Vân vi chuyện người chiến sĩ Điện Biên

29/04/2018 12:00

Từng là chiến sĩ Điện Biên, phục viên rồi tái ngũ. Tính ra có 20 năm cuốn trong gió bụi khói bom trận mạc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...

Bây giờ về hưu, nhìn lại, ông chỉ có chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và  Huân chương Kháng chiến hạng nhất...


Ông Nguyễn Văn Sập, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa và vợ là bà Phạm Thị Hường

Trốn nhà đi bộ đội

Năm 1949, giặc Pháp nhảy dù và đóng bốt Thiên, lập ra làng tề, khống chế vùng du kích. Chúng dựng lên tổ chức hương dũng, cử ra Hương chủ, bắt phu phen, xây lô cốt kiên cố, án ngữ lối đi từ thị xã Hải Dương về Phả Lại, sang Đông Triều. Giặc Pháp xua quân về các làng lân cận bắt lính, làm bia đỡ đạn trên khắp các chiến trường. Người dân làng Thiên sống trong cảnh cá chậu, chim lồng, nghẹt thở.

Nguyễn Văn Sập là con út một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Hai anh lớn đã trưởng thành, người đi ra vùng tự do theo kháng chiến, người  tình nguyện đi bộ đội, rồi bị giặc bắt đầy ra Côn Đảo… Noi gương ấy, năm 1952, khi mới 17 tuổi, anh đã  trốn nhà  tìm đường vào Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám là khu căn cứ của Việt Minh, xin được làm người lính Cụ Hồ. 

Được bổ sung vào Trung đoàn 246, anh cùng đồng đội vừa hành quân lên Lào Cai, vừa rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Vừa được 2 tuổi quân, anh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được chọn vào đại đội trinh sát. Anh gan góc, mưu trí, vượt muôn vàn hiểm nguy, luồn sâu vào cứ điểm của địch vẽ địa hình, thu được nhiều tài liệu có giá trị…

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, có người được trở về xuôi hoặc được cử đi học tập, đào tạo để phục vụ lâu dài. Nhưng anh chưa một ngày rời tay súng. Đơn vị anh được điều động ngược lên Lào Cai làm nhiệm vụ tiễu phỉ, giữ gìn cuộc sống yên bình của núi rừng Tây Bắc. Ở mặt trận thầm lặng này, người chiến sĩ Điện Biên đã dính đạn của bọn thổ phỉ rừng Lào Cai. Cánh chim đang xoải bay, bỗng dưng khựng lại.

20 tuổi, đang phơi phới sức xuân, anh thương binh Nguyễn Văn Sập khoác ba lô phục viên về làng. Nhìn tấm Huy hiệu Điện Biên trên ngực anh, người làng ai nấy đều trầm trồ nể phục.

Bấy giờ  các anh trai lớn, đều có gia đình riêng, anh là con út lại chưa có vợ, bà mẹ già thương con, ra ở với anh. Đang tuổi thanh niên xốc vác, anh bập vào cuộc sống lao động sản xuất. Năm 1957, anh lấy vợ, người khác huyện. Từ đấy đôi vợ chồng trẻ tảo tần, sớm khuya cày cấy, xây dựng HTX, bám đồng ruộng ổn định kinh tế gia đình. Trong 3 năm, hai đứa con đủ cả gái trai lần lượt ra đời, căn nhà vang tiếng cười nói của trẻ thơ, lòng mẹ già cũng thêm vui…

Tái ngũ

Những tưởng thế là yên phận, nhưng tiếng súng ở miền Nam đang vẫy gọi anh. Năm 1965, anh có lệnh tái ngũ. Có lẽ người ta biết anh là chiến sĩ Điện Biên, đã kinh qua chiến đấu, nên đã giao cho anh chức vụ Tiểu đội phó ngay sau khi giao quân.

Hơn mười năm trước, anh đi bộ đội vào tuổi 17, vô tư chưa vướng bận chuyện gia đình. Còn bây giờ, ba mươi tuổi, một mẹ già đã ngoài 80, hai con một đứa lên5, một đứa 2 tuổi đang học mẫu giáo, vợ còn rất trẻ, anh ra đi với bao nhiêu nỗi nhớ nhung, vương vấn. Nhưng người chiến sĩ Điện Biên đã vượt qua. Anh hòa cùng khí thế của những chiến sĩ trẻ 18-19 tuổi, hừng hực lên đường vào Nam chiến đấu. Đó là đơn vị bộ binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 308 quân chủ lực.

Anh đã đi dọc ngang các mặt trận, tham gia các trận đánh lớn ở Bình Long, Phước Long, nhiều lần chết hụt trong trận Đồng Xoài, Long An, vào giáp Campuchia... 

Cũng từ trong chiến đấu, anh đã trưởng thành, được bổ nhiệm chức vụ Đại đội phó thuộc Cục Hậu cần (Quân khu 7).  Anh chỉ huy vận tải vũ khí, lương thực, cáng thương binh... phục vụ chiến trường bằng những chiếc xe đạp thồ, vượt qua những chặng đường rừng núi, dài vài chục cây số. Anh chẳng nhớ đã qua bao nhiêu cơn sốt rét hành hạ, bao lần bom B52 rải thảm, bao nhiêu bãi mìn đã chặn đường anh. Nhưng nhiệm vụ anh vẫn hoàn thành.

Nhận tin quê nhà giữa chiến trường

Đạn bom khói lửa, gian nan là thế, nhưng cũng có những giây phút hạnh phúc. Vào một ngày cuối năm1967,  khi ở phum Tà Ao (thuộc đất Campuchia), đơn vị anh được bổ sung một số tân binh quê từ miền Bắc. Thật sung sướng, trong đó có một người làng, anh này hớn hở báo rằng: Nơi quê nhà vợ anh mới sinh hai con gái? 

Giật mình. Thoạt đầu anh tưởng nghe lầm, sau bình tâm lại, bỗng nhớ ra. Lên đường tái ngũ tháng 8.1965, nhưng trước khi đi B, anh được phép về thăm gia đình vào dịp Tết Bính Ngọ (1966). Anh không biết rằng, sau mấy ngày phép ấy, ở nhà vợ anh đã mang thai, rồi sinh đôi 2 con gái. Người vợ đã đặt con tên là Tráng và Diện. Chúng như hai giọt nước. Nhận tin nhà giữa chiến trường, anh báo anh nuôi “đặc cách" nấu một nồi chè để khao anh em mới bổ sung về đơn vị. 

Miền Nam được giải phóng, anh vẫn công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 7. Năm 1979, tuy vẫn mặc áo lính, anh được điều về tăng cường cho tỉnh Đồng Nai làm công tác tổ chức. Người ta còn cấp cho anh tấm thẻ ưu tiên để mua vé xe đi công tác cơ sở, với chức danh là cán bộ Tiểu Ban bảo vệ Đảng. Thế nhưng chưa quen hết việc ở đây, thì anh lại có quyết định từ Đồng Nai trở ra Bắc, về Đoàn 870 thuộc Quân khu Thủ đô công tác. Cuối cùng lại từ Quân khu Thủ đô về một trung đoàn, không phải đơn vị chiến đấu, mà là đơn vị sản xuất tăng gia, đóng  quân tại xã Quốc Tuấn (Nam Sách) với chức vụ Tiểu đoàn trưởng.

Sống trong hoài niệm

Năm 1982, người chiến sĩ Điện Biên năm ấy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Sập khoác ba lô về làng. Về lần này là nghỉ hưu, khi 47 tuổi.

Tính ra, trong 2 cuộc kháng chiến, anh đã có 20năm trận mạc vào sinh ra tử. Chàng trai làng Lạc Sơn, phường Thái Học (Chí Linh) đi qua bao nhiêu tên làng tên đất, từ Nam ra Bắc, lên vùng Tây Bắc xa xôi, sang cả nước bạn, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau: trinh sát, hậu cần, vận tải, bảo vệ Đảng, kể cả trồng trọt tăng gia… Thời gian đẽo gọt đã kéo theo những thay đổi của con người. Anh đã quen dần những tiếng gọi anh Sập, bác Sập rồi ông Sập... tự bao giờ.

Ông Sập về hưu khi ngót 50 tuổi, chưa phải già, cũng không còn trẻ nữa. Ngày đầu, sau chút ngỡ ngàng bởi nhiều năm xa quê, ông tiếp tục cày cuốc, chăn nuôi trồng trọt cùng người vợ Phạm Thị Hường đã chờ chồng biền biệt, thảo hiền thờ mẹ, nuôi con... Hai con lớn cũng đã đến tuổi trưởng thành, ông dựng vợ gả chồng cho các con yên bề gia thất.

Lương hưu và phụ cấp thương binh hạng 4/4 không đủ chi dùng cho gia đình, ông mua máy xay xát bột cho trẻ em, xay đỗ gia công cho dân làng để hằng ngày có thêm đồng rau mắm.

Khu dân cư có 7 chiến sĩ Điện Biên, 5 người lần lượt ra đi đến nay chỉ còn lại 2 người là ông và ông Phạm Văn Ninh (87 tuổi) bị lòa hai mắt. Mấy năm trước, ông Sập vẫn mời các bạn về nhà mình gặp mặt. Lại có năm cả 7 đôi vợ chồng trong Hội Gia đình chiến sĩ Điện Biên tập trung... Các ông ôn lại thời máu lửa, các bà tâm sự nỗi niềm người vợ ở hậu phương, nuôi con thăm thẳm đợi chồng. Họ động viên nhau sống vui những năm tháng cuối đời. Tấm ảnh kỷ niệm năm ấy, bây giờ trở thành vật vô giá.

Nghe ông kể chuyện, tôi cứ vân vi chưa rõ tại sao, trận mạc là thế, đến giờ ông không có một huân chương, huy chương chiến công nào? Những ngày lễ trọng đại, xung quanh đồng đội đến dự, người nào cũng rực rỡ màu sắc lóng lánh các loại huy chương trên ngực, còn ông thì chỉ độc nhất chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã bạc màu…

KHÚC THIÊN GIANG

(0) Bình luận
Vân vi chuyện người chiến sĩ Điện Biên