Mỗi lần gặp hương thị xôn xao trong gió may đầu mùa là biết thu đã về. Tôi lại thấy nhớ bà da diết. Ngày ấy, bố mẹ công tác xa, gửi hai chị em về với ông bà nội. Góc vườn phía trước nhà bà có cây thị thật to, chớm mùa thu hương thơm theo gió nồng nàn cả xóm. Mỗi phiên chợ, ông thường bắc chiếc thang tre thật dài trèo lên cây, lựa những quả đã chín vàng cho bà mang bán. Bà đội thúng thị mà như đội một thúng nắng thu óng ả, một thúng hương ngất ngây...
Gần rằm tháng tám, ông bà không hái thị mang ra chợ bán nữa mà để dành cho con cháu trong họ ngoài làng. Từ sáng sớm mười tư tháng tám đến chiều tối hôm rằm, sân nhà bà lúc nào cũng có trẻ con. Theo "thông lệ", chúng đến để xin thị về bày cỗ trông trăng. Tôi và em Thảo sung sướng được ông giao cho vai trò "thủ kho". Thị chín được ông hái cả cành cả lá, xếp đầy hiên nhà, hai chị em đứng ra phân phát. Đứa trẻ nào đến cũng có phần thị mang về, nhưng hai chị em láu cá, yêu quý bạn nào thì chọn cho quả to, đẹp, còn không thích bạn nào thì chỉ cho quả bé, thậm chí vẹo vọ. Thế rồi màn năn nỉ lại bắt đầu: "Cho tao quả to cơ", "Tao xin thêm quả nữa". Được nịnh nọt, hai chị em phổng mũi, lại cắm cúi chọn quả ngon, quả đẹp để cho. Hết thị chín vàng, ông hái cả những quả còn xanh xanh.
Nhưng chỉ cần để vào chum gạo rấm một đêm thôi, vỏ thị sẽ chuyển từ màu xanh lá sang màu của nắng rực lên. Trong mâm cỗ trông trăng của lũ trẻ làng tôi không bao giờ thiếu quả thị vàng. Quả thị như một vầng trăng thơm, tròn trĩnh, mịn màng. Đến khi phá cỗ, tất cả mọi thức, từ bưởi, chuối, mía, ổi, na, hồng đến bánh đa, bánh dẻo... đều hạ xuống ăn, riêng thị vàng còn được nâng niu dành dụm. Lũ trẻ chúng tôi, đứa nào cũng biết đan rọ thị. Phổ biến nhất là đan bằng sợi đay, sợi cói, thậm chí bằng cả sợi dây chuối khô. Sang trọng hơn là những đứa năn nỉ xin được của mẹ những mẩu len thừa xanh đỏ, rồi cắm cúi chắp chắp nối nối. Chỉ loáng sau, chiếc rọ thị với những mắt cáo xinh xinh đã được tết xong. Chúng tôi cho thị vào đó xách đi chơi. Hương thơm cứ quẩn quanh trong nhà, ngoài ngõ.
Thị là loại quả "hàng hoa", dễ dập nát nên phải nâng niu. Lúc mới ngắt xuống, quả thị dù rất chín cũng vẫn còn cứng, da căng bóng phủ một lớp phấn mờ mờ. Nếu mạnh tay, thị sẽ nhũn ra, sẽ vỡ. Mà lạ thật, lúc dập vỡ, quả thị không còn thơm ngây thơm ngất nữa. Bởi thế, để giữ thị được lâu, đứa trẻ nào cũng phải học cách nhẹ nhàng. Bỏ thị trong rọ, tung tăng xách đi chơi, về đến nhà thì treo rọ lên một cái đinh nào đấy. Đó là cách giữ thị cẩn thận nhất của bọn trẻ chúng tôi.
Ba, bốn ngày sau quả thị vẫn còn thơm, còn đẹp. Đến khi thị chín nục rồi, vỏ không còn vàng tươi mà chuyển sang vàng sậm, không còn căng bóng mịn màng mà hơi nhăn nheo, sờ tay thấy quả không còn cứng nữa, chúng tôi mới bỏ ra ăn. ăn lúc đó mới thấy thị ngọt làm sao (lúc vừa hái xuống mà ăn ngay, dẫu thị chín vàng cũng có vị chát xít). ăn hết phần ruột quả, chúng tôi lấy hạt thị mang ra bờ giếng ngồi mài. Mài hết phần vỏ nâu bọc quanh hạt thị, hạt sẽ có màu trắng trong như ngọc. Hạt thị cứng là thế, nhưng vẫn có đứa cho vào miệng nhai lốc cốc và cảm thấy bùi bùi, vẫn ngon không tả được. ăn thị xong rồi lại ngẩn ngơ tiếc khi nhìn cái rọ rỗng không...
Bà hay kể đi kể lại cho hai chị em nghe chuyện cổ tích Tấm Cám. Lần nào nghe, tôi và em Thảo cũng rơm rớm nước mắt, thương cô Tấm thảo hiền phải chịu nhiều đau khổ. Trẻ con, khóc đấy mà cười ngay đấy được. Cái đoạn cô Tấm hoá thân thành quả thị vàng mới hồi hộp và cảm động làm sao... Từ câu chuyện ấy, hai chị em thêm yêu những quả thị vàng. Đúng rồi, cô Tấm thơm thảo, hiền lành phải hoá thân thành quả thị chứ không phải bất cứ loại quả nào khác. Những buổi trưa nắng, hai chị em không ngủ, trốn bà ra gốc thị. Ngửa cổ nhìn lên vòm lá xanh lao xao, thấy từng quả chín như những vầng trăng cổ tích đu đưa. Cúi nhìn mặt đất, những đốm nắng lung linh nhảy nhót như cười... Có hôm dưới gốc thị, tôi nhắm mắt ước mãi, ước mãi, rằng từ trong quả chín đu đưa trên đầu kia, sẽ có cô Tấm hiện lên. Nhưng mở mắt vẫn chỉ có lá xanh lao xao và quả vàng thơm ngát...
Ông mất chừng dăm bữa thì cây thị cũng dần dần héo lá. Bà bảo cây do ông trồng, khi ông đi xa, bà quên để tang cho cây nên nó cũng theo ông. Hai chị em ngơ ngẩn vào ra trong căn nhà trống lạnh. Trung thu năm ấy, bà đi chợ mua về những quả thị bé xíu, dẹt như cúc áo, bảo đó là "thị cúc", thơm lắm. Hương thị quyện với khói hương trên bàn thờ ông ngậm ngùi lan trong nhà, ngoài ngõ. Ngày bà thuê thợ đốn cây thị khô, hai chị em khóc oà. Góc vườn trống hẳn. Chẳng biết bà xin được ở đâu một cây thị giống, lại nâng niu ươm trên nền đất cũ. Hai chị em hồi hộp tưới cây hằng ngày... Thế rồi năm sau, bố mẹ về đón cả tôi và em Thảo đi theo, cây thị bé bỏng ngơ ngác đứng nơi góc vườn, xoè những lá xanh non nớt vẫy mãi, vẫy mãi...
Gặp hương thị bồi hồi lan trong gió heo may vừa chớm, ký ức tuổi thơ lại trở về thao thức. Cây thị bà trồng vẫn còn nhưng nhà thì vắng ngắt... Mảnh sân gạch con con ngập lá rụng. Mỗi lần về quê, quét sân xong, tôi thường ra gốc thị, ngửa mặt nhìn vòm lá lích tích tiếng chim. Ước mình bé lại như xưa, lại xòe vạt áo dưới gốc cây, nhắm mắt đọc thầm: "Thị ơi thị rụng...".
Tản văn của VIỆT NGA