Tết càng đến gần, các hoạt động kinh tế - xã hội càng sôi động, nhưng bên cạnh đó "tín dụng đen” cũng nở rộ cho dù các cơ quan chức năng trên cả nước đang tích cực đấu tranh với hoạt động này.
Hàng loạt ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen” dưới vỏ bọc hiệu cầm đồ, công ty tài chính ở Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh… đã sa lưới pháp luật trong thời gian gần đây. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhu cầu vay “nóng” luôn luôn có, phải chăng người dân không hiểu biết pháp luật để rồi sập bẫy "tín dụng đen”?
Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trường hợp lãi suất thỏa thuận mà vượt quá giới hạn này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Tội cho vay nặng lãi cũng được quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự (tức 100%/năm) thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị xử lý hình sự bằng phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm.
Trên thực tế, nhất là tại các vùng nông thôn, việc vay “nóng” trong cộng đồng dân cư thì thường phổ biến ở mức lãi suất từ 2.000 - 3.000 đồng/triệu/ngày, tính ra là từ 72 - 108%/năm. Một mức lãi suất vượt xa quy định của luật dân sự và có thể xử lý hình sự, chưa nói đến mức lãi suất cắt cổ của các ổ nhóm “xã hội đen” mà chỉ vay một lần rồi bán cả nhà đi vẫn không trả hết nợ.
Biết rõ là trái pháp luật và phải chịu thiệt, nhưng người dân vẫn chấp nhận để có được một khoản tiền cho nhu cầu cấp bách của mình, kể cả việc tiếp tay cho các đối tượng cho vay nặng lãi “lách” luật bằng các hợp đồng mua bán. Nhưng rõ ràng với thủ tục nhanh chóng, hay nói cách khác là gần như không có thủ tục gì, người vay được đáp ứng mọi nơi, mọi lúc nên các giao dịch cho vay “nóng” vẫn có đất sống, và khi nó bị biến tướng bởi lãi suất và phương thức đòi nợ trái pháp luật thì đã trở thành một vấn đề nhức nhối, gọi là "tín dụng đen”.
Trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã cho biết "tín dụng đen” có ở nhiều nước, khi trong nền kinh tế có kinh tế phi chính thức thì sẽ có tín dụng phi chính thức. Thống đốc phân làm 2 loại: nhu cầu bất hợp pháp thì không tổ chức tín dụng nào đáp ứng được. Còn nhu cầu cho đời sống thực sự như đi học, chữa bệnh, mua phân bón… thì hệ thống tổ chức tín dụng cần có trách nhiệm đáp ứng.
Tiềm năng từ thị trường cho vay tiêu dùng rất lớn nên các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính cũng không bỏ qua cơ hội kinh doanh với việc mở thêm nhiều chi nhánh hoạt động, tung ra các chương trình cho vay hấp dẫn. Ở thị trường hẹp hơn, các hiệu cầm đồ cũng bung nở trong những năm gần đây, thậm chí có doanh nghiệp còn lập chiến lược xây dựng chuỗi cửa hiệu cầm đồ quy mô toàn quốc. Với các đối tượng chính sách xã hội cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có 6,7 triệu hộ dân đang còn dư nợ với các chương trình tín dụng như cho vay xây nhà, làm công trình nước sạch, đi học, tạo việc làm, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... mà không cần tài sản thế chấp.
Nhưng nhu cầu vay vốn của người dân thì vô cùng đa dạng, không chỉ vay theo ngày mà còn vay theo giờ nên khó tổ chức tín dụng nào đáp ứng hết. Cách đây 14 năm, khi những vụ vỡ hụi lớn liên tiếp xảy ra, Quốc hội đã quyết định đưa hình thức “hụi, họ, bưu, phường”, một hình thức huy động vốn trong dân gian từng có thời kỳ bị cấm, vào Bộ luật Dân sự 2005 để quản lý, góp phần hạn chế những tiêu cực xảy ra.
Như vậy, với các hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu bất hợp pháp cũng như các hình thức đòi nợ kiểu “khủng bố” thì phải đấu tranh kiên quyết. Còn với hệ thống tín dụng chính thức thì phải mở rộng các chương trình cho vay để đáp ứng nhu cầu nhân dân, tăng cường quản lý để ngăn chặn các hiện tượng “vượt rào”, biến tướng như nhiều hiệu cầm đồ thời gian qua. Và bên cạnh việc xử lý nghiêm tín dụng “đen”, nên chăng có cách nhìn đổi mới tư duy hơn về quản lý hình thức vay nợ trong nhân dân.
TRẦN NGỌC TÚ