Vất vả giáo viên công nghệ thông tin

26/04/2020 10:04

Từ khi triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh gần như dành tối đa thời gian để làm việc.

Thầy Nguyễn Văn Khánh, giáo viên công nghệ thông tin Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) một mình lập 25.000 tài khoản cho giáo viên, học sinh trong huyện để dạy và học trực tuyến

Một mình tạo lập 25.000 tài khoản

Mấy ngày nay, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh, giáo viên công nghệ thông tin (CNTT) Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ), thành viên tổ nghiệp vụ CNTT của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ trông khá phờ phạc, người gầy đi hẳn. 11 giờ đêm nhưng anh Khánh chưa ngủ mà vẫn ngồi cặm cụi bên bàn máy tính để tạo tài khoản học trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams cho giáo viên và học sinh trong huyện. "Từ cuối tháng 3 đến giờ tôi gần như làm việc liên tục, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng. Vất vả lắm nhưng phải cố gắng vì nhiều đồng nghiệp và học sinh vẫn đang chờ mình", anh Khánh nói.

Anh Khánh là một trong 9 thành viên của tổ nghiệp vụ CNTT do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ thành lập để hỗ trợ các trường học trong huyện triển khai dạy học trực tuyến. Các thành viên trong tổ đã tập trung nghiên cứu, triển khai tập huấn cách khai thác và sử dụng một số phần mềm dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường. Ban đầu, hầu hết các trường sử dụng phần mềm Zoom, một số trường lựa chọn ViettelStudy, Microsoft Teams, VNPT E-Learning. Sau một thời gian dạy thử nghiệm, các trường trong huyện lại đồng loạt lựa chọn phần mềm Microsoft Teams vì dễ sử dụng, tính bảo mật cao và có nhiều tiện ích. Vậy là các thành viên trong tổ lại tiếp tục tập huấn, hướng dẫn giáo viên các trường sử dụng phần mềm. Hỗ trợ toàn bộ giáo viên, học sinh trong huyện lập tài khoản dạy và học trực tuyến trên phần mềm này. Nhưng việc lập tài khoản trên phần mềm không dễ vì nhà điều hành Microsoft office chỉ cho các tổ chức giáo dục lớn lập tài khoản. Do đó, các thành viên trong tổ phải liên hệ xin một người khác có tài khoản để họ cấp quyền lập tài khoản cho giáo viên và học sinh. Cả tổ có 9 người nhưng họ chỉ cấp quyền lập tài khoản cho anh Khánh. Vậy là 5 ngày liên tục, anh gần như ngồi một chỗ để lập tài khoản dạy học trực tuyến cho 25.000 giáo viên và học sinh trong huyện.

Chưa bao giờ giáo viên CNTT ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh lại phải chịu áp lực công việc lớn như thời gian qua. Có trường đông giáo viên nhưng chỉ có 1-2 giáo viên CNTT. Ngoài hướng dẫn cách khai thác, sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, họ còn phải hỗ trợ đột xuất cho các đồng nghiệp mỗi khi gặp sự cố trong lúc giảng dạy. Giai đoạn toàn ngành bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến là khoảng thời gian họ vất vả nhất. Có giáo viên CNTT làm việc từ sáng đến tận đêm, ăn ngủ ngay tại trường để thường trực hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên các trường. Điện thoại của họ lúc nào cũng nóng ran bởi đồng nghiệp liên tục gọi nhờ hỗ trợ. Anh Nguyễn Cảnh Tiến, giáo viên CNTT Trường THPT Kim Thành II cho biết: "Tôi còn phải quay camera ghi hình các buổi dạy trực tuyến của đồng nghiệp rồi phát trên website của trường hoặc YouTube cho học sinh xem lại. Chúng tôi phải tranh thủ tối ngày để làm".

Vất vả là thế nhưng nhiều giáo viên CNTT thừa nhận phải làm việc trong môi trường áp lực cao cũng khiến họ mở mang nhiều điều. Họ thấy năng động hơn, khả năng tự chủ trong sử dụng CNTT cũng tốt lên. Đợt dạy học trực tuyến lần này như một cuộc tập dượt, giúp mỗi giáo viên CNTT có thêm kinh nghiệm để ứng phó với những thử thách mới có thể đặt ra cho ngành giáo dục trong tương lai.

Quản lý ngành vào cuộc

Từ trước khi triển khai dạy học trực tuyến đến nay, ngoài các buổi tập huấn chung, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương còn cử 1 Phó Trưởng phòng, 2 chuyên viên am hiểu CNTT xây dựng 10 clip hướng dẫn trình tự khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến để giáo viên học tập. Có những trường gặp khó khăn trong lập tài khoản trên phần mềm, lãnh đạo và chuyên viên đều trực tiếp hỗ trợ. 

Điển hình như anh Trần Minh Thái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Giang chỉ trong một thời gian ngắn đã giúp gần 200.000 giáo viên, học sinh trong tỉnh lập tài khoản để dạy và học trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams. Anh Thái đã làm các video hướng dẫn sử dụng phần mềm trên YouTube để mọi người cùng học. Anh còn trực tiếp tập huấn cách sử dụng phần mềm cho hàng trăm giáo viên ở hai huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện. "Tôi là người đam mê CNTT. Hơn 10 năm trước tôi đã sử dụng Microsoft office. Tôi hiểu rất rõ tiện ích mà Microsoft Teams đem lại đối với việc dạy và học trực tuyến. Bởi vậy tôi đã hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh. Đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của tôi", anh Thái nói.

Anh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cũng là người rất am hiểu CNTT. Suốt những ngày qua, anh Tuấn cùng các thành viên trong tổ nghiệp vụ CNTT ngày đêm trực tuyến trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm và hỗ trợ rất nhiều trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong dạy học trực tuyến. Theo anh Tuấn, muốn dạy học trực tuyến tốt thì trước hết giáo viên phải làm chủ được công nghệ. Nhưng không phải ai cũng thông thạo việc này. Thế nên cần có sự vào cuộc của cả nhà quản lý giáo dục, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hợp tác, giúp đỡ nhau giữa các giáo viên để khắc phục khó khăn.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Vất vả giáo viên công nghệ thông tin