Từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều người đi xe máy ở đường nông thôn không đội mũ bảo hiểm
Diễn biến phức tạpTừ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Theo Công an huyện, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ TNGT trên đường giao thông nông thôn (GTNT) là do ý thức người tham gia giao thông hạn chế, chủ quan, thiếu chú ý quan sát, phóng nhanh. Bên cạnh đó, việc người dân thường xuyên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia khi lái xe trên đường làng, đường xã cũng làm cho hậu quả các vụ tai nạn nghiêm trọng hơn. Điển hình là vụ TNGT xảy ra trưa 28-2-2015 trên đường liên thôn Mậu Tân, xã Cẩm Hưng. Anh Phạm Văn Vương (sinh năm 1968), người trong xã đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, do không làm chủ được tốc độ đã đâm vào cột chắn barie và thiệt mạng. Đại úy Lê Xuân Hiển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT), trật tự-cơ động huyện Cẩm Giàng cho biết: “Bên cạnh nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông thì những đặc thù của hệ thống GTNT cũng khiến tình hình TNGT trở nên phức tạp hơn. Đường GTNT nhiều cong cua, nhỏ hẹp, trong khi hệ thống chiếu sáng, biển báo hiệu còn hạn chế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người đi đường”.
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ TNGT trên các tuyến đường GTNT, làm 12 người chết và 7 người bị thương, chiếm 10,1% số vụ, 8,8% số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT trên đường GTNT không giảm, tăng 1 người chết và 1 người bị thương. Tuy nhiên, một số cán bộ CSGT cho biết, số vụ TNGT trên các tuyến GTNT thực tế còn cao hơn vì nhiều vụ tự gây tai nạn hoặc tai nạn không dẫn đến chết người nên người dân tự giải quyết, không báo với cơ quan chức năng.
Cột điện giữa đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh chụp tại thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện)
Cần giải pháp đồng bộHiện nay, bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, lực lượng CSGT huyện Ninh Giang thường xuyên tuần tra lưu động trên các tuyến đường liên xã, đường GTNT. Theo đánh giá của Công an huyện, việc tăng cường tuần lưu, xử lý nghiêm vi phạm ở các tuyến đường GTNT đã khiến người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn. Đặc biệt là việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã dần trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện cũng vẫn còn tình trạng đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra 1 vụ TNGT giữa 2 xe máy trên đường liên thôn thuộc xã Hồng Phong làm 1 người chết. Cả 2 người điều khiển xe máy đều không đội mũ bảo hiểm. Thiếu tá Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự-cơ động Ninh Giang đề nghị: “Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại đường GTNT rất khó khăn do địa bàn rộng, nhiều lối rẽ nên người vi phạm thường trốn tránh, bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng. Thậm chí, còn có hiện tượng người dân xung quanh xúm lại cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Chính vì vậy, để phòng ngừa TNGT trên đường thôn, xã thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông vẫn là giải pháp hàng đầu”.
Những năm gần đây, hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải tạo, mở rộng. So với mức độ phát triển của hạ tầng đường sá, hiện nay hệ thống báo hiệu chưa hoàn thiện, thói quen tham gia giao thông của người dân chưa được thay đổi cũng là yếu tố dẫn đến TNGT ở các vùng nông thôn tăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng cột điện đứng ở lòng đường sau khi hệ thống GTNT được mở rộng, tiềm ẩn nguy hiểm. Tại huyện Thanh Hà, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong phối hợp giải quyết và huy động sức dân nên hiện không còn tình trạng trên. Nhưng để việc đi lại của người dân an toàn hơn cũng còn nhiều việc cần làm. Ông Lê Đình Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Thanh Hà cho biết: Cùng với việc hỗ trợ xi măng làm đường, cơ quan chức năng cũng cần xem xét, có cơ chế hỗ trợ các địa phương thay thế, hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu giao thông, nhất là trên các tuyến đường xã. Bên cạnh đó, các xã, thôn cần tăng cường các hoạt động bảo đảm ATGT bằng những việc làm cụ thể như phát quang cây cối, tháo dỡ công trình che khuất tầm nhìn, in ấn, lắp đặt bảng biển tuyên truyền... để người dân chú ý hơn khi đi đường.
Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh bình quân 2 người có một xe máy. Thời gian tới số lượng phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là xe mô tô, xe đạp điện. Đây là những phương tiện đi lại chủ yếu của người dân ở vùng nông thôn. Trước tình hình TNGT trên các tuyến GTNT còn phổ biến và tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng và địa phương cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm và khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông. Để bảo vệ tính mạng của chính mình, người dân cũng cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức, kỹ năng khi tham gia giao thông.
HẠO NHIÊN