Năm 2012, toàn tỉnh có 21 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã thì chỉ có 5 xã, phường đạt, còn lại 16 đơn vị vẫn khó trăm bề.
Trạm Y tế xã khó thực hiện 80% dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến
Hàng chục nơi đã đạt chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) giai đoạn 2001- 2010 cũng đang gặp khó khăn.
6 năm xây dựng vẫn chưa đạt chuẩnTrạm Y tế xã Gia Hòa (Gia Lộc) nằm ngay cạnh trục đường liên xã. Trạm chỉ có một dãy nhà cấp 4, có 4 phòng nên các phòng chức năng đều phải lồng ghép. Phòng đẻ kiêm phòng đặt dụng cụ tử cung chỉ rộng khoảng 10 m2, chia thành 2 ngăn. Trạm có đầy đủ các trang thiết bị như bàn đẻ, máy hút nhớt, bộ dụng cụ, đèn gù... nhưng vì diện tích quá chật nên các dụng cụ này được đặt dồn vào góc tường. Y sĩ Phạm Thị Bồn, Trạm trưởng cho biết: "Phòng chật hẹp nên rất khó thực hiện các thủ thuật, nhất là việc đỡ đẻ nên mỗi năm chỉ có 1- 2 ca đẻ tại trạm, các thủ thuật khác cũng ít thực hiện được". Phòng lưu bệnh nhân ghép với phòng sản phụ sau đẻ có 3 giường bệnh. Khi có dịch xảy ra như dịch bệnh tay - chân - miệng vừa qua, các bệnh nhân vẫn phải ghép chung. Phòng khám bệnh, phòng dược đặt chung với phòng tiêm. Đến ngày tiêm chủng, các gia đình phải bế trẻ chờ đợi vật vờ, tình trạng không có chỗ ngồi đã trở thành phổ biến.
Trong 10 tiêu chí xây dựng CQGYTX giai đoạn 2011- 2020 thì xã Gia Hòa gặp khó khăn nhất ở tiêu chí 3 về cơ sở hạ tầng trạm y tế xã. 6 năm nay, năm nào xã cũng đăng ký xây dựng CQGYTX nhưng đến nay vẫn chưa đạt. Dù đã được quy hoạch đất nhưng xã chưa có kinh phí để xây dựng trạm y tế. Vườn thuốc nam rộng gần 100 m2 nằm ngay sau trạm như để hoang... Năm nào xã cũng đăng ký xây dựng CQGYTX, đất xây dựng trạm cũng được quy hoạch, còn các cán bộ y tế tại đây thì vẫn cứ thấp thỏm chờ đợi. Trạm y tế xã hiện nay trở thành "tạm bợ", hoạt động cầm chừng.
Năm 2012, 3 trạm còn lại của huyện Gia Lộc gồm Gia Hòa, Đoàn Thượng, Nhật Tân đều đăng ký đạt CQGYTX, nhưng không có xã nào đạt. Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là các xã không có kinh phí xây dựng Trạm Y tế. Trong đó, xã Nhật Tân đang xây dựng Trạm Y tế nhưng chưa hoàn thiện do thiếu kinh phí. Hai trạm còn lại đã được quy hoạch đất nhưng chưa có kinh phí nào để xây dựng.
Đạt chuẩn nhưng vẫn nợ tiêu chí Xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đạt CQGYTX năm 2007. Trạm Y tế xã có đủ 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ y học cổ truyền nhưng chưa thể đáp ứng chỉ tiêu như trong tiêu chí là trạm phải đạt khoảng 30% số bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Nguyên nhân là do trạm còn thiếu trang thiết bị, trình độ của y, bác sĩ cũng chưa thực hiện được việc điều trị bằng đông y. Trạm cũng không có các trang thiết bị như máy điện tim, máy siêu âm đen trắng xách tay, máy đo đường huyết theo quy định. Về quy định trong tiêu chí 7, Trạm Y tế phải có khả năng thực hiện khoảng 80% các dịch vụ kỹ thuật có trong Quy định phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh cũng khó thực hiện đối với tuyến xã hiện nay. Hơn nữa, huyện Gia Lộc cũng là một trong những huyện còn thiếu nhiều bác sĩ tuyến xã nhất tỉnh (9 Trạm Y tế xã chưa có bác sĩ).
So sánh với bộ tiêu chí xây dựng CQGYTX giai đoạn 2011- 2020, 18 trong tổng số 21 xã, phường đã đạt CQGYTX của TP Hải Dương cũng thiếu nhiều chỉ tiêu. Theo ông Trương Tiến Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, hiện các trạm đã có đủ các trang thiết bị khám bệnh thông thường nhưng không có trạm nào được trang bị máy siêu âm, xét nghiệm như trong quy định. Những Trạm Y tế được xây dựng trong giai đoạn 2001- 2010 hầu hết đã xuống cấp. Kinh phí hoạt động thường xuyên mỗi trạm chỉ có khoảng 20 triệu đồng/năm nên không có kinh phí tu sửa. Hơn nữa, theo định mức bảo hiểm y tế, mỗi đơn khám không vượt quá 30 nghìn đồng sẽ rất khó cho cán bộ y tế trong điều trị cho bệnh nhân nên buộc phải chuyển tuyến.
Cần giải pháp đồng bộHiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 4 huyện là: Thanh Miện, Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng và thị xã Chí Linh có 100% số xã đạt CQGYTX; còn lại 22 xã chưa đạt CQGYTX. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc về đất, kinh phí xây dựng trạm y tế. Vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch cũng là điểm yếu vì tỷ lệ hộ dân sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác thải, phân gia súc đúng quy định còn thấp. Năm 2013, tỉnh ta đề ra mục tiêu 100% số xã, phường, thị trấn đạt CQGYTX; 100% số xã đạt chuẩn giai đoạn 2001- 2010 tiếp tục thực hiện các tiêu chí của giai đoạn 2011- 2020. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế, giải pháp quan trọng nhất là phải tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp liên ngành trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở. Liên ngành cần phối hợp thực hiện tốt 3 công trình vệ sinh phòng bệnh, huy động toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường. Trạm Y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thông qua tăng cường chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện. Tỉnh cần hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương sớm xây dựng các Trạm Y tế nhằm đẩy nhanh việc xây dựng CQGYTX.
MINH HẠNH