Vàng… từ ruộng

06/09/2014 06:43

Anh Cao Văn Lâm ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện), người đã bỏ công việc với thu nhập cao để về tìm vàng trên mảnh đất quê nhà...


Vẫn nghe nói người ta rủ nhau lên núi đào vàng. Nhưng người thanh niên ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) lại về tìm... vàng trên mảnh ruộng quê nhà. Với tình yêu quê hương, gia đình, ruộng đồng, anh đã tìm thấy "kho vàng".



Từ năm 2010, anh Lâm đã bỏ ra 300 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp để chủ động sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn


Sau khi lấy bằng đại học công nghệ thông tin, Cao Văn Lâm ra Quảng Ninh làm ở Công ty Than Đông Bắc. Khi đó, tin học chưa được ứng dụng nhiều, anh phải làm trái nghề, đứng máy khoan đá. Lúc đó hằng tháng thu nhập 10-20 triệu đồng là cao lắm.

Tuy thế, anh thường phải sống xa tình cảm gia đình. Nhất là từ năm 2002 Lâm lấy vợ thì anh càng thấy phải có trách nhiệm hơn. Cha anh và bố vợ đều là thương binh nặng, rất cần sự chăm sóc giúp đỡ của các con… Thế là mặc dù đã mua nhà ở Quảng Ninh, Lâm quyết chí về quê lập nghiệp, mặc những lời khuyên can.

Từ mấy chục mẫu ruộng vụ đầu, vụ sau lên tới 120 mẫu và hiện tại anh mới đủ sức làm 135 mẫu. Mô hình sản xuất bằng cơ giới của anh Lâm đã vượt qua những cánh đồng ở huyện Thanh Miện. Anh sang cả huyện Bình Giang làm thuê cho nông dân.
Năm 2005, ban đầu anh làm dịch vụ xăng dầu ở làng để có điều kiện ra tỉnh học thêm, lấy văn bằng hai đại học quản trị kinh doanh.  Sống ở quê anh luôn trăn trở: Tại sao quê mình và nhiều xã khác quanh vùng bao đời nay chỉ sống bằng cây lúa, củ khoai, vậy mà khá nhiều nông dân lại bỏ ruộng không cày cấy? Đến mẹ đẻ của anh, một phụ nữ chân quê bao đời gắn bó với ruộng đồng mà cũng bỏ ruộng không cấy cày từ năm 1998.

Lâm quyết định dùng số vốn ít ỏi đầu tư vào đồng ruộng. Gia đình, người thân phản đối. Còn xóm làng thì không tin và khuyên anh nên bỏ ngay ý nghĩ viển vông ấy.  Nhưng Lâm vẫn thực hiện ý mình.

Anh Lâm tâm sự với tôi: “Ngày đầu mới về làng, có ý định sống hẳn trên quê hương bằng nghề nông, em bị gia đình phản đối vì phiêu lưu, mạo hiểm, làng xóm cười khẩy, bạn bè dè bỉu. Có người nói thẳng với em: Ranh con, nứt mắt ra biết gì ruộng nương! Chưa đủ tuổi làm nông nghiệp đâu em ơi. Cây lúa chứ không phải hòn than giữa giời, mà dễ bới!”


Anh Cao Văn Lâm (người ngồi) đã thành công trong việc đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Năm 2010, Lâm bỏ ra 300 triệu đồng, mua một cỗ máy gặt của Nhật Bản chế tạo, công suất 60 mã lực, trong thời gian 5-6 phút có thể gặt xong một sào lúa (trong khi một người nông dân gặt thủ công mỗi ngày chỉ được một sào). Vụ đầu tiên, anh thu về được 150 triệu đồng, bằng một nửa tiền đầu tư máy. Phấn khởi, anh tiếp tục mua máy cày. Anh thuê người lái, tìm cách tích tụ ruộng đất để máy cày hoạt động có hiệu quả hơn. Rồi anh mua thêm máy gieo mạ, máy cấy. Lâm đêm ngày nghiên cứu, mày mò tìm hiểu và tự học hỏi. Anh chẳng ngại xa xôi, tốn kém, đi vào tận huyện Đông Sơn, Triệu Sơn (Thanh Hóa) để “tầm sư học đạo”, học cách làm mạ khay, để cho máy cấy chuyên dùng hoạt động trên đồng đất quê nhà.

Nhìn hàng sông rộng tới 30 cm, ban đầu người nông dân kêu ầm lên: chúng tôi cấy hàng sông 17-18 cm còn chưa ăn gì, bây giờ anh cho hàng sông rộng gần hai bàn chân thế này, chỉ thừa đất mà mất thóc. Khi mọi người chưa tin, anh tự làm trên 40 mẫu ruộng gia đình thuê.

Đến vụ thu hoạch thì mọi chuyện sáng tỏ hết. Người nông dân xã Ngô Quyền đã tận mắt nhìn thấy lợi ích của cấy trồng bằng phương pháp cơ giới đồng bộ: Mỗi sào thu hoạch lượng thóc nhiều hơn từ 10-15% so với lúa cấy theo phương pháp cũ, lại giảm được 50% chi phí trừ sâu. Chỉ một khâu gặt cũng có thể giảm chi phí tới 60%. Năng suất lúa lại cao, chất lượng sản phẩm tốt. Đó là chưa kể thời gian canh tác nhanh, bảo đảm thời vụ... Họ được anh Lâm giải thích cặn kẽ: Cấy theo cơ giới phải theo hướng đông tây. Vì hàng sông rộng, nên cây lúa được khuyếch tán gió. Ánh sáng mặt trời chiếu vào cây lúa đồng đều, không bị che khuất, tạo điều kiện cây lúa phát triển về chiều cao, cây khỏe hơn, lại ít sâu bệnh. Khi lúa lên xanh, đều tăm tắp, phẳng như một tấm thảm. Từ thực tế, người dân quanh vùng đã có niềm tin về sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp.

Công nhân vận hành máy gieo hạt

Từ mấy chục mẫu ruộng vụ đầu, vụ sau lên tới 120 mẫu và hiện tại anh mới đủ sức làm 135 mẫu. Mô hình sản xuất bằng cơ giới của anh Lâm đã vượt qua những cánh đồng ở huyện Thanh Miện. Anh sang cả huyện Bình Giang làm thuê cho nông dân. Tới đâu, nhắc tới tên anh, người ta đều gọi anh là "tỷ phú đồng ruộng". Quả thực, gắn bó với ruộng đồng vốn cố định của anh nay đã tới nhiều tỷ đồng. Anh xây dựng nhà xưởng, khu tập kết mạ khay trước khi cấy, rồi quy hoạch khu sản xuất và mua sắm thiết bị máy móc, với 1 máy cày,  4 máy cấy, 2 máy gặt, 1 dây chuyền gieo mạ khay. Say mê công việc ruộng đồng, hằng ngày anh phóng xe đi hết từ cánh đồng này sang khu ruộng khác để chỉ đạo sản xuất. Chỉ tới đêm mới trở về nhà, mở máy vi tính, lướt mạng, xử lý các thông tin.

Để có thể duy trì sản xuất, anh Lâm sử dụng trung bình 8-10 lao động. Lúc mùa vụ cao điểm anh huy động tới hai chục người cùng mình thao tác trên đồng ruộng cho kịp tiến độ. Với những lao động chính, anh trả công từ 300-400 nghìn đồng/ngày, lao động phụ từ 150-200 nghìn đồng/ngày. Thanh toán sòng phẳng sau mỗi đợt làm việc.

Nhưng thói đời giàu ghen, khó ghét. Lúc chưa làm thì bị dè bỉu, nhưng khi thấy anh làm ăn thắng lợi, ngày càng phát triển, cơ ngơi mở rộng, thì có người tỏ ý đố kỵ, thiếu sự cảm thông sẻ chia. Nhưng anh Lâm vẫn lạc quan, bởi công việc càng nhiều, mà sức làm không xuể. Anh chưa đáp ứng hết được nhu cầu dịch vụ của nông dân bởi thiếu diện tích mặt bằng gieo mạ bằng khay.  Chúng tôi nghe tin các vị lãnh đạo huyện Thanh Miện đã biết được chuyện này và có biện pháp giúp anh tháo gỡ khó khăn.
Tuổi Đinh Tỵ (sinh năm 1977), có người bảo anh cầm tinh con rắn sống giữa ruộng đồng, bắt sâu bọ, trừ hại cho mùa màng tươi tốt. 37 tuổi, Cao Văn Lâm đang vào tuổi "tam thập nhi lập”. Một gia đình hạnh phúc là chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với anh Lâm trên con đường lập nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thúy vợ anh là cô giáo dạy Anh văn của trường làng vừa nuôi con, vừa hoàn thành nhiệm vụ dạy học, lại biết kết hợp công việc nội trợ và giúp chồng quản lý công việc. Giữa lúc ở nông thôn không ít người nông dân dửng dưng với những thửa ruộng của mình, muốn ly hương, ly nông, thì Cao Văn Lâm lại từ giã nơi ồn ã chốn thị thành trở về với đồng ruộng. Anh không đi "tìm vàng" ở nơi đất khách quê người, mà với một tình yêu quê hương, gia đình, ruộng đồng, anh đã tìm thấy "kho vàng" ngay trên vùng quê Thanh Miện thuần nông.


 KHÚC HÀ LINH


(*) Bài tham dự Cuộc thi viết Điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Vàng… từ ruộng