chức, tôi đều lỡ hẹn. Bởi chỉ cần ngửi thấy mùi ô tô là tôi không thể chịu được, người cứ mệt lả đi. Năm nay, lớp tôi quyết định đi thăm Đền Hùng. Tôi còn đang lưỡng lự thì đám bạn thân cái Hồng, cái Mai cứ năn nỉ: “Đi đi Dung! Mấy khi được về đất Tổ, dịp này chuẩn bị có lễ hội nên vui lắm”. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình không đi thì cũng thiệt bởi mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm thật thú vị. Những lần trước chỉ nghe bạn bè kể lại, tôi cũng phát thèm và tiếc nuối...
Mẹ chuẩn bị cho tôi thuốc chống say xe, khẩu trang và bánh mì để ngửi. Mẹ bảo đó là bí quyết chống say xe nên tôi cũng an tâm. Suốt quãng đường dài hàng trăm cây số, tôi cứ chập chờn, lúc tỉnh, lúc thiu thiu buồn ngủ. Các bạn trong lớp tha hồ hát hò, rồi lại thi kể những câu chuyện liên quan đến thời Vua Hùng. Tôi thuộc khá nhiều truyền thuyết, từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đến sự tích bánh chưng bánh dày, Sơn Tinh - Thủy Tinh… nhưng tôi không dám mở miệng vì chỉ cần nói vài câu trên xe là tôi sẽ không thể kiềm chế được những trận nôn rút ruột rút gan. Cuối cùng cái Trang chiến thắng, được cô chủ nhiệm hứa sẽ trao quà. Tôi tiếc hùi hụi. Giá mà tôi can đảm hơn, có lẽ tôi đã rinh về cho mình giải thưởng “Người kể chuyện hay nhất”.
Chỉ còn quãng đường ngắn nữa thôi là chúng tôi đến đất Tổ. Núi đồi Phú Thọ hiện ra trập trùng, bát ngát một màu xanh đầy sức sống. Bước xuống khỏi xe ô tô, tôi có cảm giác dễ thở hơn bởi không khí rất trong lành, mát mẻ. Chưa phải ngày chính hội nên các đoàn khách thập phương lần lượt vào thăm, không hề có cảnh chen lấn xô đẩy. Dù có hơi mệt vì ảnh hưởng của thuốc chống say xe, tôi vẫn hăng hái đi theo đoàn, không để mình bị tụt lại phía sau. Đoàn chúng tôi xếp thành hàng ngay ngắn, làm lễ dâng hương, thành kính báo công tổ tiên, báo công với anh linh các Vua Hùng những thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua. Tất cả mọi người như lặng đi trong không khí trang nghiêm và rất đỗi thiêng liêng.
Sau đó, chúng tôi đi theo cô hướng dẫn viên du lịch có giọng nói trong trẻo, truyền cảm. Bắt đầu từ chân núi Nghĩa Lĩnh, chúng tôi thăm đền Hạ, tương truyền rằng đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng diệu kỳ. Chúng tôi tiếp tục hành trình lên đền Trung. Cô hướng dẫn viên giới thiệu tương truyền đó là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Tọa lạc trên đỉnh núi là đền Thượng, nơi ngày xưa các Vua Hùng tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, để khắp chốn nhân dân được ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Chúng tôi tiếp tục viếng thăm lăng Hùng Vương ở phía đông đền Thượng, rồi thăm đền Giếng… Tất cả khung cảnh đều chứa sự cổ kính, trang nghiêm. Huyền thoại một thuở khai thiên lập địa của tổ tiên chúng ta được nhắc lại cho thế thế trẻ hôm nay học tập và biết ơn.
Thú vị nhất đối với tôi là khi bước vào Bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về các Vua Hùng. Ở đó khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ khi trò chuyện với chiến sĩ thuộc “Đại đoàn quân Tiên phong”: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên ý nghĩa đến hôm nay và cả mai sau, như dạy bảo, như thúc giục chúng tôi, những chủ nhân tương lai của đất nước phải ra sức học tập và rèn luyện, phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất để xây dựng quê hương, đất nước ngày một đẹp giàu.
Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy mà chúng tôi phải trở về. Cả lớp đều luyến tiếc vì không có cơ hội để xem những trò chơi dân gian diễn ra ở Đền Hùng như lời cô hướng dẫn viên giới thiệu. Nhưng chuyến đi lần này đã giúp chúng tôi có nhiều bài học sâu sắc, những bài học trực quan sinh động chứ không hề giáo điều, khô khan. Đặc biệt, chuyến đi đã giúp tôi vượt qua được nỗi ám ảnh say xe của chính mình. Tôi càng hiểu và thấm thía hơn lời thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Hằng năm ăn đâu làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.
VƯƠNG ĐOÀN PHƯƠNG DUNG(Lớp 12G, Trường THPT Nam Sách)