Văn hóa sinh lời

02/06/2019 08:59

Có một thời trong tờ khai lý lịch thường có mục: Trình độ văn hóa. Hầu hết người khai mình đã học lớp 3 hay lớp 4.

Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời có lần kể rằng khai đến mục ấy, ông thường để trống. Bởi giáo sư cũng không biết trình độ văn hóa (theo đúng nghĩa) mình đứng vào loại gì.

Văn hóa có mặt trong tất cả các hoạt động của con người, từ lao động sản xuất vật chất, tinh thần, đến các quan hệ ứng xử, giao tiếp xã hội, thái độ đối với thiên nhiên... Nói tới văn hóa, ta nghĩ ngay tới con người, năng lực, bản chất con người, để hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Vì thế nó gắn với trí tuệ, đạo đức, lương tâm, nó chứa đựng tính nhân văn.

Nhiều người cho rằng người học nhiều, có học hàm, học vị cao thường có trình độ văn hóa cao và ngược lại. Chưa hẳn! Có người mang học vị tiến sĩ nhưng kiếm cớ đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà. Có người dặn con nói dối mình đi vắng, để tránh gặp người bạn chiến đấu ở nhà quê lên thăm đang ngồi ở phòng chờ. Nhưng có bà mẹ mù chữ đã phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con. Bà tiễn chồng đánh giặc Pháp, tiễn con đánh Mỹ, một niềm sắt son với Tổ quốc. Vậy ai có trình độ văn hóa cao hơn?

Những kiến thức, hiểu biết của con người về thiên nhiên, về xã hội mới chỉ là tri thức. Tri thức được xã hội công nhận thể hiện ở học hàm, học vị. Nhưng từ tri thức để thành trình độ văn hóa nó phải chịu sự sàng lọc của một quá trình, đó là thông qua ứng xử với cuộc đời, cộng đồng và thiên nhiên. Trình độ văn hóa do cộng đồng xã hội tôn vinh, duy danh định giá, chứ không phải tự mình định lượng. 

Trong một không gian cụ thể, một người ứng xử kém, được gọi là vô văn hóa. Ngược lại, ứng xử tốt sẽ được cộng đồng coi là người có văn hóa. Trình độ văn hóa của con người phụ thuộc vào thái độ ứng xử của người đó phô bày với cộng đồng, xã hội. 

Người xưa đi câu, đánh cá, săn bắt chim thú kiếm sống nhưng chẳng có ai huỷ diệt môi trường. Kẻ kiếm củi không ai triệt hạ cả cánh rừng. Ngày nay có người đánh cá dùng kích điện hủy diệt cả các loại sinh vật sống trên dòng sông. Triệt hạ rừng để lấy gỗ dựng nhà... Đó là thái độ vô văn hóa với thiên nhiên và con người đã phải trả giá cho hành động ấy. Đó là những trận lũ quét gây sạt lở, thời tiết nóng tới 40 độ C...

Ở nước ta, con người đã tạo ra nhiều khu du lịch sinh thái với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc… Những địa danh du lịch ấy đã góp phần không nhỏ vào quá trình tạo nên tính cách, tâm hồn con người, mà gia đình đóng vai trò quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gia đình có chức năng giáo dục ý nghĩa nhất. Cha mẹ dạy con trẻ hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực của xã hội, dạy trẻ biết yêu quý cha mẹ, ông bà, anh chị, biết chăm sóc, quan tâm tới người già, biết nhường nhịn... Văn hóa gia đình là tiền đề của văn hóa cộng đồng. Người xưa coi việc đầu tiên là tu thân, tề gia rồi sau mới học hành, tế thế, an bang trị quốc. Bởi thế mỗi gia đình mới có gia phong, gia huấn, gia pháp… Giao tiếp, làm việc với một con người, chúng ta có thể phỏng đoán phần nào gia thế của họ. 

Một quốc gia biết đầu tư cho con người, là đầu tư lâu dài cho phát triển toàn diện. Có một thời gian dài người ta ngộ nhận rằng: Văn hóa ăn theo kinh tế. Bàn đến đầu tư cho kinh tế, người ta dễ dàng chấp nhận. Còn đầu tư cho văn hóa, họ tỏ thái độ e dè, thậm chí bàn lùi. Nhưng trên thực tế, đầu tư cho văn hóa, cho công nghiệp văn hóa lại tạo ra siêu lợi nhuận. Những vật phẩm văn hóa ngày càng có giá trị. Văn hóa thúc đẩy du lịch...

Đã đến lúc phải đổi mới tư duy, coi công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần, đồng thời đóng góp vào GDP và tạo việc làm cho xã hội. Văn hóa và công nghiệp văn hóa là tiền đề cho đất nước phát triển.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa sinh lời