Trên 70% số nạn nhân của các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em. Có rất nhiều nguyên nhân đã xô đẩy các cô gái trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Lêu lổng, thiếu hiểu biếtThực tế cho thấy phần lớn nạn nhân của các vụ mua bán người có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm, bố mẹ không ở bên để quản lý, dạy dỗ nên dễ trở thành những "miếng mồi ngon" cho những kẻ buôn người. Trường hợp nạn nhân Đỗ Ngọc Tr. ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) là một ví dụ. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ly thân nhiều năm và đều đi làm ăn xa, Tr. và hai em sống với ông bà ngoại. Ngày khai giảng năm học 2011- 2012, Tr. gặp tai nạn, bị ảnh hưởng đến não. Sẵn tâm lý chán học từ trước nên sau khi bị tai nạn, Tr. đòi nghỉ học và xin đi làm công nhân. Hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết, Tr. trở thành người ham chơi và đã từng đi bán dâm.
Thời gian làm công nhân, Tr. quen biết với Lê Thị Hương (sinh năm 1992 ở xã Thanh Cường, Thanh Hà) và Vũ Thị Thúy (sinh năm 1992 ở cùng xã với Tr.). Cuối năm 2011, Hương trốn sang Trung Quốc bán dâm. Sau đó, chị ta gọi điện thoại về cho Thúy bảo nếu biết cô gái Việt Nam nào có nhu cầu sang Trung Quốc bán dâm thì để cô ta đưa sang. Lợi dụng Tr. ham chơi, Thúy đã cùng 1 người bạn lừa rủ Tr. đi Quảng Ninh bán dâm nhưng thực chất là đưa bán sang Trung Quốc. Nghe Thúy nói ra Quảng Ninh bán dâm được nhiều tiền nên Tr. dại dột đồng ý. 3 năm sau ngày bị bán, Tr. mới tìm được cách trốn về.
Có những nạn nhân chỉ vì thiếu hiểu biết nên dễ dàng bị những kẻ lừa đảo dùng lời ngon, tiếng ngọt dụ dỗ và lừa bán như trường hợp nạn nhân Phan Thị D. (ở Thanh Miện). Vừa lớn lên, chưa yêu đương bao giờ nên khi được bạn bè giới thiệu làm quen với Nguyễn Văn Tuấn (ở huyện Tứ Kỳ), D. nhanh chóng bị vẻ ngoài sáng sủa, cách ăn nói nhẹ nhàng của Tuấn đánh gục. Yêu nhau mới được vài ngày, Tuấn rủ D. ra Móng Cái chơi, thực chất là lừa bán D. sang Trung Quốc.
"Sau khi trở về, một thời gian dài, nó không dám ra ngoài, không dám nói chuyện với ai."
Bà ngoại của nạn nhân Đỗ Ngọc Tr. |
|
Cá biệt có những trường hợp do lười lao động, thích chơi bời nên đã tự biến mình thành kẻ buôn người như trường hợp của Vũ Thị Thúy trong vụ buôn bán Tr. Thúy sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm lo làm ăn, không có điều kiện quan tâm nhiều đến con cái. Do kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thúy xin đi làm công nhân ở địa phương khác. Thấy bạn bè có tiền ăn chơi, Thúy cũng dễ dàng sa ngã, đồng ý với bạn lừa bán Tr. để lấy tiền tiêu xài. Do lười lao động và thấy việc bán dâm kiếm tiền dễ dàng nên tháng 3-2013, Thúy lại tự liên hệ tìm đường sang Trung Quốc bán dâm. Đến tháng 7-2013, Thúy bị công an Trung Quốc phát hiện và đuổi về Việt Nam.
Gian nan “đường về” Thượng úy Phạm Văn Dân, Đội trưởng Đội Phòng chống tệ nạn và mua bán người, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45, Công an tỉnh) cho biết: Tìm hiểu hoàn cảnh của nhiều nạn nhân cho thấy tất cả đều đã từng bị cưỡng bức, bị tra tấn, bị giam cầm bất hợp pháp, bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục. Một số gia đình nạn nhân còn bị đe dọa. Do đó nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương nặng nề về sức khoẻ và tâm lý, có những trường hợp dẫn đến cái chết.
Vì những lẽ đó nên với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hoà nhập của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Phần lớn nạn nhân không tìm được công việc phù hợp ở địa phương, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, sức khoẻ yếu hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tuỳ thân, gia đình không ổn định... Các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về đúng trình tự của pháp luật; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn để nạn nhân trở về với gia đình. Các cấp Hội Phụ nữ đã lồng ghép việc hỗ trợ nạn nhân trở về với các chương trình hoạt động của hội như dạy nghề cho lao động nữ, cho nạn nhân, gia đình nạn nhân bị buôn bán trở về vay vốn làm ăn gắn với truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống.
Tuy nhiên, các hoạt động, chương trình hỗ trợ này không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Một số chương trình đào tạo nghề chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Quan trọng hơn cả, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ và hành vi của cộng đồng đối với họ. Bà ngoại của nạn nhân Đỗ Ngọc Tr. cho biết: "Sau khi trở về, một thời gian dài, nó không dám ra ngoài, không dám nói chuyện với ai. Nó cũng kể trong thời gian ở Trung Quốc có quen với một số chị em cùng là người Hải Dương cũng bị lừa bán sang bên đó. Một vài người trong số đó cũng đã may mắn trở về được như cháu tôi. Nhưng không đứa nào dám ở lại quê hương, mà đều đi tìm việc làm ở địa phương khác. Cháu tôi hiện giờ cũng lại sang Trung Quốc làm thuê, thỉnh thoảng mới trở về thăm gia đình".
HOÀNG NGÂN