Vận hội mới của vải thiều Thanh Hà

04/02/2019 21:06

Trải qua mấy trăm năm, lịch sử của cây vải thiều Thanh Hà ngày một dầy dặn thêm với nhiều kỳ tích mới.

Mùa vải chín ở khu Đồng Mẩn, thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà)

Cây vải thiều giờ đây không chỉ mang lại cơm no, áo ấm cho người dân nơi đây mà còn mở ra nhiều ngưỡng cửa mới với những cơ hội đang chờ đón.

Vải thiều Thanh Hà từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon với hương vị ngọt ngào riêng có. Vào thời Lê - Trịnh, năm 1765, nhà bác học Lê Quý Đôn đang giữ chức Đốc Đồng ở xứ Kinh Bắc được điều về làm Tham chính xứ Hải Dương. Trong sách "Vân đài loại ngữ", ông đã lưu lại những lời mến mộ đẹp đẽ nhất về quả vải xứ Đông: “Mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như giáng tuyết...”.

Nhìn lại quá trình khoảng 200 năm trở lại đây, nghề trồng vải Thanh Hà đã trải qua ba giai đoạn với những biến cố có ý nghĩa lịch sử.

Biến cố thứ nhất là về giống, khi cụ Hoàng Đức Thành - nông dân làng Thuý Lâm đi làm thuê ở bến cảng Hải Phòng đã lượm được 3 hạt vải từ chủ một thuyền buôn người Hoa về ươm giống ở vườn nhà. Con gái cụ cắt cỏ vườn vô tình làm sa sẩy mất hai cây. Còn một cây tỏa nhánh vươn cành rợp một góc vườn, cho quả đặc biệt thơm ngon, nay được tôn vinh là cây vải tổ.

"Thiều" - chữ Hán có nghĩa là đẹp. Sau này người ta còn gán cho giống vải gốc Triều Châu của vùng Phúc Kiến - Quảng Đông (Trung Quốc). Tránh gọi tên huý, con cháu và dân làng gọi là cụ Cơm. Vì cây vải cụ trồng đã đem lại cơm no áo ấm cho mọi người. Từ đó, giống vải Thúy Lâm đã được nhanh chóng nhân ra khắp huyện. Rồi người Thanh Hà đi làm kinh tế mới ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mang cây vải tác thành với đất dốc vườn đồi, mở ra huyện vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng, một thời làm ăn thu nhập xem ra còn rôm rả hơn cả quê nhà. Gần đây, người Thanh Hà đi khai hoang ở Tây Nguyên cũng tác thành cây vải thiều với đất đỏ bazan, nhân ra thành vườn, thành rừng vải ở Đắc Lắc, Gia Lai...

Biến cố thứ hai diễn ra vào những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, cơ cấu lại cây trồng, Nhà nước chủ trương cho phép nông dân Thanh Hà cải tạo đồng ruộng, lập vườn trồng vải. Chỉ trong khoảng 10 năm, cây vải được phá thế vây hãm trong vườn nhà tràn ra khắp các cánh đồng, triều bãi, biến Thanh Hà thành vườn cây trái bạt ngàn. Nhưng thời kỳ này cũng dần bộc lộ trào lưu lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, đất bị nghèo kiệt dinh dưỡng và quả vải nhiều vườn bị xuống mã, không an toàn vệ sinh thực phẩm, mất giá so với vải đồi ở Lục Ngạn...

Biến cố thứ ba đó là cây vải của thời kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra với rất nhiều áp lực, thách thức nhưng cũng mở ra một triển vọng có thể nói là vận hội mới cho xứ vải Thanh Hà.

Sau này rất có thể người biên chép lịch sử phát triển của nghề trồng vải sẽ lấy mốc thời gian ngày 10.6.2018 - ngày diễn ra Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, với hình ảnh đại diện lãnh đạo Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh, huyện cắt băng tiễn đoàn xe chở vải lên đường, chuyển giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ và một số thị trường khác. Sau một thời gian yếm thế và trầm lắng, với lợi thế đặc sản truyền thống, được xúc tiến thương mại quyết liệt và bài bản, vải thiều Thanh Hà đã khẳng định thương hiệu hàng đầu trên thị trường.

Nguyên nhân thành công trước hết phải kể đến tầm nhìn chỉ đạo, quá trình kiên trì vận động quy hoạch vùng trồng vải tập trung, đồng thời đổi mới tập quán sản xuất của nông dân trong huyện. Với tổng diện tích 3.800 ha, trong đó 1.300 ha vải sớm, 2.500 ha vải chính vụ, Thanh Hà trở thành vùng vải hàng hóa lớn. Quy hoạch tạo thuận lợi để áp dụng các biện pháp thâm canh, thực hiện quy trình sản xuất sạch. Hơn 350 ha đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. 30 ha đang thí điểm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Tiêu chuẩn sản xuất sạch toàn cầu). Hàng trăm ha vải thuộc các xã Thanh Thuỷ, Thanh Xá, Thanh Sơn đã bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Cây vải sinh trưởng tốt đều, quả sai, mẫu mã đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm, bán được giá cao.

Theo con đường trải bê tông ra đến các cánh đồng, anh cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện dẫn chúng tôi đến thăm khu vườn vải của gia đình ông Nguyễn Đức Nhân ở xã Thanh Thuỷ thuộc quy hoạch sản xuất vải xuất khẩu đi Mỹ. Ông Nhân là tổ trưởng của mô hình liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, gồm 3 nhóm với 250 gia đình trồng 11 ha (khoảng 2.000 cây vải) liền kề nhau. Bà con gắn bó, hỗ trợ, đồng thời cũng giám sát lẫn nhau, cam kết thực hiện những quy định chặt chẽ từng thời điểm bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đúng chủng loại, liều lượng đã được hướng dẫn. Huyện đã in hàng chục vạn tem có mã số truy xuất nguồn gốc để phát cho các cơ sở mùa tới đưa vải ra thị trường. Con tem thể hiện cam kết trách nhiệm của nhà vườn đưa tới người mua những quả vải tươi ngon, đẹp và sạch.

Mùa vải năm 2018 của huyện Thanh Hà bội thu với sản lượng đạt trên 40.000 tấn quả. Không còn tái diễn cảnh được mùa mất giá, nông dân chán nản để vải chín héo trên cây không buồn thu hái. Bây giờ nhà nào cũng phải thuê thêm lao động, thắp điện hái vải cả đêm, sáng sớm các xe vải xếp hàng tại trạm cân của các đại lý thu mua. Trục đường giao thông qua thị trấn, đường về các xã khu Hà Đông, Hà Nam liên tục tắc đường, kẹt xe chở vải. Nhất là Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tổ chức ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được quảng bá liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, lên Facebook, có sự tham gia của người quê Thanh Hà ở trong và ngoài tỉnh. Huyện đứng ra ký hợp đồng bao tiêu vải với các doanh nghiệp xuất khẩu và hệ thống siêu thị ở một số thành phố lớn. Cánh thương lái Trung Quốc cũng không chỉ chú mục vào mua vải thiều Lục Ngạn mà từ đầu vụ vải sớm đã về huyện đăng ký đặt bốn, năm trạm thu mua, không còn dễ ép giá. Thương nhân trong huyện cũng vươn ra làm chủ thị trường. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến, nhà ngay đầu đường vào xóm 6, xã Thanh Thuỷ mỗi ngày thu mua từ 10 - 15 tấn vải xếp vào thùng xốp chất lên xe container giao cho bạn hàng ở cửa khẩu biên giới Lào Cai, Lạng Sơn hay chuyển vào chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) xuất sang Campuchia.

Thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận và phong tặng những danh hiệu sáng giá như Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng toàn quốc, Tinh hoa đặc sản ba miền - Thương hiệu vàng... Đây cũng là thành công nổi bật của hoạt động xúc tiến thương mại. Vốn quen chỉ đạo đôn đốc phong trào theo mùa vụ, tư duy thị trường, làm thương hiệu, quảng cáo, hợp đồng mua bán... là lĩnh vực mới mẻ, xa lạ, nhưng từ lãnh đạo Huyện uỷ, UBND, đến cán bộ, công chức đều vào cuộc nhiệt tình, năng động, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Gần đây, cơ quan kiểm dịch động thực vật Bộ Nông nghiệp Mỹ đã về thăm khu vườn trồng vải xuất khẩu, sau đó đã ra văn bản chấp thuận kết quả xây dựng bản đồ chiếu xạ quả vải thiều Việt Nam. Chứng nhận này coi như đã cấp thị thực nhập cảnh cho vải Thanh Hà bước vào thị trường Mỹ, hay các thị trường khó tính khác như Australia, các nước thuộc liên minh châu Âu EU như Đức, Pháp, Hà Lan... Ở châu Á, ngoài Trung Quốc tiêu thụ lượng hàng lớn, vải Thanh Hà đã hiện diện tại siêu thị các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippines, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất... Công ty TNHH Rồng Đỏ năm trước đã đưa vải thiều Thanh Hà vào một siêu thị ở bang California (Mỹ). Họ bán với giá 17 - 19 USD/kg, tương đương 370.000 - 410.000 đồng/kg. Một du học sinh Việt Nam tại Nhật đã đưa lên mạng ảnh chụp một khay vải thiều có 12 quả bày bán tại siêu thị đề giá 1.890 yên, anh quy ra tiền Việt khoảng 400.000 đồng/quả vải. Thật khó tưởng tượng!

Thời tiết cuối mùa đông mà vẫn ấm nắng kéo dài khiến đây đó trên cây vải đã xuất hiện lớp lá lộc màu tím nhạt. Tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Đức Tuấn tỏ ý lo lắng thời tiết không thuận. Anh cho biết cây vải không có 200 giờ lạnh thì không ra hoa đậu quả vì đã bung lộc trước rồi. Song như để trấn an chúng tôi, anh kể về một chủ nhà vườn ở xã Thanh Bính đã phổ biến cho bà con cách thức điều khiển vải sớm ra hoa đúng vụ. Anh tự tin: "Nông dân Thanh Hà nay rất thuần thục công nghệ trồng vải, thời tiết thế nào cũng có cách xử lý ra hoa đậu quả". Về chủ trương giải pháp với quả vải thời gian tới, đồng chí Bí thư Huyện uỷ cho rằng nhiệm vụ hàng đầu vẫn phải chăm lo nâng cấp chất lượng bằng đầu tư thâm canh, mở rộng ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế. Huyện sẽ phải làm nhiều hơn nữa khâu quảng bá, xúc tiến thương mại. Tiếp tục tổ chức lễ hội vải thiều ở địa phương, Tuần lễ vải thiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với lượng vải lớn thu hái dồn dập trong thời gian ngắn, khắc phục tình trạng dồn ứ, bị ép giá, giải pháp căn cơ là phải xây dựng nhà kho lạnh đủ quy mô để giúp nông dân gửi vải, giữ vải tươi lâu. Kho lạnh cũng là điều kiện để doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ vải thiều, cả ổi, cam, chanh, quất. Lãnh đạo tỉnh đã bàn thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Dự án đầu tư xây dựng kho lạnh tại Thanh Hà. Câu chuyện càng cuốn hút khi anh Tuấn báo tin UBND tỉnh vừa ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương. Dự án huyện đã thai nghén chờ đợi từ hai mươi năm nay. Tỉnh đã cấp vốn để triển khai xây dựng ngay cơ sở vật chất bước đầu để có thể đón khách du lịch vào mùa thu hoạch vải năm 2019...

Trên đường về chúng tôi dừng xe trên vòm cao của cây cầu bê tông ngắm phong cảnh ngoạn mục trên một khúc sông. Hình dung một buổi sáng mùa hè cùng bầu bạn du thuyền trên sông Hương rồi ghé vào vườn vải la đà quả chín, tự tay hái quả và thưởng thức hương vị ngọt ngào đằm thắm của trái vải đầu mùa.

NGUYỄN PHÚC LAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận hội mới của vải thiều Thanh Hà