Vàng lá di động, lùn sọc đen – dịch bệnh nguy hiểm trên lúa mùa

14/10/2017 17:19

<b> Phóng viên Báo Hải Dương đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dịch bệnh này.</b><br><br>


Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hiện nay, bệnh vàng lá di động (hay còn gọi là vàng lụi), lùn sọc đen đang gây hại nghiêm trọng trên lúa mùa cuối vụ. Ngày 12.10, UBND tỉnh đã công bố dịch bệnh xảy ra tại các huyện Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà và thị xã Chí Linh.

- Xin bà cho biết mức độ nguy hại của bệnh vàng lá di động, lùn sọc đen đối với cây lúa?

  - Bệnh vàng lá di động do virus gây ra, rầy xanh đuôi đen là môi giới truyền bệnh. Biểu hiện bệnh rõ nhất khi cây lúa trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến trỗ bông. Khi nhiễm bệnh, lá lúa chuyển sang màu vàng, cây sinh trưởng kém, khóm lụi dần, nghẹn đòng, không trỗ bông. Bệnh lùn sọc đen cũng do virus gây ra, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Lúa bị nhiễm bệnh sẽ thấp lùn, lá xanh hơn bình thường và xoăn ở đầu lá, cây không trỗ bông hoặc trỗ bông không thoát, hạt thường bị đen. Cả hai bệnh này đều rất khó phát hiện, thường chỉ nhận ra khi lúa đã nhiễm bệnh nặng. Những diện tích lúa nhiễm bệnh sẽ bị sụt giảm năng suất, thậm chí không cho thu hoạch.

- Được biết bệnh vàng lá di động, lùn sọc đen hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, vậy nông dân phải làm để hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra?

  - Đối với những ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh trên 70%, không còn khả năng phục hồi, nông dân cần tiêu hủy ngay bằng cách cày lật úp hoặc thu gom lúa đem đốt. Trước khi tiêu hủy cần phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc như Dragon 585 EC, Supergun 600 EC, Penalty gold 50 EC... Nếu trồng cây vụ đông trên chân ruộng bị nhiễm bệnh, không nên trồng ngô vì ngô là ký chủ của bệnh lùn sọc đen. Với những ruộng lúa đang trong giai đoạn trỗ bông đến chắc xanh có tỷ lệ bệnh từ 5-70%, cần nhổ, vùi những dảnh lúa nhiễm bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện có rầy môi giới, phun trừ ngay ruộng nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh bằng các loại thuốc đặc hiệu như Chatot 600 WG, Chersieu 600 WG, Penalty gold 50 EC... Sử dụng các loại phân bón dễ tiêu như phân chuồng hoai mục, phân kích thích rễ, siêu lân... để tăng khả năng hút dinh dưỡng của cây.

 Về lâu dài, do bệnh không có thuốc đặc trị nên phải phòng trừ bệnh từ gốc. Nông dân cần làm tốt vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ để mầm bệnh không lây lan sang vụ sau. Hạn chế gieo cấy các giống lúa dễ nhiễm bệnh như TBR225, BC15, Thiên ưu 8… Chủ động phòng trừ rầy từ khi gieo mạ. Vụ lúa xuân tới cần bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, giảm tỷ lệ trà xuân sớm, xuân trung để bảo đảm thời gian cách ly, cắt cầu nối truyền bệnh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

PV (thực hiện)

 Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.740 ha lúa mùa nhiễm bệnh vàng lá di động, lùn sọc đen. Trong đó, huyện Kim Thành có 610 ha, Kinh Môn 448 ha, Thanh Hà 388 ha, thị xã Chí Linh 239 ha và rải rác ở các địa phương khác. Có 1.038 ha lúa bị thiệt hại nặng do nhiễm bệnh.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vàng lá di động, lùn sọc đen – dịch bệnh nguy hiểm trên lúa mùa