Việc này nhằm bảo đảm mỗi người dân được cấp 1 số CMND, chấm dứt tình trạng 1 người có thể có nhiều số chứng minh...
Để nhân dân hiểu rõ về việc cần thiết phải cấp chứng minh nhân dân (CMND) mới; quyền, nghĩa vụ của công dân trong chấp hành cấp CMND, các thủ tục, điều kiện và các vấn đề cơ bản có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện cấp, quản lý CMND mới, Công an tỉnh Hải Dương xin thông báo tóm tắt những nội dung cơ bản về CMND mới như sau:
1. Ý nghĩa, giá trị của CMND 12 số:
Việc tổ chức cấp CMND mới nằm trong chương trình thực hiện cải cách hành chính chung của Chính phủ, phục vụ nhân dân tốt hơn; giảm thời gian tiến hành các thủ tục, giảm phiền hà trong cấp CMND. Việc này nhằm bảo đảm mỗi người dân được cấp 1 số CMND, chấm dứt tình trạng 1 người có thể có nhiều số chứng minh hoặc nhiều người có cùng một số CMND. Chất lượng CMND bền, đẹp, thuận lợi trong sử dụng.
Dữ liệu về 1 công dân trong CMND được lưu trên hệ thống điện tử toàn quốc nên các cấp, các ngành có thể chia sẻ thông tin đã được lưu giữ, tạo nhiều thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước.
Với công nghệ hiện đại, hệ thống bảo an cao, dữ liệu lưu giữ điện tử tránh được việc làm giả, việc xác minh, tra tìm về một cá nhân cụ thể nhanh chóng, có tác dụng lớn trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
2. Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện cấp, quản lý CMND:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND.
Việc cấp CMND 12 số thay thế CMND 9 số trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, không bắt buộc mọi công dân phải đổi chứng minh từ 9 số sang 12 số. Công dân có CMND 9 số còn thời hạn sử dụng vẫn có giá trị sử dụng, đến khi hết hạn sử dụng, bị hỏng, có yêu cầu hoặc bị mất sẽ được cấp đổi, cấp lại sang CMND 12 số. Quá trình tổ chức cấp CMND mới sẽ bảo đảm các nhu cầu về CMND cũng như các giao dịch của công dân, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Khi công dân cấp đổi, cấp lại CMND 12 số, được trả lại CMND 9 số sau khi đã cắt góc và công dân có yêu cầu sẽ được cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận số CMND 9 số đã được cấp lần gần nhất và số của CMND 12 số vừa được cấp.
3. Những quy định cơ bản về CMND 12 số:
CMND hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp CMND cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; chữ “Chứng minh nhân dân” màu đỏ; số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp CMND; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.
CMND được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của 2 mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của CMND in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Nền mặt trước CMND gồm: Hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn. Nền mặt sau CMND gồm các hoa văn. Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp lên CMND. Phoi bảo an được gắn ở mặt sau của CMND. Mã vạch 2 chiều lưu trữ 1 số thông tin cơ bản của công dân được cấp CMND màu đen.
3.1. Các đối tượng sau đây tạm thời chưa được cấp CMND: Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình. Các trường hợp trên nếu khỏi bệnh, hết thời hạn tạm giam, thời hạn thi hành án phạt tù hoặc hết thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được cấp CMND.
3.2. Đổi, cấp lại CMND: Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND:
a) CMND hết thời hạn sử dụng; b) CMND hư hỏng không sử dụng được; c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Trường hợp bị mất CMND thì phải làm thủ tục cấp lại.
3.3. Thủ tục cấp CMND mới:
Xuất trình sổ hộ khẩu; nộp giấy CMND 9 số đã cấp (nếu có).
Đổi, cấp lại CMND: Đơn trình bày nêu rõ lý do xin đổi, cấp lại CMND. Trường hợp cấp lại thì đơn phải có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú. Xuất trình sổ hộ khẩu; xuất trình quyết định thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; khai tờ khai xin cấp CMND; nộp lại CMND 12 số đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung theo quy định tại các điểm c, d, e điều 5 Nghị định này về CMND.
3.4. Thời gian hoàn chỉnh CMND:
Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ cơ quan công an phải hoàn tất việc xử lý, phê duyệt và truyền dữ liệu in CMND trả công dân trong thời gian quy định. Cụ thể: Công dân có hộ khẩu thường trú tại thành phố, thị xã: trả CMND trong thời gian 7 ngày làm việc đối với cấp mới, cấp đổi. 15 ngày làm việc đối với cấp lại. Công dân có hộ khẩu thường trú tại các huyện: trả CMND trong thời gian 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND.
Thời gian trên đây được tính từ khi hồ sơ hoàn chỉnh, đã có kết quả tra cứu, đối sánh với kết quả lưu trữ trước đây của CMND 9 số và với điều kiện hệ thống máy móc, đường truyền hoạt động tốt, không có vướng mắc.
3.5. Lệ phí cấp CMND: Công dân được cấp lần đầu, đổi, cấp lại CMND, phải nộp lệ phí theo quy định. Mức nộp lệ phí hiện hành được quy định tại Thông tư số 155/TT-BTC ngày 20-4-2012 của Bộ Tài chính. Cụ thể:
Thu nhận ảnh trực tiếp (ảnh thu qua camera): Cấp mới: 30.000 đồng/CMND; cấp đổi: 50.000 đồng/CMND; cấp lại: 70.000 đồng/CMND.
Thu nhận ảnh gián tiếp (chưa tính tiền chụp ảnh): Cấp mới: 20.000 đồng/CMND; cấp đổi: 40.000 đồng/CMND; cấp lại: 60.000 đồng/CMND.
3.6. Sử dụng CMND:
Công dân được sử dụng CMND của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số CMND được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân.
* Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp... CMND.
3.7. Thu hồi, tạm giữ CMND:
Thu hồi CMND trong các trường hợp sau: a) Bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; b) Ra nước ngoài định cư.
Tạm giữ CMND trong các trường hợp sau: a) Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ CMND; b) Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Công dân được nhận lại CMND khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
CÔNG AN TỈNH HẢI DƯƠNG